Tháo gỡ bất cập trong đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu


GD&TĐ - Đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang là một vấn đề cần được quan tâm, trong đó có khá nhiều bất cập cần được tháo gỡ. 
 

Đây là một nội dung trong buổi tọa đàm Giáo dục nghề nghiệp phục vụ XKLĐ tại TPHCM, do Sở LĐ-TB&XH tổ chức mới đây.

 

Tháo gỡ bất cập trong đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu

 

Thiếu thông tin và cơ chế

 

Đánh giá về thực trạng thị trường LĐXK các tỉnh phía Nam, ông Lê Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM cho biết, các trường rất thiếu thông tin trong việc đưa người lao động ra nước ngoài, thông tin về thị trường XKLĐ và thông tin về các doanh nghiệp XKLĐ. Quan hệ giữa trường và các doanh nghiệp này còn lỏng lẻo, mỗi doanh nghiệp XKLĐ lại có định hướng, nhu cầu khác nhau nên việc đào tạo cũng rất khó đáp ứng. Ngoài ra, đối với sinh viên có định hướng XKLĐ, họ cũng rất đắn đo vì thiếu thông tin về các doanh nghiệp XKLĐ, nên cung - cầu chưa đạt hiệu quả cao.

 

Việc thiếu thông tin giữa nhà trường và doanh nghiệp được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng các trường nghề loay hoay tìm đầu ra cho sinh viên, còn nhiều doanh nghiệp XKLĐ hiện nay lại vất vả đi tuyển dụng bên ngoài, rồi mất thêm thời gian để đào tạo cho đủ chuẩn rồi mới xuất khẩu được. Về vấn đề này, ông Bình kiến nghị một cơ chế phối hợp 3 bên bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thông tin về thị trường lao động không chỉ trong nước mà còn cả ngoài nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 

Một vấn đề khác khiến học sinh trường nghề không mặn mà với XKLĐ là chi phí ban đầu bình quân cho việc này là khoảng 80 - 100 triệu đồng. Dù quy định chỉ ở mức 3.600 USD, nhưng thực tế các mức đặt cọc và chi phí khác ở nhiều nơi cao hơn. Nhiều em sau khi học xong, muốn tự lực nhưng không đủ tiền. Nhiều em hoàn cảnh khó khăn, các trường thì cũng không lo nổi. Đây là một rào cản lớn đối với nhiều sinh viên muốn đi XKLĐ. Do đó, cần có chính sách, khả năng phối hợp với ngân hàng, các nguồn quỹ để hỗ trợ sinh viên.

 

Đẩy mạnh kết nối và tận dụng nguồn lực “hậu” XKLĐ

 

Nhận định về nguồn lực LĐXK về nước, TS Huỳnh Thanh Điền - thành viên Nhóm Tư vấn Đề án Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho rằng, TP đang bỏ qua một nguồn lực rất quan trọng là những người đã đi XKLĐ quay trở về nước. Đây là nguồn kiến thức và kinh nghiệm rất phong phú về thực tế lao động ở nước ngoài, các doanh nghiệp FDI hiện đang rất quan tâm các nhân sự này. Vì vậy, doanh nghiệp XKLĐ và các trường nên kết nối với những người này để thiết kế chương trình đào tạo, nắm bắt nhu cầu, xu hướng, kỹ năng, nghiệp vụ...

 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết: sắp tới, bên cạnh việc giảm các thủ tục cho hoạt động dạy nghề, Sở sẽ xây dựng đề án nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho giáo viên. Ông Lâm cũng đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ rà soát, quy tụ lực lượng người XKLĐ đã về nước, nhằm đánh giá đúng và tận dụng triệt để nguồn lao động này. Sở cũng sẽ tổ chức đẩy mạnh các hoạt động kết nối các cơ sở đào tạo để chia sẻ thông tin, giải quyết tình trạng thiếu thông tin nghề nghiệp và XKLĐ như hiện nay.

 

Về vấn đề kinh phí, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đang tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch hỗ trợ người lao động ra nước ngoài làm việc giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, diện chính sách. Các trường hợp không thuộc diện này cũng có thể vay tín chấp ở mức dưới 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, sẽ huy động thêm nhiều nguồn vốn khác để hỗ trợ người lao động. 

 

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP, đây là một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua. Việc đánh giá doanh nghiệp XKLĐ nào là uy tín, mạnh yếu ra sao thì vẫn chưa có thống kê. Vì thế, rất cần một hệ thống đánh giá chất lượng XKLĐ và phải cập nhật thường xuyên, để loại bỏ những tiếng xấu, lừa đảo trong lĩnh vực này.

 

Nguồn: giaoducthoidai.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024717163

TRUY CẬP HÔM NAY: 1658

ĐANG ONLINE: 78