Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh.

 

Nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao


Theo ông Tuấn, năm 2016, với sự phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, đã tạo ra nhiều chỗ làm mới thu hút lao động trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt nhu cầu việc làm chất lượng cao.


Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng tại thành phố tăng 2,53% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, có sự gia tăng về nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, kinh nghiệm, trình độ và tính chuyên nghiệp luôn là sự quan tâm của doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự. Nhu cầu lao động có kinh nghiệm chiếm khoảng 57,6% . Cùng với đó, nhu cầu tìm việc của người lao động có kinh nghiệm chiếm 84,70% trong tổng số người tìm việc. Trong 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định đã tác động tích cực đến thị trường lao động thành phố. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2016 tăng 13,15% so với 6 tháng đầu năm 2016. Nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm 2016 vẫn tiếp tục có sự gia tăng về lao động đã qua đào tạo, kinh nghiệm, trình độ và tính chuyên nghiệp. Những yếu tố này luôn là sự quan tâm của doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự.

 


Nguồn nhân lực chất lượng cao đang tiếp tục là nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh
(ảnh: VL)

 

Theo đánh giá của ông Tuấn, tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (có bằng cấp) tăng hàng năm. Nếu như năm 2012 là 64,30% đến năm 2015 là 72,33% và năm 2016 ước tính 75%. Điều đó đã cho thấy, trình độ chuyên môn của lực lượng lao động tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hiện nay, nhu cầu học nghề và tìm việc làm của sinh viên, người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người tìm việc thường xuyên (khoảng trên 40%), đặc biệt lực lượng lao động trình độ Đại học – Cao đẳng – Trung cấp,… và kinh nghiệm làm việc. 
 

Về mức lương của lao động trong năm 2016, yêu cầu mức lương dao động từ 3 - 10 triệu chiếm 85,63% tổng lực lượng lao động có nhu cầu tìm việc thường xuyên.


Chuyển dịch đúng hướng phát triển kinh tế -xã hội


Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố, cơ cấu lao động Thành phố được dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tăng dần khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Điều này cho thấy thị trường lao động đang theo hướng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố.


Xu hướng phát triển khu vực kinh tế dịch vụ có tốc độ tăng lao động cao nhất, chiếm tỷ trọng 64,80% năm 2015 tăng lên 64,95% năm 2016 và nhu cầu lao động trong khu vực này cũng tăng lên hàng năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ cùng với sự phát triển của hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ rộng khắp theo hướng văn minh, hiện đại đã thúc đẩy lưu thông hàng hóa, góp phần kích thích sản xuất.


Đối với lực lượng lao động tham gia làm việc trong khu vực công nghiệp – xây dựng năm 2016 chiếm tỷ lệ 32,84% tổng lực lượng lao động đang làm việc tăng 0,19% so với năm 2015.


Lực lượng lao động tại khu vực kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 2,21% tổng lực lượng lao động đang làm việc. Nhu cầu nhân lực trong khu vực này tập trung vào chất lượng lao động có trình độ kỹ thuật, chất xám, phát triển theo xu hướng nông nghiệp hiện đại áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học.


Bên cạnh những mặt tích cực của thị trường lao động Thành phố, hiện vẫn còn những hạn chế đó là chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung – cầu lao động về số lượng đồng thời chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. "Nghịch lý ở đây, TP. Hồ Chí Minh đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển", ông Tuấn nhấn mạnh.


Từ thực tế phát triển kinh tế -xã hội của Thành phố và từ thực trạng phát triển nguồn nhân lực Thành phố, ông Tuấn cho rằng, thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh, đáp ứng cho nhu cầu hội nhập sâu, mạnh vào thị trường thế giới.


Quá trình hội nhập mang đến nhiều cơ hội và thách thức đối với tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng. Thị trường lao động đang mở rộng, ngày càng tạo ra nhiều cơ hội việc làm song cũng đưa ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kỹ năng cùng với kiến thức chuyên môn. Với sự tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, góp phần gia tăng sự mất cân đối cung – cầu lao động, đặc biệt là nguồn cung lao động có kỹ năng và trình độ cao.


Theo ông Tuấn, năm 2017, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn. Dự kiến TP.Hồ Chí Minh có nhu cầu 280.000 chỗ làm việc (Quý I: 69.000, Quý II: 72.000, Quý III: 71.000, Quý IV: 68.000), tăng 3,7% so với năm 2016, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới tăng 7,69% so với năm 2016. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở những ngành nghề như: kinh doanh – marketing – bán hàng, dịch vụ – du lịch – nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, cơ khí – tự động hóa, chế biến thực phẩm, vận tải, xuất nhập khẩu, dệt may, bất động sản...


Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của kinh tế -xã hội, đáp ứng cho quá trình hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế thế giới, trong thời gian tới, người lao động tại Thành phố ngoài việc chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, cần trang bị các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện, học sinh Thành phố chọn những ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế thành phố và khu vực. Đa số các học sinh có sự quan tâm tìm hiểu các khối ngành Kỹ thuật Công nghệ và Kinh tế - Tài chính. Năm 2016, nhu cầu học nghề của học sinh THPT đối với nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ có tỷ lệ lựa chọn cao nhất, chiếm 24,84%. Bên cạnh đó, nhu cầu học bậc Đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất 87,00%, bậc Cao đẳng 7,00% và bậc Trung cấp chiếm 6,00%. 


VL