Năm 2017, TP.HCM có nhu cầu 280.000 chỗ làm việc


KHPTO - Năm 2017 dự kiến TP.HCM có nhu cầu 280.000 chỗ làm việc, tăng 3,7% so với năm 2016, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới, tăng 7,69%.
 

Ảnh minh họa. Nguồn: ĐĐK

 

Căn cứ Chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt chủ trương thành phố tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực, 9 ngành kinh tế trọng yếu và phát triển 50.000 doanh nghiệp trong năm 2017. Căn cứ khảo sát nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp tại thành phố năm 2017 và ứng dụng các phương pháp phân tích dự báo nhu cầu nhân lực; bà Trần Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM cho biết, năm 2017 dự kiến TP.HCM có nhu cầu 280.000 chỗ làm việc tăng 3,7% so với năm 2016, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới tăng 7,69% so với năm 2016. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở những ngành nghề như: kinh doanh – marketing – bán hàng, dịch vụ – du lịch – nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, cơ khí – tự động hóa, chế biến thực phẩm, vận tải, xuất nhập khẩu, dệt – may – giày da, tài chính – ngân hàng, y tế - chăm sóc sức khỏe, kiến trúc – xây dựng – môi trường, kinh doanh tài sản – bất động sản, và ngành nghề công nghệ kỹ thuật nông – lâm – thủy sản, …

 

Thị trường lao động sôi động hơn

 

Theo đánh giá của bà Trần Thị Anh Đào, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN, không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn, lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Ngoài ra, người lao động cần trang bị các kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, khả năng thích nghi với cường độ làm việc cao, khả năng thích nghi với những khác biệt về văn hóa. Năm 2017, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; chú trọng phát triển theo xu hướng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động, có tay nghề, năng suất lao động đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động…

 

 Nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là 280.000 chỗ làm việc (quý I: 69.000, quý II: 72.000, quý III: 71.000, quý IV: 68.000) theo xu hướng như sau:

 

 Quý I/2017: nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề marketing, bán hàng, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn (ở các vị trí lễ tân, điều hành tour, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ khu vui chơi – giải trí,…); tiếp thị sản phẩm, quảng cáo, đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng, nghiên cứu thị trường, người dẫn chương trình, xây dựng, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc nhà, dịch vụ chăm sóc cây cảnh, giao hàng nhanh, nhân viên bảo vệ,… sẽ tăng cao trong tháng 1/2017 và tháng 2/2017. Tháng 3/2017, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng cho các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như dệt may – giày da, chế biến thực phẩm, vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu, nhựa – bao bì, mộc – mỹ nghệ, xây dựng,… Trong quý I/2017 nhu cầu khoảng 69.000 chỗ làm việc trống, trong đó 28% nhu cầu lao động phổ thông. Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 1/2017 (là thời điểm Tết Đinh Dậu) ở mức 20.000 chỗ làm việc, mức độ thiếu hụt lao động sau tết không cao, dưới 3%, mức độ dịch chuyển lao động cũng ở mức 15%, thể hiện sự gắn kết cung – cầu thị trường lao động thành phố, đặc biệt sự phát triển ổn định và chăm lo chính sách lao động của các doanh nghiệp.

 

 Đến quý II/2017 và quý III/2017: kinh tế thành phố ổn định sản xuất kinh doanh, tạo động lực tiếp tục phát triển kinh tế theo những định hướng phát triển năm 2017, của thị trường lao động, có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng so quý I/2017, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của quý II/2017 khoảng 72.000 chỗ làm việc và quý III/2017 khoảng 71.000 chỗ làm việc trống. Tập trung thu hút lao động ở một số ngành nghề như: Marketing - Kinh doanh – Bán hàng, Cơ khí, Kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ thông tin, dệt may - giày da, vận tải – kho bãi – xuất nhập khẩu, kinh doanh tài sản – bất động sản, tài chính – tín dụng – ngân hàng, công nghệ ô tô – xe máy, nông – lâm nghiệp – thủy sản, quản lý nhân sự, kế toán kiểm toán, hóa – hóa chất, dịch vụ - phục vụ, điện – điện tử - điện lạnh – điện công nghiêp, …

 

Quý IV/2017, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động chú trọng lao động có trình độ, tay nghề chiếm khoảng 68.000 chỗ làm việc trống, trong đó lao động phổ thông chiếm 27%. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như: dệt may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, dịch vụ - phục vụ, bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng,…

 

Luôn diễn biến tình trạng mất cân đối

 

Theo bà Trần Thị Anh Đào, thực trạng thị trường lao động thành phố luôn diễn biến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn lành nghề và nhân lực; cho thấy tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cần thiết hiện nay để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng và hạn chế sự nghịch lý.

 

Từ góc độ của chức năng, nhiệm vụ hoạt động, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đề xuất cần phát triển nguồn nhân lực thành phố phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế và hội nhập, đẩy mạnh chuyển dịch lao động dư thừa từ nông nghiệp, từ lao động không có nghề chuyên môn, từ lao động khu vực phi chính quy, lao động nhàn rỗi, … sang các ngành công nghiệp và dịch vụ đồng thời nâng cao chất lượng dịch chuyển lao động có tay nghề chuyên môn trung bình lên bậc cao, trình độ cao.  Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.

 

 Các cơ quan thẩm quyền cần thực hiện nhanh lộ trình sắp xếp hệ thống trường chuyên về từng cấp đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp; phát triển đào tạo liên thông theo loại hình vừa học vừa làm, thống nhất không phân biệt bằng cấp theo loại hình đào tạo.

 

 Bên cạnh đó, cần phát triển các chương trình nghiên cứu về chính sách thị trường lao động, chính sách đào tạo chú trọng thu hút khu vực tư nhân tham gia các hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội, tạo sự phối hợp chặt chẽ từ trách nhiệm các cơ quan nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, người học và xã hội.

 

 Cần định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp;

 

 Ngoài ra, nên hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung – cầu nhân lực. Dự báo những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm trung hạn (5 năm), dài hạn (10 năm – 20 năm), góp phần tham mưu quy hoạch cơ cấu đào tạo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố, quốc gia và hội nhập. Tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và các kỹ năng của nhân lực được đào tạo, hạn chế mất cân đối, thừa thiếu trong các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế, thành phần kinh tế.

 

Bà Trần Thị Anh Đào cũng đề xuất nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức phối hợp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ và hội nhập. Hoàn thiện phát triển hoạt động hướng nghiệp, đưa các chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp vào các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở. Xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp – việc làm thành phố kết nối các tỉnh, thành, khu vực và quốc gia. Điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm và học nghề. Hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn và dài hạn.

 

Cùng đó, phải tăng cường quản lý nhà nước về cung – cầu lao động, xây dựng kho dữ liệu thị trường lao động thành phố; thực hiện cập nhận cung – cầu lao động, biến động lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động thất nghiệp theo định kỳ 6 tháng/1lần. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động TP.HCM với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động phù hợp với yêu cầu thực tế từng tỉnh, thành, khu vực và cả nước. 

 

Như Hoa

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024873488

TRUY CẬP HÔM NAY: 2561

ĐANG ONLINE: 13