Công bố 10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2016


(HCM CityWeb) – Sáng 29-12, UBND TPHCM đã công bố 10 sự kiện nổi bật của TPHCM trong năm 2016, trong đó lĩnh vực chính trị có 3 sự kiện, kinh tế 2 sự kiện, xã hội 2 sự kiện, văn hóa 1 sự kiện, đô thị 1 sự kiện, đối ngoại 1 sự kiện.

 

Ông Võ Văn Hoan, Ủy viên UBND TPHCM, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, người phát ngôn của UBND TPHCM cho biết 10 sự kiện này do Hội đồng bình chọn gồm đại diện 12 cơ quan báo chí và 3 cơ quan nhà nước (Văn phòng UBND Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) bình chọn.

 

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan (giữa), Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Văn Long (phải) và đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tại buổi họp báo sáng 29-12 công bố 10 sự kiện nổi bật của TPHCM trong năm 2016.

 

Thay mặt Hội đồng bình chọn, ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã công bố 10 sự kiện nổi bật của TPHCM trong năm 2016, gồm:

 

1. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại TPHCM

 

Ngày 22-5-2016, cùng với cử tri cả nước, cử tri TPHCM đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thành phố đã bầu đủ 30 đại biểu Quốc hội (tỷ lệ nữ đạt 30%, trình độ trên đại học, đại học đạt 100%), 105 đại biểu HĐND Thành phố (tỷ lệ nữ đạt gần 44%, trình độ trên đại học, đại học đạt hơn 97% ), 943 đại biểu HĐND quận, huyện (tỷ lệ nữ đạt gần 40%, trình độ trên đại học, đại học đạt gần 80%) và 9.310 đại biểu HĐND phường, xã, thị trấn (tỷ lệ nữ đạt trên 40%, trình độ trên đại học, đại học đạt gần 43%).

 

Sau nhiều năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận - huyện và phường - xã - thị trấn; kỳ bầu cử lần này, Thành phố tổ chức bầu đủ bốn cấp từ đại biểu Quốc hội đến đại biểu HĐND phường, xã, thị trấn trong điều kiện chưa tổ chức lại HĐND quận, huyện, phường; và đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong công tác bầu cử đa số đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, các thành viên của các tổ chức bầu cử đa số mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, TPHCM đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là sự kiện chính trị lớn được tổ chức thành công góp phần cho thành công chung của cuộc bầu cử cả nước.

 

2. 40 năm - Thành phố tự hào mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Qua 40 năm chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo; tạo ra sự biến đổi to lớn sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm nên diện mạo mới cho thành phố thân yêu.

 

Từ một thành phố với quy mô kinh tế tổng giá trị ước hơn 2,5 tỷ đồng, nay đạt hơn 1 triệu tỷ đồng; một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân trong lưu vực như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, mang lại màu xanh cho những dòng kênh này. GDP bình quân đầu người của thành phố đến hết năm 2016 đạt khoảng 5.700 USD/người/năm, tăng hơn 73% so với năm 2010, diện tích sàn nhà ở trung bình đạt 17,85 m²/người so với năm 1977 chỉ đạt 8,9 m²/người, trong điều kiện dân số tăng từ 3,4 triệu người vào năm 1976 đến nay hơn 8,6 triệu người; kéo giảm chênh lệch thu nhập các nhóm dân cư từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị - nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 xuống còn 1,2 lần năm 2014; đến cuối năm 2015, số hộ dân có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm chỉ còn 0,5%. Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, có hoàn cảnh khó khăn được đảm bảo. Cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại 5 huyện, 56/56 xã.

 

40 năm - một chặng đường, những thành tựu to lớn đạt được sẽ tiếp tục là hành trang, nguồn động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tính năng động, sáng tạo của Nhân dân thành phố; huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phấn đấu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

3. Đường dây nóng - Kênh thông tin thiết thực và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố

 

Xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn; huy động trí tuệ của các tầng lớp nhân dân đóng góp thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố và nâng cao trách nhiệm của bộ máy chính quyền trong giải quyết các nhu cầu đời sống nhân dân; đầu năm 2016, Đường dây nóng TPHCM chính thức được thiết lập, vận hành, tiếp nhận, xử lý và phản hồi các thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn qua đầu số 0888247247.

 

Đến nay, Thành phố đã tiếp nhận hơn 16000 tin phản ánh, trong đó đã chỉ đạo xử lý hơn 12.000 tin, đang xử lý gần 4.000 tin. Mặc dù có nhiều tin không thể xử lý do phản ánh chưa đầy đủ, không chính xác; nhưng với kết quả tích cực đạt được bước đầu, có thể nói Đường dây nóng đã mở thêm kênh thông tin thiết thực để các cấp lãnh đạo thành phố kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao khả năng phục vụ nhân dân của chính quyền, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng chung tay góp sức xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. 

 

4. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 8,05%, thu ngân sách trên 300.000 tỷ đồng cao nhất trong 5 năm gần đây

 

Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 8,05%, giá trị tuyệt đối là 1.023.926 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm 2016 và đạt cao nhất trong 5 năm gần đây. Đây là năm đầu tiên thành phố thu ngân sách vượt qua chỉ tiêu 300.000 tỷ đồng. Kết quả này sẽ tạo tiền đề quan trọng để thành phố phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (GRDP đạt từ 8 - 8,5%).

 

5. TPHCM đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

 

Trong năm 2016, UBND Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; ban hành một loạt các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Những cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ trên đã góp phần tạo sự hứng khởi cho nhân dân thành phố, đặc biệt là giới trẻ tích cực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng thành phố khởi nghiệp trong thời gian tới, để đạt mục tiêu đến năm 2020 thành phố có 500.000 doanh nghiệp.

 

6. Thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - Mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước

 

Năm 2016, Thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cấp ngành, đơn vị triển khai thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường xuyên tiến hành công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý chặt việc kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên; nghiên cứu, triển khai Đề án thành lập Trung tâm kinh doanh hương liệu hóa chất thành phố; Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo… Đặc biệt, với quyết tâm cao chăm lo thiết thực, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn của người dân, Thành phố chủ động chuẩn bị, đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM; đây là cơ quan đầu tiên của cả nước thống nhất một đầu mối việc quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất nuôi trồng đến chế biến đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Việc Ban Quản lý an toàn thực phẩm triển khai hoạt động hiệu quả chắc chắn sẽ đem lại sự an tâm, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân trong bữa ăn thường ngày.

 

7. Tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả

 

TPHCM luôn phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; nhiều tấm gương từ nhiều thế hệ, nhiều giới, nhiều ngành đã xuất hiện; đó là những cụ ông, cụ bà dù về hưu nhưng vẫn tích cực làm công tác xã hội, từ thiện; người công nhân sớm hôm quét rác, giữ gìn vệ sinh đường phố; những người dân, người lao động tự do, những đoàn viên tình nguyện, những chiến sĩ lực lượng vũ trang ngày đêm bảo vệ bình yên cho thành phố; những người thầy tận tình với học trò khó khăn; những thầy thuốc tận tụy bên bệnh nhân nghèo, cho đến những doanh nhân thành đạt tích cực vì cộng đồng… Những việc làm của họ rất thầm lặng, không ồn ào, ít người biết đến, nhưng đó là những hành động, việc làm ấm áp tình người, mang tính nhân văn sâu sắc. Điều đáng trân trọng là mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của họ đều xuất phát với tinh thần tự nguyện, không vụ lợi, không cần phải được vinh danh, khen thưởng, mà chỉ muốn làm cho cuộc sống chung quanh tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó cũng chính là biểu hiện thiết thực rõ nét nhất của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 54 gương người tốt, việc tốt; 402 tập thể và cá nhân ở các ngành, lĩnh vực, 24 quận huyện được biểu dương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; 138 gương thầm lặng mà cao cả được tuyên dương năm 2016 chưa phải là tất cả, TPHCM luôn có hàng ngàn, hàng ngàn những con người thầm lặng mà cao cả như thế.

 

8. Đường sách TPHCM - Nét đẹp của văn hóa đọc, mô hình đầu tiên trong cả nước

 

Những năm qua, TPHCM có nhiều hoạt động ủng hộ văn hóa đọc, như: Đường sách mỗi dịp xuân về, các hội sách cũ, sách giảm giá lớn nhỏ được tổ chức rải rác suốt năm, hội sách thành phố tổ chức định kỳ hai năm một lần... Trong lòng thành phố hiện tồn tại rất nhiều cửa hàng sách; tuy nhiên các hoạt động trên vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu của bạn đọc về một môi trường văn hóa - giải trí gắn với thế giới sách. Từ sự đồng thuận của nhân dân, Đường sách TPHCM chính thức khánh thành đưa vào phục vụ nhu cầu đọc giả từ ngày 9-1-2016 tại đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1. Đường sách là ý tưởng, nguyện vọng của những người làm xuất bản, in ấn, phát hành về một không gian độc đáo và mới lạ. Đây có thể xem như một địa điểm ổn định lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc, tạo sự gắn kết giữa sách, người làm sách và bạn đọc. Con đường nhỏ dài khoảng 100m trở thành nơi lân la, gắn bó của nhiều người; ở đó, văn hóa đọc được tôn vinh một cách tự nhiên, sống động và gần gũi. Đây cũng hành động thiết thực giàu ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa tinh thần của thành phố.

 

9. Hoàn thành cơ bản cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn thành phố

 

So với kế hoạch đầu năm 2016, Thành phố đã cung cấp nước cho 228.665 hộ/228.665 hộ, tỷ lệ 100%; tổng số hộ dân được  tiếp cận và cung cấp nước sạch là  1.900.772/1.900.772 hộ, tỷ lệ 100%.

 

Dù quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn từ điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đến thuyết phục người dân đồng thuận thay đổi thói quen, nếp sống dùng nước giếng khoan không hợp vệ sinh; nhưng thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, như: phát triển mạng lưới và gắn đồng hồ, xây dựng và nâng cấp mở rộng trạm cấp nước, lắp đặt đồng hồ tổng, lắp đặt bồn chứa nước, lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình, tuyên truyền tích cực… Tổ chức các đoàn giám sát trực tiếp làm việc, đôn đốc, giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại từng quận - huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho hộ dân dù trong hoàn cảnh địa bàn khó khăn nhất vẫn có thể được tiếp cận, cung cấp nước sạch. Thành phố cũng chỉ đạo công tác điều tiết phân vùng phục vụ các nhà máy nước hợp lý, đảm bảo phục vụ cấp nước mùa khô; công suất cấp nước luôn giữ vững ổn định, tổng sản lượng nước sản xuất ước đạt hơn 633 triệu m3, đạt 104% kế hoạch năm 2016; cấp nước sinh hoạt bình quân đầu người đạt 141 lít/người/ngày; tất cả góp phần cho thành phố hoàn thành cơ bản cung cấp nước sạch cho người dân trên toàn địa bàn.

 

Thành phố xác định tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu trên trong thời gian tới với những biện pháp căn cơ, hiệu quả hơn như: Rà soát và xây dựng kế hoạch giải quyết cấp nước cho các hộ phát sinh mới; tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sạch; phát triển mạng lưới cấp nước để thay thế cho giải pháp đồng hồ tổng, bồn chứa nước, thiết bị lọc nước hộ gia đình,…

 

10. Hội nghị kiều bào toàn thế giới 2016 với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”

 

Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên với sự tham gia của hơn 500 đại biểu kiều bào trở về từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng hàng trăm ngàn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài quan tâm, theo dõi. Hàng ngàn bài tham luận được gửi về thể hiện tâm huyết, tấm lòng của người Việt Nam phương xa luôn hướng về quê hương, Tổ quốc, hiến kế, góp sức bằng cả trí lực và vật lực để xây dựng đất nước nói chung, TPHCM nói riêng phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

 

Bằng không khí cởi mở, dân chủ, ấm áp nghĩa tình, Hội nghị đã thảo luận và rút ra nhiều nội dung quan trọng, hết sức ý nghĩa về các vấn đề phát triển bền vững, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, phát triển đầu tư, thương mại và dịch vụ; đó được xem là “ngân hàng ý tưởng quý giá mà thành phố luôn cần đến”. Có những nội dung chuyên sâu, chất lượng cao, đưa ra những phân tích xác đáng về thực trạng phát triển, đánh giá thời cơ, thách thức và đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực, khả thi, bám sát các vấn đề mang tính chiến lược đối với sự phát triển của đất nước và TPHCM. Hội nghị thành công, đáp ứng hơn kỳ vọng, là bước đi khởi đầu thuận lợi, mở ra diễn đàn, cơ chế trao đổi chuyên sâu giữa chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào trên toàn thế giới với TPHCM.

 

Minh Thư

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024867021

TRUY CẬP HÔM NAY: 373

ĐANG ONLINE: 7