NHỮNG DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN CÁC NĂM 2010 -2015


   Thị trường lao động khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chủ lực là thành phố Hồ Chí Minh với nhu cầu nhân lực rất lớn, yêu cầu cao nguồn lao động qua đào tạo nghề về số lượng và chất lượng chuyên môn kỹ thuật. Trong năm 2010 và giai đoạn 2015 với tốc độ tăng chỗ làm việc mới bình quân 3% đến 3,5% / năm, thành phố sẽ có nhu cầu chung về nhân lực là 280.000 đến 300.000 chỗ làm việc/ năm. Riêng ngành công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có nhu cầu nhân lực lớn, tuy nhiên nhìn chung việc đào tạo ngành CNTT chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt cơ cấu trình độ chuyên môn và kỹ năng thích ứng sự phát triển của ngành CNTT trong các doanh nghiệp.


  Những năm qua nguồn nhân lực CNTT Việt Nam  tăng trưởng mạnh. Theo thống kê sơ bộ có khoảng 35.000 lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp phần mềm, khoảng hơn 20.000 lao động trong các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin, gần 100.000 lao động trong các doanh nghiệp điện tử phần cứng máy tính, gần 100.000 lao động trong các doanh nghiệp viễn thông và trên 90.000 nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp thuộc các ngành khác.


   Quy hoạch phát triển của ngành CNTT giai đoạn 2010 - 2020 Việt Nam cần đào tạo khoảng 800.000 lao động CNTT cho nhu cầu các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT và truyền thông, đồng thời Bộ Thông tin – Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo có kế hoạch đào tạo 140.000 người có trình độ Cao đẳng, Đại học ngành CNTT, điện tử, viễn thông, công nghệ vi mạch.


   Theo dữ liệu của Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay mỗi năm các cơ sở đào tạo CNTT trên cả nước đào tạo được 10.000 sinh viên với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, trong khi đó nhu cầu nhân lực ngành CNTT là 30.000 tăng 30% mỗi năm.


   Theo Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có trên 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, với tốc độ tăng bình quân hàng năm là 50%. Dự báo giai đoạn 2010 – 2015 toàn thành phố có trên 10.000 doanh nghiệp hoạt động ngành CNTT. Hiện nay nguồn nhân lực CNTT thành phố đang làm việc chuyên ngành có trên 25.000 lao động, trong đó 10.000 phần cứng, lao động phần mềm và dịch vụ khoảng 15.000 người. Việc ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực như du lịch, văn hóa, tài chính, ngân hàng…phát triển mạnh.


   Dự kiến thành phố năm 2010 cần trên 100.000 lao động CNTT, hiện nay năng lực đào tạo ngành CNTT của thành phố hàng năm về trình độ Đại học: 10.000 người, Cao đẳng: 6.000 người, Trung cấp 3.000 người, vì vậy chênh lệch nghiêm trọng trong cung – cầu về số lượng còn cao, chưa tính đến chất lượng đào tạo chuyên ngành phù hợp cơ cấu nhu cầu.


   Từ kết quả thống kê phân tích thông tin khảo sát doanh nghiệp trong quý IV năm 2009 và quý I năm 2010 về nhu cầu nhân lực giai đoạn các năm 2010-2015 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh tại 5345 doanh nghiệp (khảo sát trực tiếp 1630 doanh nghiệp và qua hệ thống thông tin 3715 doanh nghiệp), giai đoạn 2010 – 2015 bình quân mỗi năm, trong tổng số 280.000 - 300.000 chỗ làm việc của thành phố; ngành CNTT chiếm tỷ lệ 7,75% (khoảng 23.000 – 25.000 người) với cơ cấu trình độ chuyên môn: Đại học: 57,33%; Cao đẳng: 25,16%; Trung cấp: 10,63%; Kỹ thuật viên sơ cấp: 6,88%. Và trên 10.000 chuyên viên CNTT cho khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam thu hút nhân lực của thành phố. Nhu cầu nhân lực CNTT tập trung các chuyên ngành lập trình viên, phát triển phần mềm, phân tích hệ thống, bảo mật thông tin, quản trị mạng, chuyên viên hệ thống thông tin trong quy trình sản xuất kinh doanh, hoạch định doanh nghiệp và truyền thông, kỹ thuật phần cứng, điện tử máy tính.


   Tuy nhiên theo thống kê của Viện chiến lược công nghệ thông tin thì sinh viên ngành CNTT khi tốt nghiệp ra trường 72% không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết trong lĩnh vực nào có thể hành nghề tốt nhất và 77,2% doanh nghiệp phải đào tạo lại các nhân viên mới. Đáng quan tâm là 70% không thành thạo ngoại ngữ.


   Từ những vấn đề trên, cho thấy việc đào tạo và sử dụng nhân lực công nghệ thông tin là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển chiến lược ngành CNTT và nguồn nhân lực phải đảm bảo chất lượng, đồng bộ, chuyển dịch nhanh về cơ cấu theo hướng chất lượng cao để đáp ứng sự phát triển của ngành CNTT hiện nay và giai đoạn 05 năm, 10 năm kế tiếp.


   Chất lượng nghề luôn là yêu cầu đối với người lao động và trường đào tạo nghề phải tích cực hoàn thiện, vì nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đáp ứng đủ cho thị trường lao động. Người chọn đúng nghề và có kỹ năng nghề sẽ có nhiều cơ hội việc làm phù hợp với xu hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý của thị trường lao động hiện tại và tương lai.
 

                                                                                                                TRẦN ANH TUẤN

                                                                                                    Phó Giám Đốc Thường Trực
                                                                                         Trung tâm Dự báo báo nhu cầu nhân lực
                                                                                          và Thông tin thị trường lao động TP.HCM.
                                                                                                                 Năm 2010.
 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024900661

TRUY CẬP HÔM NAY: 3856

ĐANG ONLINE: 121