Kỳ họp thứ III HĐND TP.HCM: Bàn giải pháp nâng chất lượng giáo dục


Ngày 6-12, ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ III HĐND TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021. Tại đây, những vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm là việc giữ trẻ cho con em công nhân, thiếu giáo viên mầm non, biên soạn SGK riêng cho TP…

 

Đại biểu HĐND TP phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: D.B

 

Không đem học sinh ra làm thí nghiệm

 

Cử tri Q.12 đề nghị xem xét kỹ vấn đề ra SGK riêng cho TP, ý tưởng và kết quả phải nắm rõ, không nên đem học sinh ra làm thí nghiệm.

 

Về vấn đề này, UBND TP.HCM cho rằng, bộ SGK mới sẽ khắc phục những tồn tại, thiếu sót của bộ SGK hiện hành và tiếp cận được xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới. Bộ sách này không chỉ dạy các kiến thức cơ bản mà còn giúp học sinh học cách tìm kiếm, xây dựng hệ thống kiến thức, rèn luyện năng lực học tập, năng lực về CNTT, năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc dạy chữ để dạy người cũng sẽ được đặt ra trong quá trình biên soạn nhằm hình thành nhân cách sống tốt ngay từ những năm đầu của bậc phổ thông; qua đó góp phần phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức - trí - thể - mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

 

Nói việc biên soạn bộ SGK mới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Việc biên soạn bộ SGK mới phải đúng tiến độ, phù hợp thực tiễn và bám sát chương trình khung quốc gia, chú trọng thực hành, tự học, làm việc theo nhóm”.

 

Thời gian qua, cử tri TP cũng rất quan tâm đến chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Cử tri Q.8 và Q.Bình Tân đề cập đến việc thế nào để đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách giáo dục, có giải pháp quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm trong trường học…

 

Nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực TP đã có những giải pháp như: Chỉ đạo hiệu trưởng các trường tư thục thực hiện tốt hơn đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá nâng cao chất lượng dạy học ngay trong các giờ dạy trên lớp, không ra bài tập khó về nhà; thực hiện công tác phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng cho học sinh giỏi không thu học phí; xây dựng website hỗ trợ học tập…

 

Về việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ được tổ chức trên cơ sở tự nguyện tham gia của học sinh; phân chia lớp học theo trình độ, học sinh được lựa chọn giáo viên theo học. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện về dạy thêm, học thêm trong nhà trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP về việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm; đồng thời, xây dựng một số giải pháp, chính sách hỗ trợ giáo viên cải thiện thu nhập…

 

Phát biểu tại khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nêu lên một trong những nhiệm vụ chủ yếu để phát triển giáo dục năm 2017 là nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, đặc biệt ở các quận, huyện ngoại thành; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 17 của Bộ GD-ĐT; chú trọng đào tạo nâng cao kiến thức chuyên sâu cho học sinh giỏi xuất sắc, phụ đạo bồi dưỡng cho những học sinh chưa theo kịp chương trình…

 

Tháo gỡ khó khăn cho giáo dục mầm non

 

Tại phiên thảo luận chiều 6-12, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí đặt vấn đề: “Hệ thống trường mầm non ngoài công lập đang phát triển. Việc quản lý chất lượng tại các trường này như thế nào vì hiện nay phụ huynh vẫn còn nhiều lo lắng khi gửi con?”. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cũng đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên mầm non là do chế độ chính sách chưa thỏa đáng hay xuất phát từ nguyên nhân nào?

 

Tổng hợp các ý kiến cử tri, cử tri Q.Bình Tân cho rằng hiện các trường mầm non không đảm bảo thời gian giữ trẻ phù hợp với thời gian người lao động nên người lao động phải gửi con cho người thân hoặc nhóm trẻ gia đình không đảm bảo điều kiện chăm sóc cho trẻ.

 

Về mục tiêu tổng quát của việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội TP.HCM năm 2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: TP sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kiềm chế và giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thực hành tiết kiệm, sử dụng ngân sách hiệu quả cao. Mở rộng hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Giảm mạnh tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Về vấn đề này, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 4243 về “Hỗ trợ giữ trẻ mầm non cho công nhân khi gửi con tại KCX và KCN trên địa bàn”. Hiện UBND TP đang xem xét thực hiện chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non giữ trẻ ngoài giờ.

 

Kỳ họp thứ III của HĐND TP khóa IX ngoài việc nghe UBND TP báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2017; báo cáo quyết toán ngân sách TP năm 2015, ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2016 và dự toán phân bổ ngân sách năm 2017… thì kỳ họp cũng thông qua các tờ trình như: Tờ trình số 6602 về bãi bỏ việc thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng an ninh; Tờ trình số 6618 về việc bãi bỏ văn bản; Tờ trình số 6769 về ban hành mức thu lệ phí hộ tịch trên địa bàn TP.HCM; Tờ trình số 6840 về kế hoạch đầu tư công năm 2017 của TP…

 

Kỳ họp thứ III HĐND kéo dài từ ngày 6 đến ngày 9-12. Đặc biệt, chiều 7-12, Thường trực HĐND TP sẽ báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết 01/2014/NQ - HĐND ngày 14-6-2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non TP.HCM. Đồng thời, các đại biểu, cử tri sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết về giám sát chuyên đề.

 

Minh Châu

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722633

TRUY CẬP HÔM NAY: 7284

ĐANG ONLINE: 14