THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 02 NĂM 2017 VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 03 NĂM 2017 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 68/BC-TTDBNL-PTDB Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 02 năm 2017

   

BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 02 NĂM 2017

VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 03 NĂM 2017

 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

 

I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 02 NĂM 2017.

Tháng 02 năm 2017, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM khảo sát 1.769 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 18.141 chỗ làm việc và 7.726 người nhu cầu tìm việc. Tổng hợp phân tích từ kết quả khảo sát, diễn biến thị trường lao động trên địa bàn thành phố khái quát như sau:

 

  1. Nhu cầu nhân lực

 

    Thị trường lao động sau tết là thời điểm sôi động nhất. Đây cũng là lúc nhiều người chọn để thay đổi công việc và các doanh nghiệp tuyển dụng lao động cho kế hoạch sản xuất trong năm.

 

    Các nhóm ngành có chỉ số nhu cầu tuyển dụng tăng trong tháng 02/2017, bao gồm: Mộc – Mỹ nghệ – Tiểu thủ công nghiệp, Nhựa – Bao bì, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Quản trị kiểm định chất lượng, Y dược – Chăm sóc sức khỏe, Dệt may – Giày da, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Bưu chính – Viễn thông – Dịch vụ công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm, Kế toán - kiểm toán, Kinh doanh – Bán hàng, Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa, Hành chính văn phòng,…

 

    Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tháng 02/2017 tăng 14,16% so với tháng 01/2017, tập trung nhiều ở các nhóm ngành Kinh doanh – Bán hàng (23,71%); Dệt may – Giày da (15,99%), Dịch vụ phục vụ (15,30%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (4,89%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (3,90%), Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (3,55%), Kinh doanh tài sản – Bất động sản (3,29%), Kế toán – Kiểm toán (3,18%),…

 

 

Biểu đồ 1: 08 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng 02/2017

 

    Nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu trình độ trong tháng 02/2017 cụ thể như sau:

 

      + Lao động phổ thông (45,49%): Nhu cầu tuyển dụng nhiều ở các nhóm ngành Kinh doanh - bán hàng, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Dịch vụ phục vụ; Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn; Dệt may – Giày da,…

 

      + Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề (12,71%): nhu cầu tuyển dụng thường xuyên ở các vị trí như nhân viên lễ tân, nhân viên kiểm soát vé, nhân viên bảo vệ, giúp việc nhà, công nhân may, nhân viên phục vụ quán ăn, nhân viên phụ bếp…

 

      + Trung cấp - Cao đẳng - Đại học – Trên Đại học (41,80%): tập trung tuyển dụng lao động ở một số nhóm ngành nghề như là nhân viên lắp ráp kỹ thuật, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, Công nghệ thông tin, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Kế toán – Kiểm toán, Kinh doanh – Bán hàng, Quản lý bán hàng, Giám sát bán hàng, Cơ khí, Điện - Cơ điện tử…

 

 

Biểu đồ 2: Nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ trong tháng 02/2017

 

      + Về kinh nghiệm: nhu cầu tuyển dụng lao động không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chiếm 61,55% tổng nhu cầu tuyển dụng ở các nhóm ngành như: Kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ - Phục vụ, Nhân viên giao nhận, lái xe, nhân viên giám sát vệ sinh, Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng,... Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm 96,52%.

 

Kinh nghiệm

Tỷ lệ (%)

01 Năm

30,43

02 - 05 Năm

7,59

Không có kinh nghiệm

61,55

Trên 05 năm

0,43

 

Biểu 3: Nhu cầu tuyển dụng lao động theo kinh nghiệm trong tháng 02/2017

 

    Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm 38,45%, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động 01 năm kinh nghiệm chiếm 30,43%; 02 năm đến 05 năm kinh nghiệm 7,59% và trên 05 năm kinh nghiệm chiếm 0,43%.

 

     + Về mức lương: Theo số liệu khảo sát từ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên, tháng 02/2017 mức lương dưới 3 triệu chiếm 1,14%; 3 triệu – 5 triệu chiếm 18,45%; 5 triệu đến 10 triệu chiếm 61,89%; 10 triệu đến 15 triệu chiếm 13,04% và trên 15 triệu chiếm 5,47%.

 

Mức lương

Tỷ lệ (%)

Dưới 3 triệu

1,14

3 - 5 triệu

18,45

5 - 8 triệu

42,23

8 - 10 triệu

19,66

10 - 15 triệu

13,04

Trên 15 triệu

5,47

 

Biểu 4: Nhu cầu tuyển dụng lao động theo mức lương trong tháng 02/2017

  2. Nhu cầu tìm việc

 

    Tháng 02 năm 2017, chỉ số cung nhân lực tăng 56,08%. Nhu cầu tìm việc của người lao động tăng ở các nhóm ngành như: Bảo hiểm, Nông – Lâm nghiệp – Thủy sản, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Dệt may – Giày da, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Biên phiên dịch, Báo chí – Biên tập viên,…

 

    Nhu cầu tìm việc cao ở các nhóm ngành như: Kế toán – Kiểm toán (17,45%); Kinh doanh – Bán hàng (11,00%); Hành chính – Văn phòng (9,37%); Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (7,30%); Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (4,94%); Công nghệ thông tin (4,37%); Cơ khí – Tự động hóa (4,19%), Nhân sự (3,34%);…

 

    Trình độ lao động có nhu cầu tìm việc tháng 02/2017 cụ thể như sau: Lao động phổ thông (3,31%); Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề (2,36%); Trung cấp (5,57%), Cao Đẳng (50,25%); Đại học – Trên đại học (38,52%).

 

 

Biểu đồ 5: Những nhóm ngành có nhu cầu tìm việc cao trong tháng 02/2017

 

    Mức lương của lao động có nhu cầu tìm việc cụ thể như sau: mức lương dưới 03 triệu chiếm 1,62%; 03 triệu – 05 triệu chiếm 7,69%; 05 triệu đến 10 triệu chiếm 68,69%; 10 triệu đến 15 triệu chiếm 15,02% và trên 15 triệu chiếm 6,97%.

 

 

Biểu đồ 6: Nhu cầu tìm việc theo mức lương trong tháng 02/2017

 

Kinh nghiệm

Tỷ lệ (%)

Không có kinh nghiệm

24,13

1 Năm

14,55

2 - 5 Năm

36,56

Trên 5 năm

24,76

                                                   

                                                    Biểu 7: Nhu cầu tìm việc theo mức lương trong tháng 02/2017

 

II. XU HƯỚNG NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 03 NĂM 2017.


  1. Nhận định chung về thị trường lao động

 

    Phân tích một số nhóm ngành nghề có xu hướng tuyển dụng nhiều lao động như sau:

 

      + Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (3,55%): nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 38,20% tổng số nhu cầu tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở  các vị trí bán thời gian, thời vụ như: Nhân viên lễ tân, phục vụ tiệc, pha chế, phụ bếp, nhân viên phục vụ buồng, nhân viên tư vấn tour du lịch, hướng dẫn viên du lịch,...

 

      + Vận tải – Kho bải – Xuất nhập khẩu (4,89%): nhu cầu tuyển dụng nhân lực đảm bảo phục vụ cho nhu cầu chuyên chở – tiêu thụ hàng hoá. Một số vị trí tuyển dụng tháng 02/2017: Quản lý kho, nhân viên giao nhận hàng hoá – thu mua, giám sát kho và điều vận, nhân viên chứng từ vận tải, nhân viên xử lý đơn hàng, nhân viên giữ kho, nhân viên bốc xếp, nhân viên phụ kho, nhân viên vận chuyển,...

 

      + Kinh doanh tài sản – Bất động sản: chiếm 3,29% tổng nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm 70,30%, trong đó, trình dộ Sơ cấp – CNKT chiếm 1,01%, Trung cấp 65,10%, Cao đẳng – Đại học – Trên đại học chiếm 4,19%. Kinh doanh tài sản – Bất động sản là một trong các ngành nghề phúc lợi cao và là ngành nghề yêu cầu người lao động có đủ kỹ năng và sự am tường về thị trường bất động sản, luật, kỹ năng thuyết phục và sự am hiểu về lĩnh vực trang trí thiết kế nội thất và một số nguyên tắc cơ bản về xây dựng,...

 

 

Biểu đồ 8: Nhu cầu tuyển dụng lao động theo kinh nghiệm của ngành kinh doanh tài sản – Bất động sản trong tháng 02/2017.

 

    Thị trường lao động thành phố sau Tết nguyên đán thể hiện sự ổn định. Người lao động có nhu cầu ổn định công việc và các doanh nghiệp đã chú trọng đến chất lượng lao động, nỗ lực chăm lo Tết, các chính sách phúc lợi lương – thưởng, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động ổn định tâm lý làm việc, bên cạnh đó trước Tết các doanh nghiệp cũng đã chủ động trong việc tuyển dụng nhân sự, thiếu hụt lao động sau Tết diễn ra không cao dưới 3%, chủ yếu nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

  2. Nhu cầu nhân lực

 

    Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động tháng 03/2017, nhu cầu việc làm tại thành phố có 29.000 chỗ làm việc. Trong đó tổng nhu cầu việc làm về trình độ lao động phổ thông chiếm 35%, Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 20%, Trung cấp 18%, Cao Đẳng – Đại học – Trên Đại học 27%.

 

    Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành như: Công nghệ thông tin, Cơ – điện tử, Kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, Điện – điện công nghiệp; Cơ khí, Dệt may – Giày da, Du lịch – Nhà hàng khách sạn; Kinh tế - Tài chính (Kinh doanh tài sản – Bất động sản); Kinh tế xuất nhập khẩu – vận chuyển – kho bãi; Kinh tế công nghiệp; và một số lĩnh vực chuyên ngành Y – Dược – Khoa học – Giáo dục…

 

 

Biểu đồ 9: Xu hướng cơ cấu nhu cầu nhân lực theo trình độ nghề tháng 03/2017

 

    Về nhu cầu người tìm việc, dự kiến tháng 03/2017 sẽ tăng thêm 25% trong đó đa phần là người có trình độ Đại học, Cao đẳng chưa tìm được việc làm phù hợp sẽ gặp được những cơ hội thuận lợi; ổn định việc làm.

 

    Thị trường lao động trên địa bàn thành phố trong tháng 03/2017 có xu hướng dịch chuyển nhân lực chủ yếu lao động phổ thông diễn ra ở một số doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, hoặc một số ngành nghề đặc thù như: Dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản. Đặc biệt là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động thời vụ, có hợp đồng làm việc từ 3-6 tháng, lao động bán thời gian như nhà hàng – khách sạn, giao hàng, sửa chữa xây dựng, dịch vụ giúp việc nhà,… ./.

 

Nơi nhận:                                                       

- Đ/c Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở;       

- Đ/c Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở;

- Phòng Việc làm; - Phòng Lao động - Tiền Công – Tiền Lương;

- Văn phòng Sở; - Phòng Văn hóa – Xã hội – UBND TP.HCM;

- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;

- Lưu.

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

 

 

 

 

  Trần Anh Tuấn

 

 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875406

TRUY CẬP HÔM NAY: 438

ĐANG ONLINE: 8