Chuyên đề: Chọn ngành nghề - chọn tương lai


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG

 


 

Chuyên đề: Chọn ngành nghề - chọn tương lai

 

Câu 1: Thưa ông, một mùa tuyển sinh nữa lại đến, và học ngành gì, làm nghề gì luôn là nỗi băn khoăn của rất nhiều phụ huynh và học sinh... Trong quá trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở các trường, ông nhận thấy tâm lý, xu hướng chọn ngành của các em hiện nay ra sao?

 

Trả lời:

 

 Về nhu cầu chọn ngành nghề, theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM tại 120 Trường THPT trên địa bàn thành phố năm 2016  -2017 cho thấy.

 

 Học sinh chọn những ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế thành phố và khu vực. Đa số các học sinh luôn có sự quan tâm tìm hiểu các khối ngành Kỹ thuật Công nghệ và Kinh tế - Tài chính. Năm 2016, nhu cầu học nghề của học sinh THPT đối với nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ có tỷ lệ lựa chọn cao nhất, chiếm 24,84% (giảm 1,20% so với năm 2015) tập trung vào các ngành: Cơ khí – Tự động hóa; Điện tử - Cơ điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng. Và nhóm ngành Kinh tế - tài chính có tỷ lệ học sinh lựa chọn là 14,90% (giảm 14,50% so các năm 2015) chủ yếu các ngành: Marketing - Quan hệ công chúng, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán.

 

Xu hướng các khối ngành nghề khác cũng thể hiện sự thay đổi tích cực như sau: Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn chiếm 17,56%; Công nghệ thông tin (8,84%); Marketing - Quan hệ công chúng (6,82%); Quản lý điều hành (6,27%); Cơ khí - Tự động hóa (5,88%), Biên phiên dịch (3,44%), Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng (2,89%).

 

Riêng một số các ngành nghề ít được các học sinh THPT quan tâm nhiều như là: Hóa chất - Hóa dược - Mỹ phẩm (0,8%); Dầu khí – Địa chất (0,17%); Dệt may – Giày da (0,75%),

 

Nhu cầu học bậc Đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất 87,00%, bậc Cao đẳng 7,00% và bậc Trung cấp chiếm 6,00%.

 

Câu 2 : Mặc dù thời gian qua, công tác hướng nghiệp, chọn ngành luôn được đẩy mạnh, quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít bạn trẻ chọn sai ngành cho mình. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

 

Trả lời:

 

Hướng nghiệp là các hoạt động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân, đồng thời thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp (thị trường lao động) ở cấp độ địa phương và quốc gia. Lâu nay chúng ta vẫn tưởng rằng hướng nghiệp chỉ là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà mình yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp với mình. Thực tế cho thấy, đa số học sinh  thường lựa chọn theo cảm tính, theo phong trào.Hàng năm cả nước có hơn một triệu học sinh rời ghế nhà trường để chọn con đường vào các trường cao đẳng, đại học. Có hơn 400.000 học sinh đạt được nguyện vọng và khoảng 370.000 học sinh chọn học tại các trường dạy nghề (Cao đẳng, trung cấp nghề).Hơn 1/3 học sinh chấp nhận “chờ” kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau chứ không học nghề.Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Mặt khác, hướng nghiệp chưa tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt đại học đã chọn “đại” một ngành, một trường để học. Có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học; có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.

 

Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.   

 

Câu 3 :Để chọn ngành học và làm được công viêc phù hợp với bản thân sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố... Vậy theo ông, các bạn trẻ cần chuẩn bị những gì để lựa chọn một ngành nghề phù hợp với bản thân?

 

Trả lời:

 

Cần lập công thức chọn nghề để thành công

 

Nên chọn ngành phù hợp với nhu cầu xã hội hay phù hợp với bản thân là câu hỏi mà hầu hết HS rất quan tâm. Để chọn ngành học, HS cần tự xác định theo bốn bước: thứ nhất, có thể chọn cho mình một vài ngành nghề theo sở thích; sau đó xem xét năng lực của mình có phù hợp với những ngành nghề đã chọn hay không; tiếp đến là sức học của mình như thế nào; cuối cùng là xem nhu cầu xã hội.

 

Chọn ngành học rồi chọn trường học. HS cần biết năng lực, kiến thức bản thân, công việc quan tâm, khả năng kinh tế gia đình để xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp. Tìm hiểu thị trường lao động, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo.

 

Nếu cảm thấy “nghi ngờ” khả năng lựa chọn ngành học, việc làm của bản thân, HS nên tìm đến các nhà tư vấn tại các trường đào tạo nghề, các tổ chức hỗ trợ SV-HS, tổ chức tư vấn đào tạo - giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, việc tư vấn thị trường lao động chỉ nên tham khảo, vấn đề là bản thân phải xác định được tâm huyết học nghề theo sở trường. Hãy xác định nghề nghiệp là yêu cầu học tập suốt đời. Việc làm là quá trình hoàn chỉnh nghề nghiệp và thăng tiến.

 

Để chọn ngành học và làm được công việc yêu thích, phù hợp với bản thân, theo các chuyên gia hướng nghiệp, HS phải xác định được sở thích và thế mạnh của mình, hãy tự đặt và trả lời hai câu hỏi sau: 

 

1. Trong cuộc sống, những công việc nào mình thích làm nhất? 

 

2. Mình thường làm những công việc nào tốt hơn người khác? 

 

Hãy liệt kê càng nhiều việc càng tốt, dù đó có thể là những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi chọn ra đáp án chung cho cả hai câu hỏi trên, đã xác định được mình thích và làm tốt được việc gì. Sẽ không có ngành, nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực.

 

 

Câu 4: Là một người nghiên cứu về thị trường lao động, ông có thể cho biết một số thông tin cơ bản về thị trường lao động của nước ta trong thời điểm hiện tại?

 

Trả lời :

 

Trong quá trình hòa nhập kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thị trường lao động nước ta đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh. 

 

Nhân lực có trình độ cao, theo các nhà nghiên cứu cần hiểu theo nghĩa rộng bao gồm công nhân kỹ thuật lành nghề có trình độ cao, phải có trình độ cao đẳng và kỹ sư thực hành trở lên, nắm vững chuyên môn nghề nghiệp về lý thuyết và thực hành có khả năng làm việc độc lập, tổ chức triển khai những công trình với phương pháp khoa học, công nghệ tiên tiến. Đặc điểm nguồn nhân lực chất lượng cao là những người được tuyển chọn và đào tạo, có tinh thần làm chủ, sáng tạo. Đây cũng là đội ngũ trí thức.

 

Để có lực lượng nguồn nhân lực trình độ cao, vấn đề cốt lõi là giáo dục, đào tạo mà nền tảng ban đầu là từ bậc học giáo dục phổ thông, với những kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, tính cách phù hợp yêu cầu đào tạo ở những bậc ngành nghề. Trong nhiều năm qua Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong nước và đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị đội ngũ chuyên gia giỏi cho các ngành kinh tế trọng điểm.

 

Câu 5: Thời kỳ hội nhập... cơ hội việc làm cho các sinh viên ngày càng mở rộng, tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì nhiều sinh viên không tìm được việc làm do kỹ năng yếu. Ông có nhận định gì về tình trạng này và theo ông, các bạn chọn ngành nên có sự chuẩn bị như thế nào?

 

Trả lời:

 

Công tác đào tạo nguồn nhân lực của các trường ĐH, CĐ cần phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của DN. Nhà trường và các doanh nghiệp cần hỗ trợ chặt chẽ với nhau trong việc định hướng đào tạo, tìm hiểu nhu cấu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực xã hội nhập.

 

Vấn đề làm thế nào để được  các doanh nghiệp  tuyển dụng theo nghề đã học và làm việc có hiệu quả, phát triển nghề nghiệp là vấn đề hiện nay và những năm tới  được người  lao động nhất là sinh viên học sinh và người sử dụng lao động hết sức quan tâm. Muốn làm việc được hiệu quả thì một trong những yếu tố tạo nên đó là kỹ năng nghề, chất lượng làm việc của người lao động được nâng cao.

 

Trên thực tế, để phát triển nghề nghiệp, người thanh niên phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

 

Trần Anh Tuấn

Phó giám đốc

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và

Thông tin thị trường lao động TP.HCM

17.02.2017

 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877643

TRUY CẬP HÔM NAY: 910

ĐANG ONLINE: 14