Xu hướng nhu cầu việc làm: Chuyển từ lượng sang chất


(HQ Online)- Năm 2017, dự báo về xu hướng nhu cầu việc làm có sự thay đổi rõ rệt theo sự chuyển dịch của xu thế đầu tư, theo đó, trong thời gian tới nhu cầu việc làm tại Việt Nam sẽ tăng mạnh ở các ngành sản xuất, dịch vụ, điện tử, công nghệ.

 

Nhu cầu tuyển dụng việc làm các ngành nghề đã qua đào tạo chiếm trên 60%. Ảnh: Trần Việt.
 

Phát triển theo hướng hội nhập

Theo báo cáo của Navigos Search, nhu cầu lao động đã có xu hướng sôi động trở lại sau Tết. Nhiều ngành mũi nhọn như sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng liên tục ngay từ đầu năm 2017. Bên cạnh đó, một số ngành nghề mới như quảng cáo, truyền thông có khả năng tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, mảng bảo hiểm phi nhân thọ cũng được dự báo tăng trưởng do các công ty trong ngành này đang giới thiệu nhiều sản phẩm mới trên thị trường, trong đó xuất hiện cả những sản phẩm chưa từng có tại thị trường Việt Nam và chưa từng có người Việt Nam nào có kinh nghiệm theo như yêu cầu tuyển dụng từ phía khách hàng.

Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, nhu cầu tuyển dụng việc làm các ngành nghề đã qua đào tạo chiếm trên 60% nhu cầu việc làm trong quý I, trái ngược hẳn so với nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của những năm trước.

Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tại thành phố trong năm 2016 chiếm 66,73% tổng nhu cầu tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng tăng ở các nhóm ngành cơ khí, tự động hóa, dệt may, da giầy, nhựa, bao bì, quản lý kiểm định chất lượng, kế toán, kiểm toán… Trong năm 2017, thị trường lao động ở thành phố tiếp tục tăng nhanh và theo xu hướng hội nhập, yêu cầu về chất lượng và kỹ năng làm việc. Xu hướng việc làm trong năm 2017 sẽ tập trung vào 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm; hóa chất; nhựa cao su. Bên cạnh đó, những nhóm ngành kinh tế như: Tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, du lịch, y tế, bất động sản, dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông tiếp tục có xu hướng tuyển dụng cao.

Trao đổi với phóng viên về xu hướng tuyển dụng lao động trong năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Lương, Giám đốc Công ty TNHH Giày Phong Châu cho biết, năm nay Công ty có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh vì vậy có nhu cầu lớn tuyển dụng nhân lực đã qua đào tạo, chất lượng cao. Trong những năm trước, hầu như Công ty chỉ tuyển được lao động phổ thông hoặc lao động chưa qua đào tạo, sau khi tuyển dụng xong, Công ty lại phải mất thêm một thời gian để đào tạo lại lao động cho phù hợp với hoạt động sản xuất.

Các chuyên gia nhân sự nhận định, xu hướng lao động trong năm 2017 sẽ có sự chuyển dịch về cung – cầu lao động khi nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo, nhân lực chất lượng cao vượt xa so với nhu cầu về lao động phổ thông.

Tận dụng nguồn lao động chất lượng cao

Theo báo cáo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội),  năm 2017, các doanh nghiệp FDI sẽ bắt đầu thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để tận dụng lượng kỹ sư dồi dào tại chỗ.

Ông Võ Trí Công, phụ trách phòng Nhân sự, Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư may mặc Việt Nam – Hàn Quốc nhận định, việc phát triển dựa trên nguồn nhân công giá rẻ không còn là chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp cần xác định những thế mạnh cạnh tranh của mình như nông nghiệp, công nghệ thông tin… và đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những thế mạnh đó.

Theo báo cáo về thị trường nhân lực của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện, điện tử có thể bị thay thế bởi robot. Dự báo, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng lên 62 triệu vào năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đem đến nhiều thách thức về giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động của Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 5 - 10 năm tới, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động là bài toán rất nan giải khi tự động hóa kéo theo tình trạng mất việc làm gia tăng. Thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đòi hỏi lao động phải năng động, có trình độ, bám sát hơn với sự thay đổi từng giờ, từng ngày của nền kinh tế - xã hội.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhìn nhận thị trường lao động sắp tới sẽ có 4 xu hướng việc làm. Theo đó, người lao động có thể gia nhập các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; xuất khẩu lao động; di chuyển theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế và cuối cùng là khởi nghiệp (tự tạo việc làm). Cả 4 xu hướng việc làm này đều tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, điện tử, công nghệ. Trong đó, ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn hội nhập có cơ hội phát triển và hình thành một số nhóm nghề mới như bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Những nhóm nghề này vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn.


Xuân Thảo

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722944

TRUY CẬP HÔM NAY: 7615

ĐANG ONLINE: 21