Cuối năm lo giữ người lao động


(PL)- Các doanh nghiệp đã ý thức việc giữ chân nhân sự bằng lợi ích hài hòa, có lợi cho đôi bên.

 

Các doanh nghiệp giữ chân người lao động bằng các giải pháp căn cơ như bảo đảm công việc ổn định, lương và phúc lợi được cải thiện, chính sách chăm lo tết khá chu đáo...

 

Nhiều chính sách linh hoạt

 

Ông Lê Quang Hiển, cán bộ công đoàn chuyên trách Công ty TNHH Freetrend (sản xuất giày da, sử dụng 18.000 công nhân, trụ sở KCX Linh Trung 1, Thủ Đức, TP.HCM) khẳng định tình trạng công nhân nhảy việc sau tết không còn phổ biến như các năm trước đó. Cụ thể, ngay những ngày đầu năm 2016, số công nhân trở lại làm việc đạt tỉ lệ hơn 90%. Dự báo năm nay, tỉ lệ công nhân ở lại sẽ tiếp tục cao hơn.

 

Cuối năm lo giữ người lao động

Các doanh nghiệp đã ý thức việc giữ chân nhân sự bằng lợi ích hài hòa, có lợi cho đôi bên.

 

Giải thích về tỉ lệ công nhân trở lại làm việc cao sau tết, ông Hiển tự tin cho rằng do công ty có nhiều chính sách linh hoạt có lợi cho người lao động. Đó là công việc tại công ty ổn định, các chính sách lương và đãi ngộ của doanh nghiệp khá tốt. Cụ thể ngoài tiền lương ổn định với mức 4,2 triệu đồng/tháng, tính chung mức thu nhập người lao động mới vào làm việc khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn có khoản tiền nuôi con nhỏ dành cho các công nhân nữ có con. Trong công việc, công ty không gây áp lực quá nhiều về thời gian tăng ca để các ông bố, bà mẹ có thời gian chăm sóc con và nghỉ ngơi phục hồi sức lao động.

 

Cuối năm lo giữ người lao động - ảnh 1
Tổ chức các chuyến xe miễn phí cho công nhân về quê ăn tết cũng là một giải pháp

để giữ chân người lao động.  Ảnh: P.ĐIỀN

 

Thưởng tết dứt điểm

 

Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty Hansae Vina (ngành may mặc, vốn đầu tư Hàn Quốc, trụ sở KCN Tây Bắc - Củ Chi, TP.HCM), cũng cho biết công ty luôn ý thức người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, các hoạt động chăm lo người lao động và chế độ tiền lương, phúc lợi luôn được doanh nghiệp và công đoàn cân nhắc đưa vào thỏa ước lao động tập thể để đảm bảo quyền lợi người lao động, thay cho các chính sách mang tính ngắn hạn.

 

Theo ông Hùng, mặt bằng tiền lương của công ty thuộc “top” tại KCN Tây Bắc - Củ Chi. Cụ thể, lương được chia làm 10 bậc, trong đó bậc thấp nhất 4,2 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương còn có thêm các khoản phụ cấp như xăng xe, nhà ở, chuyên cần, thâm niên…, tổng cộng người lao động có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương tối thiểu được điều chỉnh hằng năm, công ty còn nâng bậc cho người lao động để căn cứ theo đó điều chỉnh lương tối thiểu và tính tiền tăng ca.

 

Ngoài ra, vào dịp tết công ty và công đoàn còn tặng vé xe cho công nhân ở các tỉnh miền Trung và phía Bắc về quê đón tết. “Đây là những hoạt động thiết thực khiến 9.500 công nhân của công ty trở lại làm việc sau tết. Đồng thời, các khoản thưởng cuối năm đối với người lao động đều được công ty giải quyết dứt điểm trước khi nghỉ tết để người lao động phấn khởi, yên tâm quay lại làm việc” - ông Hùng nói.

 

Qua thời “không thích thì cho nghỉ”

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), cho biết thông thường trong hai quý đầu năm sẽ diễn ra tình trạng dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp, đây là quy luật tự nhiên. Đáng lưu ý, tình trạng nhảy việc không chỉ rơi vào khu vực lao động phổ thông mà cả lao động cấp trung và cấp cao.

 

“Những thiệt hại khi nhân lực cấp trung và cấp cao nhảy việc rất lớn, vì khi nhân lực cấp trung và cấp cao rời công ty họ sẽ kéo các nhân sự cấp dưới đi cùng. Chưa kể doanh nghiệp còn bị thiệt hại về nguồn tài nguyên vô hình như các mối quan hệ với khách hàng thân thiết giờ đây cũng mất và phải làm lại từ đầu” - ông Tuấn cảnh báo.

 

Tuy nhiên, gần đây các doanh nghiệp đã ý thức việc thu hút, giữ chân nhân sự bằng cách hài hòa lợi ích, cân bằng lao động, thay vì điều hành cảm tính, không thích thì cho nghỉ.

 

“Với người lao động, họ có nhiều lý do để nhảy việc. Tuy nhiên, nhảy việc vì “đứng núi này trông núi nọ” do chênh nhau vài trăm ngàn tiền lương là không nên, mà phải nhìn thấu đáo đơn vị đó có chính sách việc làm ổn định hay không, chính sách bồi dưỡng, đào tạo và môi trường làm việc để phát triển tay nghề như thế nào” - ông Tuấn chia sẻ.

 

Chính sách việc làm ổn định

Điều kiện tiên quyết để níu chân người lao động là chính sách việc làm ổn định, tiếp theo là cơ hội phát triển nghề nghiệp, thay vì các chính sách phúc lợi ngắn hạn. Bây giờ đã qua cái thời doanh nghiệp giữ chân người lao động bằng cách giữ lại một phần tiền lương và thưởng tết. Cách làm này sẽ khiến người lao động ức chế, thậm chí có tác dụng ngược. Khi quay lại người lao động sẽ không còn mặn mà với doanh nghiệp, vì trong suy nghĩ năm tới tình cảnh “găm” lương, thưởng tết sẽ tái diễn.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

PHONG ĐIỀN

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024867071

TRUY CẬP HÔM NAY: 432

ĐANG ONLINE: 9