Lại loay hoay với chọn trường, chọn nghề


Mùa tuyển sinh năm 2017 đang đến gần và đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề tương lai, hàng chục ngàn học sinh lớp 12 ở TPHCM lại loay hoay, trăn trở, thậm chí không hiểu rõ bản thân muốn gì. Làm thế nào để giúp các em chọn đúng ngành nghề, phù hợp xu hướng việc làm của thị trường lao động thời mở cửa, toàn cầu hóa nhanh để tránh bị thất nghiệp?

Cơ hội nhiều, lo nhiều hơn

Mới đây, tham gia chương trình tư vấn “Đúng ngành nghề - sáng tương lai” do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM và Báo Giáo dục tổ chức tại các trường THPT Phú Nhuận, Bùi Thị Xuân, nhiều học sinh lớp 12 đã bộc lộ những băn khoăn, lo lắng trước mùa tuyển sinh sắp đến. Không chỉ đặt câu hỏi xung quanh phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ), học sinh còn có nhu cầu tư vấn về định hướng chọn trường, chọn nghề để tránh thất nghiệp, có thu nhập ổn định... Theo các chuyên gia giáo dục, với nhiều thay đổi trong kỳ tuyển sinh năm nay, thí sinh phải bắt đầu định hướng sớm để chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp với năng lực bản thân, không nên chờ đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi mới nhắm mắt ghi đại.

 

Học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận đặt nhiều câu hỏi tư vấn về tuyển sinh, chọn nghề


Tại dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT tiếp tục mở rộng cơ hội cho thí sinh (TS) bằng việc TS có thể chọn cả hai bài thi tự chọn, đăng ký nguyện vọng không giới hạn. Thế nhưng, lựa chọn như thế nào để tránh “bội thực” như các bữa ăn buffet đầy ắp thức ăn là điều khiến không ít học sinh băn khoăn. Quốc Bảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, đặt câu hỏi: “Chúng em có thể đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường nhưng làm cách nào để chọn ngành, chọn trường phù hợp, tránh việc trúng tuyển vào trường với ngành mình không thích nhưng phải theo học?”. Ông Trần Duy Can, đại diện ĐH Kinh tế TPHCM, tư vấn: “Năm nay, Bộ GD-ĐT không giới hạn nguyện vọng nhưng những ngành nào mình thích, trường nào mình đủ năng lực thì hãy đăng ký. Các em phải cân nhắc, chọn lọc kỹ và không nên đăng ký tràn lan vì lỡ trúng tuyển vào ngành mình không thích sẽ không được rút ra”. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh muốn chọn ngành nghề, trường ĐH mà mình thích nhưng lại dao động, chưa đủ tự tin vào năng lực bản thân. Để chắc ăn các em phải đăng ký thêm những ngành học khác và mục tiêu phải vào ĐH vẫn đè nặng tâm lý của số đông TS, thay vì nhìn xuống chọn học nghề, trường nghề.

Đa phần chọn ngành nghề có thu nhập cao

Theo kết quả khảo sát nhanh của PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TPHCM, có trên 50% TS muốn vào ĐH bằng mọi giá, 75% TS đồng ý việc chọn ngành phải phù hợp với sở thích và hầu hết đều lựa chọn ngành nghề có thu nhập, tiền lương cao. Theo nhiều trường ĐH, do chọn nghề theo ánh hào quang bên ngoài và không hiểu rõ về nó, nhiều sinh viên mới học xong năm thứ nhất đã chán học, bỏ học, làm lại từ đầu. Như thế chọn sai trường, sai ngành học sẽ phải trả giá đắt, cộng thêm tốn kém thời gian, công sức của người học.

Với bối cảnh thời đại kỹ thuật, công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, ngành nghề biến động, thay đổi rất nhanh, dự báo sẽ có nhiều ngành nghề mới xuất hiện, đòi hỏi kỹ năng cao và nhiều ngành nghề sẽ không còn tồn tại. Vì thế, nếu chọn ngành học dựa vào thông tin tuyển dụng hiện tại, thiếu nghiên cứu sẽ không tránh khỏi sai lầm. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM, tư vấn rằng để tránh sai lầm trong hành trình chọn nghề tương lai, học sinh cần tìm hiểu thông tin dự báo nhân lực trong tương lai gần, nhất là 4 - 5 năm sau khi tốt nghiệp. Trong xu hướng toàn cầu hóa, thị trường lao động giao thoa như hiện nay, cơ hội việc làm mở ra rộng hơn nhưng thách thức, cạnh tranh về nguồn lao động có chất lượng, kỹ năng cao cũng khốc liệt hơn. Vì thế, ai chuẩn bị hành trang tay nghề kỹ thuật đạt chuẩn, nhất là có ngoại ngữ tiếng Anh, tin học thì sẽ mở cánh cửa việc làm nhanh hơn. Như thế, học sinh phải cân nhắc, chọn lựa nghề nghiệp tương lai phù hợp với năng lực, sở trường và đam mê của mình, đừng chạy theo ánh hào quang của những ngành nghề hot, thời thượng hoặc chỉ nhắm đích đến duy nhất là tấm bằng ĐH. Tỷ lệ có việc làm không phân biệt nhóm ngành nghề nào mà phụ thuộc vào năng lực sở trường từng người, khả năng thích ứng với các vị trí việc làm đòi hỏi kỹ năng cao.

 

KHÁNH HÀ

Nguồn: http://www.sggp.org.vn
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878066

TRUY CẬP HÔM NAY: 304

ĐANG ONLINE: 18