GIẢI BÀI TOÁN THIẾU LAO ĐỘNG


(LĐ) - Thiếu hụt lao động những tháng đầu năm 2010 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động SXKD của DN và giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại TP.HCM.

 

   Để tìm ra nguyên nhân của sự thiếu hụt LĐ và hướng phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2010-2015, ngày 11.5, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm về vấn đề này.

   Bốn nguyên nhân cơ bản

      Mỗi năm, TPHCM cần khoảng 280 – 300 ngàn LĐ mới cho các ngành kinh tế. Tình trạng thiếu hụt LĐ đã được đặt ra nhiều năm qua, nhưng chưa bao giờ TP lại phải đối mặt với thiếu hụt LĐ nghiêm trọng như hiện nay. Nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng, việc thiếu hụt LĐ do bốn nguyên nhân:

      Việc hoạch định chính sách đầu tư còn chậm chuyển đổi, công nghệ sản xuất của DN lạc hậu, giá trị gia tăng của sản phẩm đầu ra thấp như dệt-may da-giày, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm... Nhiều DN chỉ vì lợi ích trước mắt, xem nhẹ việc thực hiện chính sách đãi ngộ cho người LĐ. Tiền lương không đủ sống nên một bộ phận công nhân rời nhà máy để về quê hay ra ngoài làm tự do.

      Quan trọng hơn, các DN có vốn đầu tư FDI trong các KCX – KCN vẫn chủ yếu sử dụng LĐPT. Trong khi đó, TP phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lực lượng LĐ nhập cư. Người LĐ từ những vùng quê, không được đào tạo bài bản dẫn đến ý thức làm việc thấp, tác phong công nghiệp kém, không đáp ứng được yêu cầu của DN.

      Mặt khác, việc các cơ sở đào tạo và DN chưa kết nối được cung-cầu dẫn đến người học ra trường thấp nghiệp, trong khi DN vẫn “kêu” thiếu LĐ. Điều này dẫn đến sự lãng phí nhân lực, tài lực, vật lực cho xã hội và người học.

   Chú trọng công tác dự báo


      Năm 2010, TP có trên 4,9 triệu người LĐ chiếm 66,21% dân số. Tổng số người đến độ tuổi LĐ hằng năm (gồm người có hộ khẩu TP và từ các tỉnh, thành khác chuyển đến) có nhu cầu việc làm và đào tạo nghề là trên 300 ngàn người.

      Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TP, nhóm ngành nghề có nhu cầu cao về LĐ chiếm tỉ lệ trên 80% tổng cầu tại TP. Những ngành nghề có cầu cao là quản lý kinh tế, kinh doanh, quản lý chất lượng, du lịch – nhà hàng – khách sạn, tài chính, ngân hàng... Trong đó, trình độ trên ĐH chiếm 5,75%, ĐH 16,27%, CĐ 14,62%, trung cấp 18,08%, CN kỹ thuật và thợ lành nghề 9,15%, sơ cấp nghề 9,01% và LĐ chưa qua đào tạo 27,12%.

      Theo TS Loan Lê – GĐ Cty nguồn nhân lực Loan Lê, nếu TP không có chiến lược về nguồn nhân lực sẽ mất cạnh tranh. Ông Dương Xuân Giao – GĐ Cty nguồn nhân lực NetViet - lại cho rằng, muốn tuyển và giữ được người, các DN cần có cơ sở nền tốt trong quản trị nhân sự, đặc biệt là đào tạo nâng cao trình độ cho NLĐ.

      Chủ tịch Hội DN trẻ TP Cao Tiến Vị hiến kế, muốn giải bài toán thiếu hụt LĐ, khâu hoạch định và dự báo nguồn nhân lực cần được quan tâm hơn nữa. Còn để giải quyết tình trạng thiếu LĐ, trước mắt Sở LĐTBXH nên cho mở một trường nghề đào tạo khoảng một tháng về kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, Luật Lao động và môi trường làm việc công nghiệp cho LĐ nhập cư.

 

 
Đăng Hải
 

Nguồn: laodong.com.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024881390

TRUY CẬP HÔM NAY: 3709

ĐANG ONLINE: 11