Tuyển 30.000 lao động thời vụ dịp Tết nguyên đán 2017


(VOH) - Những ngày giáp tết, tần suất công việc của các doanh nghiệp sẽ tăng lên gấp đôi, có nơi gấp 3 so với công việc thường ngày. Chính vì vậy nhu cầu tuyển lao động thời vụ bắt đầu có xu hướng tăng dần từ tháng cuối cùng năm 2016.

 

Để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường lao động của thành phố, VOH đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM.

 

 Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM trả lời phỏng vấn VOH.

 

*VOH: Thưa ông, với góc nhìn của một chuyên gia làm công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, ông có đánh giá như thế nào về cung cầu lao động của thành phố và cơ hội việc làm cho người lao động trong dịp cuối năm này?

 

- Ông Trần Anh Tuấn: Dự kiến nhu cầu nhân lực của thành phố trong tháng 12/2016 cho đến 1/2017, nhu cầu làm việc khoảng 30.000 chỗ làm việc bao gồm 28.000 chỗ làm việc trong tháng 12/2016, nhu cầu tuyển dụng nhân lực vào đầu dịp Tết nguyên đán 2017 là 30.000 lao động thời vụ. Trình độ chuyên môn tập trung ở bậc đại học, có nhu cầu cao vào cuối năm, đạt 21%; cao đẳng 16%; trung cấp 23%; công nhân kỹ thuật 8%, sơ cấp nghề 7%; lao động phổ thông sẽ tăng nhẹ ở mức 32%.

 

Tuy nhiên vào cuối năm nhu cầu tuyển dụng chủ yếu lao động có tay nghề, trình độ. Các nghành nghề có nhu cầu cao là kinh doanh, dịch vụ, bán hàng, phục vụ, công nghệ thông tin, dệt may, giày da, du lịch, bảo hiểm, cơ khí, điện tử, điện công nghệp, điện lạnh, kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch và nhà hàng và khách sạn. Đặc biệt là dịch vụ chăm sóc người già và trẻ nhỏ sẽ tăng vào cuối năm. Có thể đánh giá thị trường lạo động của thành phố vào cuối năm và đầu dịp tết thể hiện tính ổn định, phát triển.

 

 280.000 chỗ làm trong năm 2017

 

*VOH: Như ông vừa cho biết thì kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển, kéo theo đó là nhu cầu nguồn tuyển dụng lao động tăng theo để phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh. Vậy ông dự báo thế nào về thị trường lao động TPHCM trong năm 2017?  

 

- Ông Trần Anh Tuấn: Dựa vào chương trình việc làm của thành phố 2017-2020, thì năm 2017 dự kiến TPHCM có nhu cầu 280.000 chỗ làm việc, tăng 3,7% so với năm 2016. Trong đó, có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới, tăng 7,69% so với năm 2016. Điều này cũng phù hợp với chương trình kế hoạch của UBND TPHCM đã đề ra là năm 2017 toàn TPHCM sẽ phấn đấu, giải quyết việc làm cho 130.000 chỗ làm việc mới trở lên.

 

Về nhu cầu tuyển dụng của TPHCM năm 2017 cũng sẽ tập trung ở một số ngành nghề như kinh doanh, marketing, bán hàng, dịch vụ, du lịch, nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa, chế biến thực phẩm, vận tải, xuất nhập khẩu, dệt may, giày da, tài chính ngân hàng, một số ngành xã hội còn lại, chăm sóc y tế, kiến trúc, xây dựng, môi trường kinh doanh, bất động sản, cùng các ngành nghề kỹ thuật, nông lâm thủy sản cung sẽ tăng lên.

 

Người lao động đang tìm việc làm tại các trung tâm.

 

Thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao, có kỹ năng

 

*VOH: Thực tế thị trường lao động những năm gần đây tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung luôn diễn biến mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, biểu hiện vừa thừa, vừa thiếu lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất. Thành phố cần phải giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?

 

- Ông Trần Anh Tuấn: Bài toán thị trường lao động thành phố là bài toán không chỉ riêng của thành phố mà còn liên quan đến các tỉnh ở khu vực phía nam. Sở dĩ, nguồn nhân lực tham gia lao động bao gồm lực lượng lao động của các tỉnh thành đến học tập và ở lại làm việc.

 

Về mặt cân đối của thị trường lao động của TPHCM vẫn còn sự chênh lệch về cung cầu, chênh lệch giữa cấp bậc đào tạo, giữa các ngành nghề kỹ thuật và các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Chính vì sự chênh lệch đó mà thành phố đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực, đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đồng thời các doanh nghiệp sẽ gắn kết với đào tạo để hạn chế sự chênh lệch và một giải pháp nữa là đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp cho thanh niên biết chọn ngành chọn nghề để không chạy theo xu hướng đại học hay là những ngành nghề không phù hợp với nhu cầu sở trường của bản thân.

 

Thứ hai, các trường cũng đang nghiên cứu đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ để giúp cho người lao động thích ứng trong thị trường lao động hội nhập, bước vào thời kỳ di chuyển lao động của khối ASEAN.

 

Thứ ba, thành phố sẽ chú trọng các hoạt động thông tin thị trường lao động, các hoạt động về cung ứng dịch vụ cung cấp việc làm, giới thiệu việc làm để người lao động có thể tìm kiếm được việc làm, hạn chế những thông tin không chính xác tạo cho người lạo động mơ hồ. Các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng đến những sinh viên tốt nghiệp ra trường để kết hợp huấn luyện đào tạo cho người thanh niên có thể tham gia, phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh. 

 

*VOH: Để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải đào tạo, nhưng từ kết quả đào tạo so với nhu cầu của doanh nghiệp hiện đang còn một khoảng cách khá xa, vậy theo ông khó khăn vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay là gì?

 

- Ông Trần Anh Tuấn: Chúng ta vẫn còn một sự chênh lệch trong vấn đề cân đối cung cầu, thu hút học nghề, đào tạo và sử dụng lao động. Ví dụ như cơ cấu lao động của thành phố vẫn cần nhiều bậc lao động trung cấp và sơ cấp nghề. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo còn nặng về các trình độ đại học, nhiều trường vẫn không có điều kiện để gắn liền giữa lý luận và thực tiễn, kết nối được doanh nghiệp trong nhu cầu đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Chúng ta cũng gặp nhiều hạn chế về kiến thức kỹ năng, tác phong công nghiệp, kỷ luật.

 

Mặc dù, TPHCM là địa phương rất tích cực, đi đầu về hướng nghiệp nhưng cũng chưa phát triển do xu hướng chọn đại học còn rất cao. Thành phố sẽ tiếp tục trong năm 2017 triển khai các chương trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, từng bước chuyển đổi, các chương trình xuất khẩu lao động cũng đang đẩy mạnh, các trương chình di chuyển lao động trong thời kỳ hội nhập cũng sẽ thu hút nguồn nhân lực có tay nghề cao, có kỹ năng, có ngoại ngữ.

 

*VOH: Cảm ơn ông!

 

Qua khảo sát trên 1.300 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM thực hiện cho thấy hơn 30.000 chỗ làm trống trong tháng giáp Tết Đinh Dậu 2017. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp không có sự đột biến, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ có xu hướng tăng 15% đến 20% (khoảng 25.000 chỗ làm việc). Các ngành nghề thu hút nhiều lao động là: Kinh doanh – bán hàng, công nghệ thông tin, dệt may – giày da, du lịch, tư vấn – bảo hiểm, cơ khí, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh, kinh doanh - bất động sản, xây dựng – kiến trúc, nhà hàng – khách sạn,…

 

Đặc biệt các lĩnh vực ngành nghề dịch vụ, phục vụ luôn cần bổ sung nguồn lao động cho các công việc lao động giản đơn, ngắn hạn nhằm phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm và chuẩn bị Tết 2017. Do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào mỗi dịp cuối năm khiến các nhà máy, doanh nghiệp thường phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đảm bảo được chỉ tiêu sản lượng đặt ra. Chính vì vậy, rất nhiều các công ty và khu công nghiệp đã lựa chọn giải pháp tuyển thêm các lao động tạm thời để phục vụ cho quá trình “tăng ca” sản xuất. Đây cũng chính là cơ hội giúp cho các bạn sinh viên, các bạn trẻ có thể kiểm thêm thu nhập để đón năm mới.

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                               Bài, ảnh: Phương Dung

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024933769

TRUY CẬP HÔM NAY: 152

ĐANG ONLINE: 22