Hàng chục ngàn học sinh được định hướng ngành nghề


Ngày 30-12, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã chính thức khép lại tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM). Năm nay, chương trình diễn ra tại 150 trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai...

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trao đổi thêm với chuyên gia tư vấn. Ảnh: N.Trinh
 
Cân bằng đào tạo chuyên môn và kỹ năng
 

Còn hơn 5 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đối với học sinh lớp 12, việc xác định, chọn cho bản thân một ngành nghề, một trường đào tạo phù hợp không còn quá sớm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít học sinh băn khoăn về đặc điểm ngành nghề, cơ hội việc làm và cả quá trình đào tạo.

 

Em Nhã Ngân (lớp 12C) bày tỏ: “Em rất yêu thích tiếng Anh và đã tìm hiểu 3 ngành: ngôn ngữ Anh, tiếng Anh thương mại và kinh doanh quốc tế để đăng ký học. Tuy nhiên, em không biết rõ đặc điểm của từng ngành này khác nhau như thế nào? Cơ hội việc làm có cao không?”. TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập, thị trường lao động rất cần đến nhân lực giỏi ngoại ngữ, từ công ty Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, trường học, đặc biệt các công ty đa quốc gia. Vì thế thị trường làm việc rất rộng, người giỏi ngoại ngữ sẽ không lo thất nghiệp. Về đặc điểm từng ngành, ông Lộc cho rằng, ngành ngôn ngữ Anh và tiếng Anh thương mại được đào tạo khá giống nhau khi cùng tập trung nâng cao năng lực, giúp người học làm chủ, sử dụng thành thạo ngôn ngữ này. Riêng ngành kinh doanh quốc tế, chương trình đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng tiếng Anh mà còn cung cấp kiến thức nền tảng về quản trị kinh doanh; vấn đề tổng quan, chuyên sâu về thương mại quốc tế; chính sách kinh tế đối ngoại; đặc điểm phát triển kinh tế thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa... cho người học.

 

Cũng yêu thích học ngoại ngữ, nhưng em Tạ Trung Hiếu (lớp 12A) lo lắng khi bản thân quá nhút nhát sẽ ảnh hưởng đến việc rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc sau này. Trung Hiếu hỏi: “Tại các trường đào tạo ngoại ngữ có tạo điều kiện để chúng em khắc phục nhược điểm bản thân không?”. ThS. Lý Quốc Huy (đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, ngoài việc đào tạo chuyên ngành, các trường còn chú trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Do kỹ năng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến tác phong làm việc, thành đạt của người lao động nên nhiều trường đã đưa nội dung này vào môn học. Minh chứng đó là việc liên kết, hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp được chú trọng, để đến cuối năm 3, hoặc đầu năm 4, sinh viên đến doanh nghiệp thực hành, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm làm việc…

 

Thiếu nguồn nhân lực cao

 

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết thời gian qua nhiều phụ huynh và học sinh tỏ ra lo lắng trước những thay đổi trong Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, sự thay đổi trong thi cử diễn ra hàng năm, hướng đến những giá trị tích cực, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo; vì thế phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng.

 

Tập trung định hướng chọn trường, chọn ngành cho học sinh

 

Phát biểu kết thúc chương trình, ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cho biết: Mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh THPT bước vào ngưỡng cửa chọn ngành nghề ở các trường ĐH, CĐ. Đối với các em, chọn một ngành học đồng nghĩa với chọn một tương lai cho bản thân. Học đúng ngành yêu thích, phù hợp với nhu cầu lao động thị trường sẽ là động lực để người học vượt qua những khó khăn trong học tập, đạt kết quả tốt và dễ dàng phát huy năng lực bản thân, tiến đến thành công trong công việc. Ngược lại, chọn sai ngành sẽ khiến tâm lý chán nản, chịu đựng hơn là làm việc, giảm khả năng phát huy năng lực bản thân, lãng phí thời gian, kinh phí học tập. Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức diễn ra hàng năm, tập trung tư vấn tâm lý và cung cấp thông tin về đào tạo nghề nghiệp, định hướng chọn trường, chọn ngành cho các em.

 

 

“Liên quan đến những điểm mới trong Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2017, dư luận lại cho rằng, quá trình vào ĐH đối với học sinh ngày càng dễ. Vì các em có thể dự thi cả 2 bài thi tự chọn (tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội), điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt việc xét tuyển vào ĐH không còn ngưỡng điểm sàn. Trên thực tế, vào ĐH đối với học sinh hiện nay không hề khó vì điều kiện cuộc sống, học tập ngày một nâng cao. Nhưng vấn đề chọn đúng ngành nghề, đúng trường đào tạo mới là quan trọng. Một ngành nghề phù hợp năng lực, đam mê bản thân, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu lao động thị trường sẽ giúp bản thân phát huy được năng lực, thành công trong công việc và cuộc sống”, ông Tuấn phân tích.

 

Theo ông Tuấn, Việt Nam đã gia nhập thị trường kinh tế ASEAN, lao động trong nước có nhiều cơ hội dịch chuyển ra thế giới; ngược lại cũng thu hút các quốc gia đầu tư vào thị trường trong nước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể lao động của chúng ta hiện nay không khác các nước về trình độ, năng lực, nhưng lại thua tác phong lao động, trình độ ngoại ngữ. Nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều ngành đang thiếu trầm trọng.

 

“Như thầy Lý Quốc Huy nói ở trên, quá trình đào tạo tại các trường đã có sự cân bằng giữa chuyên môn lẫn kỹ năng, đồng thời chú trọng nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ cho người học, đặc biệt là tiếng Anh. Vì vậy, khi đã chọn được ngành nghề phù hợp, bản thân mỗi sinh viên cần phải có ý thức rèn luyện kỹ năng, hình thành nên một con người năng động, tự tin, có tác phong công nghiệp cao”, ông Tuấn khuyên.

 

Trinh Ngọc

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878441

TRUY CẬP HÔM NAY: 679

ĐANG ONLINE: 14