Thừa lao động nhưng thiếu nhân lực có trình độ cao


Thông tin trên được Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM nêu ra trong bản phân tích thị trường lao động năm 2016 và dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM năm 2017 và những năm tới.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn – phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2016, thị trường lao động phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý; phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp tạo nhiều chỗ làm mới thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao.

 

Chưa tương xứng giữa cung – cầu

 

Một số nhóm ngành nghề tiếp tục có biểu hiện tương đối rõ nét sự chưa tương xứng giữa cung – cầu. Trong đó, một số ngành nghề nhu cầu lao động tăng như: cơ khí – tự động hóa: nhu cầu tuyển dụng gấp khoảng 2 lần so với năm 2015; 76,4% các vị trí tuyển dụng của ngành có mức lương từ 5 – 10 triệu đồng, từ 10 triệu đồng trở lên chiếm 7,31% và mức lương từ 3 – 5 triệu đồng chiếm 15,59%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp – cao đẳng – đại học – trên đại học chiếm 66,63%. Ở các vị trí như kỹ sư ứng dụng, nhân viên kỹ thuật cơ khí, giám sát kỹ thuật, kiểm định viên về chế tạo máy, nhân viên vận hành máy, nhân viên thiết kế, kỹ sư khuôn mẫu, công nhân cơ khí, nhân viên QC/QA… 27,04%.

 

Nhu cầu tuyển dụng lao động ngành kinh doanh tài sản – bất động sản chiếm 3,3% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó nhu cầu nhân lực trình độ qua đào tạo nghề tăng: 7,38% nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ đại học trở lên; cao đẳng 6,4%; trung cấp 67,8% và sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề 1,41%. Ngành công nghệ thực phẩm: chiếm 0,91% tổng nhu cầu tuyển dụng; tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước, tuyển dụng ở một số vị trí: nhân viên bảo quản thực phẩm, nhân viên vận hành dây chuyền sản xuất – chế biến, nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhu cầu nhân lực có trình độ cao đẳng – đại học trở lên chiếm 60,01%, trung cấp chiếm 15,68%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 11,88%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 12,25%.

 

Trong khi đó, nhiều nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực giảm như: công nghệ thông tin chiếm 4,21% tổng nhu cầu nhân lực (giảm 7,61% so với năm 2015): ngành dệt may – giày da: 4,22% tổng nhu cầu nhân lực (giảm 3,18% so với năm 2015), xu hướng dịch chuyển lao động của ngành dệt may – giày da chú trọng nhân lực chất lượng cao (kỹ năng – tay nghề chuyên môn – kinh nghiệm làm việc). Trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật lành nghề và sơ cấp nghề chiếm 59,89% chủ yếu tuyển dụng ở những vị trí là công nhân may, thợ cắt vải quần áo, thợ ráp đồ, nhân viên kiểm hàng may mặc… Năm 2016, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành dệt may – giày da tập trung vào công nhân kỹ thuật lành nghề, trung cấp nghề, chú trọng tăng nhu cầu tuyển dụng lao động cao đẳng, đại học, đặc biệt lao động cho thiết kế, tạo mẫu sản phẩm do các doanh nghiệp ngày càng chú trọng khâu tạo mẫu, thiết kế sản phẩm may cho phù hợp với thời trang trong và ngoài nước.

 

Những ngành nghề nào có nhu cầu nhân lực cao?

 

Trong năm nay, TP.HCM tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học – công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện tử – công nghệ thông tin, hóa dược – cao su, chế biến tinh lương thực, thực phẩm) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ; tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn, giảm nhập siêu, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Theo ông Trần Anh Tuấn, thị trường lao động TP.HCM tiếp tục phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hạn chế về phát triển thị trường lao động, thành phố vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung cầu lao động về số lượng, đặc biệt chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Nghịch lý ở đây, TP.HCM đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

 

Quá trình hội nhập mang đến nhiều cơ hội và thách thức đối với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam và sự thay đổi thị trường lao động; thị trường lao động đang mở rộng, ngày càng tạo ra nhiều cơ hội việc làm; những yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kỹ năng cùng với kến thức chuyên môn và sự tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, góp phần gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động, đặc biệt là nguồn cung lao động có kỹ năng và trình độ cao. Căn cứ chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2017 – 2020, đặc biệt chủ trương thành phố tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực, 9 ngành kinh tế trọng yếu và phát triển 50.000 doanh nghiệp trong năm 2017. Năm 2017, dự kiến TP.HCM có nhu cầu phát triển 280.000 chỗ làm việc, tăng 3,7% so với năm 2016, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới, tăng 7,69% so với năm 2016. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở những ngành nghề như: kinh doanh – marketing – bán hàng, dịch vụ – du  lịch – nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, cơ khí – tự động hóa, chế biến thực phẩm, vận tải, xuất nhập khẩu, dệt may – giày da, tài chính – ngân hàng, y tế – chăm sóc sức khỏe, kiến trúc – xây dựng – môi trường, kinh doanh tài sản, bất động sản và ngành nghề công nghệ kỹ thuật nông – lâm – thủy sản…

 

“Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN, không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn, lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Ngoài ra, lao động cần trang bị các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa. Năm 2017, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; chú trọng phát triển theo xu hướng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động, có tay nghề, năng suất lao động đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động…” – ông Tuấn cho biết.

 

(Nguồn TTO)

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024867037

TRUY CẬP HÔM NAY: 389

ĐANG ONLINE: 12