THIẾU LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG: THẬT HAY ẢO?


Người LĐ và sinh viên mới ra trường tìm hiểu việc làm tại Ngày hội Hướng nghiệp - Việc làm do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức vào tháng 3-2010. Ảnh: Q.Huy

   Đã sang quý II của năm 2010 thế nhưng việc tuyển dụng lao động (LĐ) của các doanh nghiệp (DN) tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) trong cả nước vẫn đang ở tình trạng cung không đủ cầu. Đã có hai công ty xin được nhập khẩu LĐ từ Lào và Philippines. Việt Nam thực sự thiếu LĐ hay đó chỉ là thiếu ảo?
 
      Khủng hoảng thiếu
 
   Khảo sát gần 90 DN tham gia Sàn giao dịch việc làm Hà Nội với nhu cầu tuyển 3.500 LĐ nhưng kết quả DN chỉ tuyển được 312 LĐ có nghề và 78 LĐ phổ thông qua phiên giao dịch việc làm vừa qua. Phụ trách nhân sự của Công ty cổ phần may Hưng Long ở Phố Nối, Hưng Yên cho biết: Công ty đang có nhu cầu từ 300 đến 500 LĐ phổ thông và sẵn sàng chu cấp chi phí ăn, ở trong 3 tháng để dạy nghề cho LĐ mới, nhưng chỉ mới tuyển được hơn 200 người. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ nội thất ở Hà Nội cũng lâm vào cảnh lao đao, chạy đôn chạy đáo tìm LĐ phổ thông, thợ có nghề. Chẳng hơn gì Hà Nội, các DN ở TP.HCM cũng lâm vào cảnh tương tự. Trong quí I/2010, các DN tại đây thiếu khoảng 50.000 lao động. Thậm chí ở quận 12, có DN phải bỏ trắng một dây chuyền sản xuất do LĐ giảm 30% trong thời gian ngắn.
 
      Việt Nam vẫn là thị trường dư thừa lao động
 
   Phân tích về hiện tượng trên, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết: Thiếu không phải do không có nhân lực mà do chính sách đãi ngộ người LĐ của các DN chưa hợp lý. Hàng năm, theo báo cáo, các DN Việt Nam chỉ tạo ra khoảng 1-1,2 triệu việc làm mới. Trong khi số người tốt nghiệp (THPT, ĐH) ra đời kiếm việc lên đến 3 triệu người. Ngay như ngành sư phạm, miền núi kêu thiếu rất nhiều nhưng cứ thử lên xem có xin được việc không? Nguyên nhân được ông Nghệ cho rằng đó là do thị trường LĐ của Việt Nam chưa phát triển. Nếu cùng một ngành học thì người có bằng cấp cao hơn sẽ dễ xin việc hơn. Trong khi đó, ở Việt Nam (trừ cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước trả lương theo bằng cấp) đều trả lương theo quyết định của doanh nghiệp. Nên người LĐ không có cơ hội để lựa chọn. Có khi học ĐH nhưng DN chỉ trả ở mức trung cấp người LĐ cũng vẫn phải chịu. Đồng thời, nó cũng tạo ra tình trạng “chảy máu” LĐ giữa các doanh nghiệp.
 
   Sính bằng cấp cũng là điều được ông Nghệ nhấn mạnh tới. Chính vì vậy, khi giảm biên chế, người bị “loại” đầu tiên sẽ là những người có trình độ thấp. Thứ hai, thị trường chưa phát triển nên người LĐ cũng chưa chuyên nghiệp. Trong khi đó, DN lại có quyền lựa chọn nên những người đào tạo sẽ gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, việc xếp hạng, đánh giá các trường ĐH, CĐ, TCCN của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn cũng một phần do thị trường LĐ chưa phát triển. Nhiều khi, người LĐ đi xin việc không phải dựa trên nền tảng kiến thức được đào tạo mà dựa trên mối quan hệ. Chính điều này không chứng minh được chất lượng của các cơ sở đào tạo.
 
      Cần xem lại chất lượng LĐ
 
   Hai công ty đề nghị được phép nhập khẩu LĐ phổ thông đều nằm trong KCX Tân Thuận (Q.7, TP.HCM). Trong đó, Công ty Nidec Tosok (vốn 100% Nhật Bản, sản xuất dây đồng) đề nghị được phép tuyển dụng LĐ Philippines và Công ty Three Bambi (vốn 100% Nhật Bản, chuyên may mặc) đề nghị được tuyển LĐ Lào. Đề nghị này xuất phát từ việc thiếu LĐ triền miên, nhất là các dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ngay sau đó các ngành chức năng thành phố đã phản ứng lại và khẳng định: Không ủng hộ ý kiến “nhập khẩu” LĐ của các DN. Trước vấn đề này, ông Đặng Như Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Hiện tượng này chủ yếu là đối với các DN trong các KCN, KCX ở phía Nam. Đứng về góc độ nhà đầu tư theo ông Lợi nghĩ cũng nên cân nhắc tới việc này. Mình kêu gọi người ta vào đầu tư nhưng lại thiếu sự chuẩn bị về LĐ khiến nhà đầu tư bị mắc kẹt như thế là không ổn. Ngay cả ngành dệt may nhiều năm qua mình cũng thu hút và cấp phép nhiều nhưng tới nay ngành này rất khó tuyển LĐ. LĐ nhập cư cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương rất nhiều, đừng nhìn theo cách là họ chỉ gây ra những rắc rối.
 
   Tuy nhiên, theo ông Lợi, nhìn tổng thể thị trường LĐ Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa LĐ và phát triển không đồng đều; đặc biệt quan hệ “cung - cầu” LĐ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế đang diễn ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Trong khi dư thừa LĐ không có kỹ năng và thiếu nhiều LĐ kỹ thuật thì hiện nay nhiều DN đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, không chỉ là LĐ qua đào tạo mà còn khó tuyển cả LĐ phổ thông nữa. Theo số liệu khảo sát thị trường LĐ tại một số tỉnh thì trên 50% DN có gặp khó khăn trong tuyển dụng LĐ mà nguyên nhân là do chất lượng LĐ trên thị trường LĐ không đáp ứng được yêu cầu các chỗ làm việc của DN. Tất nhiên tôi cho rằng, nếu cho nhập khẩu LĐ ta cũng có đủ trình độ để quản lý. Vấn đề ở đây là ta đang thiếu trách nhiệm quản lý.
 
Nghiêm Huê
Ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng ban Quản lý KCN, KCX Hà Nội khẳng định: Thiếu nhân lực đang là bài toán đau đầu nhất của các DN tại các KCN, KCX khi chính sách về nhà ở, thu nhập đối với LĐ nhập cư còn nhiều bất cập. Hiện cả nước có khoảng 219 KCN được thành lập, phân bố trên 54 tỉnh/ thành phố, trong đó có 118 KCN đã đi vào hoạt động (chủ yếu ở các thành phố lớn), 101 KCN đang xây dựng cơ bản. Do đó việc đảm bảo LĐ cho các nơi này luôn là bài toán được quan tâm đúng mức không chỉ của DN mà còn của các cấp chính quyền, ngành đào tạo, dạy nghề...

 

Nguồn: giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024934561

TRUY CẬP HÔM NAY: 377

ĐANG ONLINE: 13