BÀI TOÁN ĐÀO TẠO NGHỀ


   Lực lượng lao động tại TP Hồ Chí Minh có trình độ từ trung cấp đến đại học hiện chỉ chiếm 30%, còn lại là chưa qua đào tạo. Thực tế này cho thấy, nguồn nhân lực có thể đảm nhận công việc tại các doanh nghiệp là rất ít.


   Trong khi đó, toàn thành phố hiện có 900 doanh nghiệp, cần khoảng 249 nghìn lao động có tay nghề, nói cách khác, số lao động được đào tạo ở đây mới đáp ứng 20% yêu cầu.

   Lao động qua đào tạo thiếu trầm trọng

   Hiện nay, nhu cầu lao động qua đào tạo nghề để phục vụ sản xuất trong cả nước rất lớn và thiếu ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: làng nghề có nhu cầu đào tạo hàng năm khoảng 370.000 người; vùng chuyên canh cây nguyên liệu, cây cao-su, chè, thuốc lá, cà-phê, giấy... có nhu cầu lao động qua đào tạo khoảng 100.000 người (mỗi năm cần đào tạo từ 12.000 - 15.000 người); một số tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề ở các cấp đến năm 2020 khoảng 800.000 người (dệt may: 530.000 người; điện lực: 151.000 người; công nghiệp tàu thủy: 50.000 người; lắp máy 15.000 người; than khoáng sản: 8.000 người; thép: 3.000 người...); nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của ngành du lịch giai đoạn 2009 - 2015 khoảng 25.000 người/năm, năm 2016 - 2020 khoảng 50.000 người/năm. Trong khi nhu cầu lớn như vậy thì ba năm qua (từ 2006 - 2008), các cơ sở dạy nghề chỉ đào tạo được 4,3 triệu lao động, tức chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu.

   Tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa trọng điểm của cả nước, tình hình phát triển nguồn nhân lực cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn. Khảo sát thực địa (do AusAid tài trợ trong dự án nghiên cứu về người nghèo ở ÐBSCL) cho thấy có đến 85,67% lực lượng lao động chưa qua đào tạo. Trong số lao động đã qua đào tạo chỉ có 0,65% có chứng chỉ, 1% có bằng nghề, 0,48% có bằng sơ cấp, 2,39% có bằng THCN, 2,57% có bằng cao đẳng, đại học và sau đại học (xếp thứ tám trong tám vùng) và 7,24% có qua đào tạo nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, nơi trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước và tập trung số lượng doanh nghiệp lớn nhất nước thì việc thiếu nhân lực qua đào tạo lại càng là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 100 trường đào tạo nghề trình độ từ trung cấp, cao đẳng với số lượng đào tạo mỗi năm khoảng hơn 200 nghìn lao động. Tuy nhiên về chất lượng và quy mô đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Do chuyên lắp ráp, chế tạo các giàn khoan khai thác trên biển nên Công ty Nor-Cal Việt Nam có nhu cầu về thợ cơ khí, hàn rất lớn. Ðể phục vụ phát triển sản xuất, công ty cần tuyển khoảng 500 công nhân nghề này, nhưng thời gian gần đây hầu như không tuyển được thợ hàn. 

   Thêm vào đó, các cơ sở dạy nghề chủ yếu dạy nghề ngắn hạn (sơ cấp) và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động. Bên cạnh đó, sự mất cân đối trong ngành nghề đào tạo ở các trường khiến công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng. Ðã nhiều năm gắn với công việc đào tạo nghề, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết: "Với nhu cầu phát triển rất lớn của thị trường lao động, các cơ sở đào tạo dường như chưa thể đáp ứng được. Cụ thể những ngành nghề như: cơ khí, điện lạnh, du lịch hằng năm vẫn thiếu".

   Sức ép lớn cho đào tạo nghề


   Nguyên nhân cơ bản nhất là công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa có quy hoạch, chưa xây dựng được chương trình khung, chưa xây dựng tiêu chí chọn nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa gắn với việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp, vì vậy đã dẫn đến tình trạng phần lớn các cơ sở dạy nghề tập trung vào đào tạo các nghề công nghiệp, dịch vụ, kinh tế, tin học, may mặc, rất ít trường  đào  tạo  về  các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi tôm, dịch vụ sau thu hoạch, nông, lâm - những ngành này có nhu cầu lao động cao. Việc học nghề còn gặp nhiều khó khăn do một số quan niệm của người dân và của nhà hoạch định chính sách còn chưa hợp lý. Cách tiếp cận đối với người học ở khu vực nông thôn chưa phù hợp. Các cơ sở dạy nghề thường tập trung ở thị trấn, xa chỗ ở của người dân, nên nếu học nghề phải có chỗ trọ, dù được miễn học phí nhưng vẫn phải trả tiền trọ, tiền ăn, tiền đi lại... Học vấn thấp là cản ngại quan trọng trong việc học nghề, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ lao động được đào tạo, đến khả năng tiếp thu, đến cách thức tiếp cận, đến việc dễ dàng bỏ học nghề giữa chừng. Việc dạy nghề không đủ hấp dẫn người học vì đơn vị dạy nghề không đủ máy móc thực hành, giáo viên chưa thật sự yêu nghề. Nói về sự "lệch pha" giữa trường nghề và doanh nghiệp, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 Lê Văn Hiền chia sẻ: "Hiện chưa có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trường đào tạo theo cái mình có, doanh nghiệp không sử dụng được thì đào tạo lại. Ðiều này vừa mất thời gian vừa tốn kém". Ông Hiền cho rằng, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo, cũng như hạn chế tình trạng kêu ca về tay nghề của người lao động, sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình này là hết sức cần thiết.

   Ông Ðàm Hữu Ðắc, Thứ trưởng Bộ LÐ-TB-XH cho rằng: "Ðào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp là cấp thiết để đáp ứng sự phát triển. Vì vậy từ nay đến năm 2020,  Bộ đã đề ra mục tiêu bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng một triệu lao động nông thôn, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Thanh niên theo học nghề sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo từ hai đến ba triệu đồng/người. Một số đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi còn được hỗ trợ tiền ăn (15.000đồng/ngày), chưa kể hỗ trợ tiền đi lại...".

   Thị trường lao động hiện nay với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng nhiều, các doanh nghiệp trong nước với những dây chuyền công nghiệp đang đòi hỏi nhiều hơn nữa lực lượng kỹ sư thực hành, đội ngũ công nhân kỹ thuật và đặc biệt là đội ngũ công nhân. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt từ 70-80%. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực qua đào tạo cần phải có một chiến lược toàn diện: chú trọng dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn nhằm giải quyết kịp thời công ăn việc làm cho nông dân trong thời gian nhàn rỗi, đồng thời đào tạo lao động kỹ thuật cao dài hạn; phải gắn dạy nghề kết hợp dạy văn hóa và ý thức tự lực vươn lên để người học có thể tự mình tiếp cận với cơ hội tìm được việc làm có thu nhập cao; tổ chức đào tạo nghề phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng; địa phương nào mạnh ngành gì thì ưu tiên xây dựng trường kỹ thuật dạy nghề cho ngành đó; các trường dạy nghề do tỉnh quản lý tập trung đào tạo lao động kỹ thuật cao (trung cấp, cao đẳng nghề), các trường dạy nghề do huyện quản lý tập trung dạy các nghề thủ công đối với nhóm lao động có trình độ thấp nhằm cung ứng lao động cho các doanh nghiệp chỉ cần lao động có tay nghề tốt. Ðây là giải pháp tích cực, chủ động và linh hoạt trong việc tạo đầu vào cho đào tạo nghề góp phần thay đổi cơ cấu "thợ - thầy" chưa hợp lý hiện nay, đồng thời góp phần cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cao. Việc thiết lập chương trình phải bảo đảm  gắn với thực tế: doanh nghiệp cần gì, nhà trường thiết kế chương trình đúng theo yêu cầu đó, khi kết thúc học phần, học viên ra trường đi làm có thể ứng dụng ngay những kiến thức đã học, sau này nếu có điều kiện thì học liên thông lên cấp cao hơn, bắt đầu ở sơ cấp sau đó nâng lên trung cấp và công nhân kỹ thuật rồi tiến tới là kỹ sư. Quy hoạch tốt học nghề, dạy nghề chính là khâu then chốt tạo công ăn việc làm cho học viên.


Theo Báo Nhân dân Online
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024904507

TRUY CẬP HÔM NAY: 11356

ĐANG ONLINE: 28