PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2010 VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2011


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
      
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP.Hồ Chí Minh,ngày 11 tháng 12 năm 2010
Số : 220/BC-TTDB&TTTTLĐ  

 

BÁO CÁO

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2010

VÀ DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2011


I.    PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2010


   Từ kết quả quá trình khảo sát liên tục về thị trường lao động (cung – cầu) tại 18 lần tham gia sàn giao dịch, ngày hội việc làm trên địa bàn thành phố, các nguồn thông tin của các trung tâm giới thiệu việc làm, trường dạy nghề và các kênh thông tin của doanh nghiệp về tuyển dụng lao động trong năm 2010. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh đã tổng hợp cơ sở dữ liệu của 18.036 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng 231.764 lượt tuyển dụng, 84.151 lượt người tìm việc làm và khảo sát tại các sàn giao dịch việc làm 12.717 người tìm việc. Có thể nhận định, phân tích tổng quan về thị trường lao động thành phố năm 2010 như sau:


   1. ĐẶC ĐIỂM THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ NĂM 2010


      Tình hình chung thị trường lao động thành phố năm 2010 diễn ra nhiều biến động về chênh lệch cung – cầu và với xu hướng phát triển tốt hơn năm 2009. Quý I năm 2010, thị trường lao động diễn ra mất cân bằng giữa nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu trình độ chuyên môn và ngành nghề, trong những tháng này nhu cầu lao động phổ thông rất lớn; chiếm 71,16% so với tổng nhu cầu chỗ làm việc trống, trong khi đó nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng – đại học trở lên chỉ chiếm 30%. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý này chủ yếu là những ngành nghề thâm dụng lao động như Nhựa - Bao bì, Dệt may – Giày da, Chế biến, Dịch vụ - Phục vụ, Vệ sinh công nghiệp, Mộc - Mỹ nghệ


      Thời điểm quý II năm 2010, từ những tác động chính sách quản lý nhà nước và chính sách sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, đặc biệt việc cải tiến quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động, ổn định sản xuất – kinh doanh; nâng cao tiền lương – thu nhập; chăm lo đời sống cho lao động được cải thiện tích cực; thị trường lao động phát triển xu hướng tương đối cân bằng cung – cầu lao động, hạn chế sự mất cân bằng cụ thể nhu cầu về lao động phổ thông chiếm ( nhu cầu từ 71,76% còn 56,42% so với tổng nhu cầu). Thị trường lao động quý III/2010 có sự ổn định hơn so với 2 quý đầu năm, nguồn cung và nguồn cầu đáp ứng được 80%; nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đã giảm hẳn so với các quý trước (40% so với tổng nhu cầu). Các doanh nghiệp tăng cường việc tuyển dụng nhân sự có trình độ chuyên môn cao, lao động có tay nghề và nhu cầu việc làm thời vụ, việc làm bán thời gian trong lĩnh vực gia công sản xuất, chế biến và dịch vụ - phục vụ.


      Đồng thời năm 2010 các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động phát triển đa dạng với nhiều hoạt động trực tiếp và truyền thông như sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, tư vấn hướng nghiệp; các trường dạy nghề tăng cường hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội tạo gắn kết nghề nghiệp – việc làm. Hình thức tuyển dụng lao động trên hệ thống điện tử, trực tuyến phát triển mạnh cùng với các chính sách của doanh nghiệp về tuyển dụng linh hoạt, cụ thể thông tin chính sách sử dụng lao động đã hỗ trợ sinh viên – học sinh, người lao động tìm việc thuận lợi hơn


   2. PHÂN TÍCH NGUỒN CẦU NHÂN LỰC


      Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2010 là Dệt may, Marketing -  Nhân viên Kinh doanh (11,07%), Giày da (10,53%), Nhựa – Bao bì (10,52%),  Dịch vụ và phục vụ (9,04%), Điện tử - Viễn thông (5,96%), Bán hàng (5,24%), Cơ khí - Luyện kim (5,00%), Giao thông – Vận tải (3,83%), Kế toán - Kiểm toán (3,28%), Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí  nội thất (2,67%), Công nghệ thông tin (2,44%) …. Những ngành này đa số là những ngành thâm dụng lao động đặc biệt tập trung tại các KCX-KCN.


      Thực hiện chương trình việc làm thành phố, trong 11 tháng đã tổ chức giới thiệu và giải quyết việc làm được 271.061 lao động 100,39% kế hoạch, trong đó 120.641 chỗ làm việc mới. Ước năm 2010 giải quyết việc làm được trên 275.000 lao động.
 

 

      Trong tổng số người được giải quyết việc làm, tại các khu chế xuất – công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút lao động trong năm 2010 trên 30.000 lao động, trong đó Dệt may 71.827 lao động (28%), Da giày 47.126 lao động (18,66%) , Điện – điện tử 44.200 lao động (10%), Cơ khí 20.535 lao động (9%), Dịch vụ 6.088 lao động (9%), Bao bì 6.126 lao động (8.5%), Chế biến thực phẩm 8.856 lao động (8%), Nhựa 12.847 lao động (8%), Hóa chất 5.820 lao động (5%), Thủ công mỹ nghệ 12.513 lao động (1.5%), Khác 16.630 lao động (9%).


Cơ cấu sử dụng lao động về trình độ tại KCX-KCN
 

Trình độ học vấn Năm 2010 (%)
Tiểu học 4,97%
THCS 44,15%
THPT 35,24%
Trung học CN 8,9%
Cao đẳng 2,84%
Đại học 3,87%
Trên đại học 0,03%
Cộng 100%

 

      Diễn biến nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trong 06 tháng đầu năm 2010 là thời điểm kinh tế phục hồi phát triển sau thời gian doanh nghiệp cắt giảm nhiều lao động trong năm 2009, cũng là thời điểm vào dịp Lễ, Tết do đó sau Tết nhu cầu của các doanh nghiệp tập trung nhiều vào nguồn lao động phổ thông cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ thời vụ rất lớn đặc biệt những ngành nghề như Dệt may – Giày da (12,08%), Nhựa – Bao bì (19,49%) và đa số là tuyển lao động phổ thông. Đồng thời các nhóm ngành nghề Marketing -  Nhân viên Kinh doanh (7,81%), Điện tử - viễn thông (7,90%), Dịch vụ - Phục vụ (7,74%), Cơ khí – Luyện kim (4,45%), Bán hàng (4,69%), Giao thông – Vận tải – Thủy lợi (3,82%) là các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động có trình độ và tay nghề. Vì vậy sự thiếu hụt lao động phổ thông đã diễn ra ở quý I. Mặt khác, nguồn lao động phổ thông phần lớn từ các địa phương khác đến, nguồn lao động phổ thông của thành phố  phụ thuộc lớn vào lực lượng lao động này, sau những ngày lễ tết họ thường ở lại quê rất lâu và một số ở lại luôn cho nên tình trạng thiếu hụt lao động vẫn tiếp tục diễn ra ở tháng đầu của quý II. Cùng với thực tế chung thị trường lao động 06 tháng đầu năm, vấn đề tiền lương, thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất thấp hơn nhiều so với nhu cầu cuộc sống của người lao động; dẫn đến sự thiếu hụt lao động khá căng thẳng, tạo ra sự dịch chuyển lao động; thiếu hụt cao hơn các năm trước


      Trong 06 tháng cuối năm thị trường lao động thay đổi với chiều hướng tích cực, các doanh nghiệp thiếu lao động phổ thông đã cải thiện chính sách tổ chức sản xuất kinh doanh, tiền lương và nhiều chính sách phúc lợi vì vậy nhu cầu lao động phổ thông giảm dần thay vào đó là nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề và có trình độ cao. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao vẫn là những ngành nghề của 06 tháng đầu năm nhưng với yêu cầu về tay nghề và trình độ chuyên môn cao hơn.


So sánh nhu cầu tuyển dụng năm 2010


 

                  Về cơ cấu trình độ chuyên môn, năm 2010 nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao (56,41%) trong tổng nhu cầu tuyển dụng, một số ngành nghề như Dệt may, Nhựa, Bao bì, Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất, Điện tử - viễn thông, Điện tử - viễn thông, Cơ khí – Luyện Kim, Dịch vụ - phục vụ, Bán hàng, Marketing -  Nhân viên Kinh doanh…  Lao động có trình độ cao đẳng - đại học chiếm (19,08%) chủ yếu là những ngành nghề Công nghệ thông tin, Xây dựng – Kiến trúc, Quản lý kinh doanh, Quản lý nhân sự, Kiểm toán, Kế toán, Marketing – Nhân viên kinh doanh, Bán hàng. Còn lại lao động từ Sơ cấp nghề đến Trung cấp chiếm (24,51%) bao gồm những ngành nghề Cơ khí - Luyện kim, Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh, Marketing -  Nhân viên Kinh doanh,  Bán hàng, Dịch vụ và phục vụ, Tư vấn - Bảo hiểm, Giao thông-Vận tải-Thủy lợi, Dệt - May - Giày da…

 

Chỉ số nhu cầu theo trình độ chuyên môn năm 2010

 


   3. PHÂN TÍCH NGUỒN CUNG NHÂN LỰC


      Năm 2010, nguồn cung nhân lực cũng diễn biến những nghịch lý, khi nguồn lao động phổ thông thiếu thì nguồn lao động có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề lại chưa đáp ứng số lượng, chất lượng so với nguồn cầu như: Quản lý điều hành, Tin học, Kế toán, Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng, Tài chính - Ngân hàng, Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu. Do đó vẫn có hiện tượng thừa lao động có trình độ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và làm việc của doanh nghiệp (chưa toàn diện về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, ngoại ngữ).


      Mặt khác những ngành nghề thường xuyên thiếu lao động kể cả lao động phổ thông như Điện tử - Viễn thông, Cơ khí - Luyện kim, Giao thông-Vận tải-Thủy lợi, Dệt - May - Giày da, Nhựa - Bao bì, Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất


      Những vấn đề trên cho thấy thị trường lao động vẫn tiếp tục mất cân đối giữa đào tạo và việc làm đặc biệt là kỹ năng nghề.


      Năm 2010 là thời điểm diễn ra sự dịch chuyển lao động khá lớn (trên 30%), phần lớn lao động có nhu cầu tìm việc tại các sàn giao dịch việc làm, các phương tiện truyền thông, mạng việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm là những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và có tay nghề,trên 50% người tìm việc làm có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên và mức lương mong muốn trên 5 triệu đồng/tháng, vì vậy tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa những người tìm việc làm có trình độ chuyên môn. Đối với lao động phổ thông, sơ cấp nghề nhu cầu tìm việc làm cũng mong muốn mức lương trên 02 triệu/tháng – 03 triệu/tháng trở lên, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, sơ cấp  tuy có tăng hơn so với quý I ở mức bình quân chung 1,5 triệu – 1,8 triệu  và đa số vẫn ở mức lương dưới  02 triệu/tháng. Vấn đề nổi bật của thị trường lao động là sự lựa chọn của người lao động về việc đi lại, cư trú trong quá trình làm việc, đặc biệt đối với người từ các tỉnh thành phố khác đến

 


 

 

Chỉ số nguồn cung theo trình độ năm 2010

 

 

II.    DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2011


   Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố giai đoạn 2011-2015, kế hoạch GDP của thành phố tăng từ 12% trở lên vào năm 2011, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tất nhiên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáp ứng cho nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh


   Theo chương trình việc làm của thành phố, năm 2011 thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu trên 265.000 lao động  kể cả nhu cầu về lao động thay thế và lao động tuyển mới (khoảng 120.000 chỗ làm việc mới). Trong đó lao động phổ thông chiếm trên 45%,  trình độ đại học, cao đẳng khoảng 20%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp chiếm khoảng 35%.


   Tổng hợp các nhu cầu tuyển dụng của trên 6.000 doanh nghiệp đã được khảo sát cho thấy những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong năm 2011 như Cơ khí, Điện, Điện tử,Dệt may- Giày da,  Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Chế biến thực phẩm, Quản lý điều hành, nhân sự, Mộc – Mỹ nghệ, Trang trí nội thất, Xây dựng – Kiến trúc... Đồng thời những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân lực trong năm 2010 như Marketing, dịch vụ, phục vụ, vệ sinh công nghiệp… cũng tiếp tục phát triển, đặc biệt nhu cầu tăng mạnh đối với công việc giúp việc gia đình, chăm sóc người già, vệ sinh công nghiệp, phục vụ, bán hàng tiếp tục tăng mạnh nhu cầu nhân lực.


   Những ngành nghề như Dệt may- Giày da, Nhựa – Bao bì, cơ khí,  Mộc – Mỹ nghệ, Trang trí nội thất, xây dựng, Chế biến thực phẩm, Bán hàng, Nhân viên kinh doanh, Dịch vụ và phục vụ, Tư vấn - Bảo hiểm,  sẽ thiếu nguồn lao động phổ thông nhất là vào quý I năm 2011. Đến quý II trở đi có thể ổn định hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ với nhu cầu chung của  thị trường lao động. Mặt khác lao động có tay nghề cũng tiếp tục mất cân đối nguyên nhân chính vẫn do cơ cấu đào tạo về số lượng, chất lượng còn hạn chế và sự chênh lệch tiền lương – thu nhập giữa các ngành nghề, các khu vực kinh tế chưa khắc phục được toàn diện


   Một số ngành nghề nguồn cung nhân lực tiếp tục tăng nhanh so nguồn cầu nhân lực trong năm 2011 như Quản lý điều hành, Kế toán, Hành chánh văn phòng, Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu, Tin học, Quản trị kinh doanh, sẽ là những ngành mất cân đối về chất lượng nhân lực trong năm 2011


   Trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của thành phố, nhu cầu tuyển dụng của KCX-CN năm 2011 trên 30.000 lao động. Với xu thế chuyển dịch cơ cấu đầu tư, chú trọng các ngành nghề có hàm lượng chất xám, kỹ thuật công nghệ cao, gia tăng các ngành dịch vụ, hạn chế ngành nghề thâm dụng lao động. Dự kiến nhu cầu lao động theo một số ngành nghề như sau:

 

STT Ngành nghề Tỷ lệ (%)
01 Điện, điện tử 18%
02 Dệt may 18%
03 Dịch vụ 16%
04 Cơ khí 13%
05 Chế biến thực phẩm, Hải sản 8%
06 Công nghệ thông tin 5%
07 Mộc, Bao bì 4%
08 Hóa, Dược 3%
09 Khác 15%
Tổng cộng 100.000

 

Xu hướng nhu cầu ngành nghề năm 2011

 

Ngành thu hút nhiều lao động Cơ cấu nhu cầu (%)
SX - Chế biến lương thực, thực phẩm 2,86
Hóa-Hóa chất 1,19
Công nghệ thông tin 2,44
Điện tử - viễn thông 5,96
Cơ khí - Luyện kim 5,50
Xây dựng - Kiến trúc 1,86
Điện - Điện công nghiệp - Điện lạnh 2,27
Công nghệ ô tô, xe máy 1,78
Quản lý điều hành 1,35
Tài chính - Ngân hàng 1,51
Đầu tư - Bất động sản - Chứng khoán 1,60
Kế toán - Kiểm toán 3,28
Marketing -  Nhân viên Kinh doanh 11,07
Bán hàng 5,24
Du lịch - Giải trí 1,20
Nhà hàng - Khách sạn 1,50
Dịch vụ và phục vụ 9,04
Tư vấn - Bảo hiểm 1,16
Luật - Pháp lý 0,72
Khoa học nghiên cứu 0,50
Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng 2,00
Giáo dục - Đào tạo - Thư viện 1,08
Truyền thông - báo chi 1,00
Biên phiên dịch 1,02
Đồ họa - In ấn - Xuất bản 1,70
Giao thông-Vận tải-Thủy lợi 3,83
Dầu khí - Địa chất 0,51
Môi trường- Xử lý chất thải 1,30
Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu 1,74
Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản 1,75
Y tế - Chăm sóc sức khỏe 1,96
Dược - Công nghệ sinh học 1,01
Dệt - May - Giày da 10,50
Nhựa - Bao bì 4,00
Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất 2,67
Ngành nghề khác 2,00

 

      Tổng  nhu cầu tuyển dụng : ~ 265.000 lượt. Trong đó 120.000 chỗ làm việc mới


      Với nhu cầu trên, có thể nhận định 10 nhóm ngành nghề sẽ có nhu cầu cao trong năm 2011 tại thành phố:
 

STT Ngành thu hút nhiều lao động Cơ cấu nhu cầu (%) Số chỗ làm việc (người)
01 Marketing – Nhân viên kinh doanh – Bán hàng 16,31 43.221
02 Dệt may – Giày da - Nhựa – bao bì 14,50 38.425
03 Dịch vụ - Phục vụ - Du lịch – Khách sạn, Nhà hàng 11,74 31.111
04 Điện tử - Viễn thông – Công nghệ thông tin 8,40 22.260
05 Cơ khí – Luyện kim – Điện 7,77 20.591
06 Tài chính kế toán – Ngân hàng – Bảo hiểm – Đầu tư chứng khoán 7,55 20.008
07 Giao thông vận tải – Thủy lợi – Kho bãi – Vật tư - Xuất nhập khẩu 5,57 14.760
08 Xây dựng – Kiến trúc – Mộc – Mỹ nghệ 5,06 13.409
09 Hóa – Hóa chất – Dược, Công nghệ sinh học 4,53 12.005
10 Quản lý điều hành – Nhân sự - Hành chánh văn phòng 3,35 8.877
11 Khác 15.22 40.333


III.    KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ GẮN KẾT ĐÀO TẠO - VIỆC LÀM


   Vấn đề nguồn nhân lực luôn được thành phố chú trọng đặc biệt trong năm 2010 và những năm sắp tới; năm 2009 và đầu năm 2010 thị trường lao động thành phố gặp nhiều khó khăn, lao động thiếu trầm trọng ở mọi trình độ đặc biệt là lao động phổ thông, nguồn nhân lực di chuyển khó kiểm soát, thời điểm cuối năm 2010 thị trường lao động bình ổn hơn nhưng vẫn còn nhiều nghịch lý.


   Thực trạng thị trường lao động những năm gần đây tại thành phố luôn diễn biến tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động từ lao động phổ thông đến lao động chất lượng cao, một mặt hiện nay do sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã thu hút nhiều lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động phổ thông. Bên cạnh đó công tác đào tạo chưa thực sự gắn kết nhu cầu xã hội

   Vì vậy vấn đề quản lý và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả luôn cần sự tham gia của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội.


   Để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động và phát triển nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; xin đề xuất một số khuyến nghị như sau:

 

    1.    Thành phố tiếp tục phát triển chương trình tái cấu trúc kinh tế gắn tái cấu trúc nhân lực phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Phát triển các ngành nghề thâm dụng lao động theo cơ cấu hợp lý.


     2.    Đối với công tác đào tạo chú trọng định hướng các trường dạy nghề xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra chung cho từng ngành đáp ứng được yêu cầu xã hội.Chú trọng tăng cường sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực tập gắn cụ thể với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và xã hội.


     3.    Các doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước và phối hợp với tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực về nhu cầu tuyển dụng lao động theo số lượng và cơ cấu ngành nghề sử dụng lao động ngắn hạn và trung hạn. Từ đó các cơ quan nhà nước sẽ hoạch định chính sách về nhân lực, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động hoặc thông tin tuyển dụng lao động mà nhà nước chưa quản lý được chặt chẽ nhu cầu và thông tin kể cả chính sách sử dụng lao động.


     4.    Vấn đề tiền lương – thu nhập của người lao động , cũng là yêu cầu luôn cần các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy của nhà nước và sự quan tâm cải thiện của doanh nghiệp để thu hút và ổn định lực lượng lao động làm việc tại thành phố.


     5.    Với chức năng; nhiệm vụ; Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố thuộc Sở Lao động – TBXH tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động để góp phần tích cực tham mưu công tác quản lý nhà nước và thông tin gắn kết hoạt động đào tạo, sử dụng nhân lực theo nhu cầu xã hội trong năm 2011.
 

Nơi nhận:                    
- Ban Giám đốc - TT Đảng ủy Sở;    
- Các phòng ban chức năng thuộc Sở;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC






Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024932419

TRUY CẬP HÔM NAY: 5195

ĐANG ONLINE: 34