4 lưu ý khi định hướng ngành nghề


Có vô vàn yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành nghề của học sinh lớp 12, tuy nhiên có 4 yếu tố lớn nhất giữ vai trò then chốt mà các em cần ghi nhớ để có quyết định chính xác học ngành gì, làm việc ra sao...

 

Chuyên viên của Kent International College tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khu vực đồng bằng sông

Cửu Long (tổ chức ngày 5-3)

 

Nắm rõ nhu cầu phát triển của ngành trong tương lai

 

 Khi có ý định chọn học ngành nào, các em nên tìm hiểu thông tin về dự báo nguồn nhân lực và tốc độ phát triển của ngành trong tương lai để chắc chắn về cơ hội tuyển dụng sau tốt nghiệp. Ngành học dù có hấp dẫn đến đâu nhưng nhu cầu tuyển dụng thấp hoặc không thường xuyên thì cũng dễ khiến các em rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề. Đừng để thời gian, công sức và sự đầu tư học tập của các em trở nên vô ích vì không tìm hiểu kỹ. Thông qua internet, các em có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều thông tin liên quan đến ngành nghề dưới dạng ý kiến đánh giá của chuyên gia, các số liệu thống kê nguồn lao động, chỉ số dự báo tăng trưởng ngành... và dự báo nguồn nhân lực của nhiều nhóm ngành nghề khác nhau qua website www.dubaonhanluchcmc.gov.vn thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Ngoài ra, các em cũng cần biết quy trình doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự như thế nào, mô tả về công việc, yêu cầu chung về bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm (nếu có), chế độ đãi ngộ và lương... trên các website tuyển dụng hàng đầu hiện nay như www.vietnamworks.com, www.careerbuilder.vn...

 

Niềm tin vững chắc về tương lai phát triển của ngành sẽ trở thành nguồn động lực rất tốt giúp các em vượt qua những vất vả trong học tập để nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ.

 

Cân nhắc tài chính & hiệu quả phát huy

 

Hiện nay, có hai chương trình đào tạo mà các em có thể tham khảo là chương trình đào tạo trong nước và chương trình đào tạo quốc tế cấp bằng tại Việt Nam. Trong đó, chương trình đào tạo quốc tế có lợi thế về giá trị bằng cấp, nâng cao khả năng tiếng Anh cho người học, kiến thức và kỹ năng mềm hiện đại. Sau khi tốt nghiệp, các em có đủ khả năng ứng tuyển những vị trí công việc cao cấp tại các doanh nghiệp nước ngoài. Một số chương trình quốc tế dưới hình thức du học chuyển tiếp tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập và lấy bằng cử nhân tại nước ngoài. Chi phí của các chương trình này thường cao hơn so với chương trình trong nước, tuy nhiên hiệu quả dài lâu mà nó đem lại cho tương lai của người học đủ để chứng tỏ đây là sự đầu tư xứng đáng. Các em có thể tham khảo một số chương trình quốc tế hiện nay để có sự so sánh và cân đối khả năng tài chính của gia đình.

 

Chọn nghề trên cơ sở khoa học

 

Hãy nhớ rằng, chọn ngành nghề không thể dựa vào cảm tính chỉ vì “thích” hoặc ảnh hưởng từ gia đình mà cần dựa trên cơ sở khoa học. Mới đây, Kent International College (Kent Việt Nam) đã áp dụng bộ công cụ trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp của tiến sĩ tâm lý John Holland (Mỹ) vào chương trình tư vấn nghề nghiệp tại một số trường THPT tại TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả thu được khá khả quan và các em học sinh đã xác định ngay được nhóm ngành nghề phù hợp. Cụ thể, theo như nghiên cứu này, xã hội luôn tồn tại 6 nhóm người gồm đặc tính Thực tế (Realistic), Nghiên cứu (Investigate), Nghệ sĩ (Artistic), Xã hội (Social), Lãnh đạo (Enterprising) và Công chức (Conventional). Tương ứng với mỗi nhóm người này sẽ có 6 môi trường làm việc và phát triển phù hợp. Thực hiện bộ công cụ này, các em sẽ nhận diện được tính cách đặc trưng, thiên hướng, sở thích, năng lực... của chính mình. Trên nền tảng này phối hợp cùng các yếu tố ở trên, các em sẽ nhanh chóng tìm ra ngành nghề có tính chất và môi trường làm việc phù hợp với đặc tính của bản thân.

 

Mạnh dạn chọn ngành mình thực sự đam mê

 

Các chuyên gia tư vấn tâm lý thường nhắc nhở các em học sinh khi chọn ngành học cần có sự cẩn trọng như chọn người bạn thân suốt đời. Thế nhưng, không ít trường hợp các em đặt bút chọn ngành học trong hồ sơ không phải xuất phát từ niềm đam mê mà do sự tác động của người thân, vì áp lực về địa vị xã hội, vì trào lưu chung... Kết quả là sau khi ra trường, các em gặp khó khăn trong tìm việc hoặc nảy sinh cảm giác hoang mang vì không chút hứng thú nào với công việc. Như  trường hợp của em Đỗ An, học sinh lớp 12 tại quận Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: “Bố em làm việc trong ngân hàng nên cũng muốn em theo ngành này để không phải vất vả tìm việc sau khi ra trường. Em cố gắng học xong lấy bằng tốt nghiệp cho bố mẹ vui lòng rồi tiếp tục đăng ký học ngành quản trị nhà hàng và khách sạn. Dù học muộn nhưng em cảm thấy mình được là chính mình khi sống đúng với những gì em mong ước”. Trường hợp của An chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều trường hợp đi sai ngành. Để tránh rơi vào viễn cảnh đó, các em cần ý thức rằng mình đã đủ lớn để làm chủ cuộc đời mình và hãy mạnh dạn chia sẻ ước mơ với gia đình. Mỗi người trong xã hội là một cá thể khác nhau và các em chỉ có thể chạm đến thành công khi tự quyết định ngã rẽ cuộc đời mình.

 

Chọn đúng nghề nghiệp phù hợp, ngoài việc giúp cho mỗi cá nhân đảm bảo cuộc sống vật chất, còn giúp các em có được niềm vui, hạnh phúc và dễ dàng thành công trong cuộc sống sau này. Do đó, bản thân các em phải chủ động thu thập thông tin để hướng nghiệp cho chính mình chứ đừng thụ động trông chờ vào xã hội.

 

Nguyễn Ngọc Mai

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024917962

TRUY CẬP HÔM NAY: 11873

ĐANG ONLINE: 90