Giới trẻ thiếu thông tin về AEC


Giới trẻ thiếu thông tin về AEC

 

GD&TĐ - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù một năm đã trôi qua nhưng lao động trẻ Việt Nam dường như vẫn chưa sẵn sàng cho quá trình hội nhập.
 

Khó tận dụng cơ hội

 

Báo cáo tại Hội nghị khoa học trẻ “Tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến học sinh, sinh viên và lao động trẻ tại TPHCM” do Thành đoàn TPHCM tổ chức mới đây cho thấy, các khảo sát trên sinh viên thuộc các trường đại học tại TPHCM đã chỉ ra, một số đông sinh viên không quan tâm đến thời điểm Việt Nam gia nhập AEC.

 

Hiện có tới 75% sinh viên không biết về 8 ngành nghề được di chuyển tự do trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN mặc dù các em đang theo học chính các ngành này. Số sinh viên chưa nắm bắt thông tin về AEC còn khá lớn, với gần 24% sinh viên cho rằng không biết về AEC, nhiều sinh viên còn chưa hình dung ra cộng đồng này sẽ như thế nào và bản thân phải chuẩn bị những gì, cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ làm việc ở các quốc gia khác.

 

Các nghiên cứu cũng cho thấy, hiểu biết của lao động Việt Nam về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế. Ngoài ra, tinh thần làm việc theo nhóm và tác phong công nghiệp chưa tốt cũng là điểm yếu khó cạnh tranh khi thị trường lao động mở cửa. Theo đánh giá, các vấn đề nêu trên đang là một thực tế khiến sinh viên ra trường khó cạnh tranh với lao động cùng ngành của các nước trong khối AEC.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang (Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM), để khắc phục điểm yếu này, tới đây cần tăng cường các kênh cung cấp thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ phía nhà trường và các đơn vị liên quan để sinh viên nắm bắt kịp thời. Vì nhận thức hạn chế sẽ khiến các em khó tận dụng được cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, nơi làm việc, lưu chuyển lao động trong AEC…

 

Cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt về lao động có kỹ năng cao, những tiêu chuẩn cụ thể được các nước ASEAN công bố và áp dụng. Chú trọng phát triển kỹ năng, bồi dưỡng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, để lao động Việt nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng phạm vi làm việc ra toàn khu vực.

 

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng, khi tham gia AEC, không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn. Lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, sự tự do di chuyển lao động đã tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, góp phần gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động. Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm.

 

Do đó, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, người lao động cần trang bị các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa.

 

Một khó khăn lớn hiện nay trong hợp tác ASEAN về lao động là sự chênh lệch về chất lượng nguồn lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Lao động của nước ta chủ yếu là lao động phổ thông, do vậy chúng ta cần có chiến lược đầu tư về nguồn lực để từng bước giảm bớt khoảng cách này.

 

Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, học sinh - sinh viên và lao động trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới và không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập.

 

 
Theo thỏa thuận trong khuôn khổ AEC, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, bao gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Thỏa thuận này, kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Thực tế, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn quá thấp và rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Những hạn chế ở trên đang trở thành thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi những giải pháp phù hợp để hội nhập sâu rộng vào AEC.
 

Nguyễn Hưng

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024872211

TRUY CẬP HÔM NAY: 1273

ĐANG ONLINE: 9