Lao động trẻ VN và ba thách thức


VH- Đã tròn một năm kể từ ngày Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập (31.12.2015 - 31.12.2016). Theo đánh giá của các chuyên gia, cho đến nay hành trang chuẩn bị cho quá trình hội nhập của lao động trẻ VN vẫn còn “đi” chậm so với các nước. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều khảo sát để đánh giá lại mức độ đáp ứng của thị trường lao động VN nhằm tìm giải pháp cho thời gian tới.

 

 Hội thi “Công dân trẻ ASEAN - Bạn là ai?” do Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức,

một hoạt động nhằm trang bị kỹ năng và ngoại ngữ cho thanh niên, sinh viên VN trong tiến trình hội nhập AEC

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng, khi tham gia AEC, không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn. Lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, sự tự do di chuyển lao động đã tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, góp phần gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động. Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm. “Với góc nhìn của người làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, tôi thấy rằng trong quá trình hội nhập này, có ba vấn đề thách thức đối với lao động trẻ là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (bao gồm kỷ luật, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp)”, ông Tuấn nhận định.

 

Trong khi đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, hiểu biết của lao động VN về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế. Ngoài ra, tinh thần làm việc theo nhóm và tác phong công nghiệp chưa tốt cũng là điểm yếu khó cạnh tranh khi thị trường lao động mở cửa.

 

Thực hiện khảo sát trên 250 sinh viên đang theo học ngành du lịch tại các trường trên địa bàn TP về mức độ sẵn sàng hội nhập quốc tế của sinh viên ngành này - một trong tám ngành nghề lao động được tự do di chuyển trong các nước ASEAN, nhóm nghiên cứu đến từ Trường ĐH Tài chính – Marketing cho biết, có hai điểm hạn chế nổi bật là năng suất lao động thấp và kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ. Thống kê của Tổng cục Du lịch VN cho biết, hiện chỉ có 32% lao động phục vụ trực tiếp trong ngành biết tiếng Anh; 3,2% biết tiếng Pháp và 3,6% biết tiếng Trung Quốc…

 

Giảng viên Nguyễn Thị Bích Huyền, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã thực hiện khảo sát 225 sinh viên của 6 trường ĐH trên địa bàn TP.HCM về mức độ tích cực và hài lòng đối với các hoạt động trau dồi năng lực, kỹ năng. Kết quả cho thấy phần lớn sinh viên đã nhận thức được sự cần thiết và tích cực tham gia các hoạt động trau dồi năng lực, kỹ năng để tạo lợi thế cạnh tranh cho bản thân. Một số khảo sát cũng chỉ ra rằng nhận thức của sinh viên đối với tầm quan trọng của kỹ năng mềm ngày càng nâng cao, đặc biệt đối với sinh viên năm 3 sau khi kết thúc quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Hầu hết các sinh viên than phiền rằng họ không được trang bị kỹ năng mềm cũng như nhà trường hầu như không có các hoạt động để giúp họ phát triển kỹ năng. Thực tế cho thấy tại VN chưa có khung kỹ năng mềm thống nhất để giảng dạy và đánh giá, gần như các trường tự chủ động trong việc thiết kế nội dung.

 

Theo nhóm nghiên cứu Trường CĐ Công thương TP.HCM, gần đây các trường ĐH VN cũng đã chú trọng nhiều đến đào tạo kỹ năng mềm của sinh viên, tuy nhiên chưa được chú trọng toàn diện. Dẫn chứng là chỉ có 45% các trường đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy như môn học chính quy, còn trong các trường có dạy môn học này thì tỷ lệ trung bình chỉ chiếm 3% trong tổng chương trình đào tạo. “Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, mặc dù môn học kỹ năng mềm được đưa vào giảng dạy chính thức, nhưng nội dung môn học lại khác nhau giữa các trường, chưa có một khung nội dung chuẩn thống nhất về kỹ năng mềm cần đào tạo. Trong khi đó, Malaysia là một quốc gia thành viên của AEC, Bộ Giáo dục đại học nước này đã ban hành khung kỹ năng mềm từ năm 2006 ”, tác giả Nguyễn Kim Nam, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định.

 

Không “đổ lỗi” cho chương trình đào tạo, tác giả Lê Nguyễn Trường An, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM cảnh báo các sinh viên: “Hãy tưởng tượng một ngày các giáo viên, kiến trúc sư, kỹ sư… đến từ các nước phát triển như Singapore, Malaysia sang VN làm việc bởi họ có lợi thế ngoại ngữ và chuyên môn tốt hơn. Liệu sẽ có bao nhiêu phần trăm sinh viên của ta ra trường có việc làm đúng với chuyên ngành học? Chính vì thế sinh viên VN phải trang bị thật nhanh những kỹ năng cần thiết và bản lĩnh để đối mặt với thách thức này”.

 

Hoạt động trong lĩnh vực lao động sau thời gian gia nhập AEC đến nay đã có định hướng, lộ trình rõ ràng. Tuy nhiên, một khó khăn lớn hiện nay trong hợp tác ASEAN về lao động là sự chênh lệch về chất lượng nguồn lao động của VN so với các nước trong khu vực. Lao động của ta chủ yếu là lao động phổ thông, do vậy chúng ta cần có chiến lược đầu tư về nguồn lực để từng bước giảm bớt khoảng cách này. Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, học sinh – sinh viên và lao động trẻ phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới và không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… để hình thành tri thức, bản lĩnh, vững vàng hội nhập.

 

Kiều Giang

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024876261

TRUY CẬP HÔM NAY: 1342

ĐANG ONLINE: 11