Đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu


Trình độ tay nghề thấp, ngoại ngữ còn yếu, các kĩ năng mềm hạn chế đang là những lực cản khiến chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh chưa cao. Điều này, đang làm giảm năng lực cạnh tranh của thành phố khi muốn dịch chuyển hay xuất khẩu lao động trong các nước ASEAN.
 
Tay nghề, ngoại ngữ yếu
 
Ông Lê Văn Kiệm, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố cho biết, thị trường xuất khẩu lao động thành phố có nhiều hạn chế. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề còn thấp, tác phong công nghiệp, kỉ luật lao động kém kéo theo năng suất lao động cũng thấp. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 Thái Lan. Mặt khác, việc đánh giá xếp hạng cạnh tranh nhân tài toàn cầu (2015 - 2016) Việt Nam cũng chỉ đứng hạng 82 trong tổng số 109 nước, trong đó riêng chỉ số lao động tay nghề xếp hạng 95/109.
 
Người lao động Việt Nam phải có tay nghề giỏi, ngoại ngữ tốt mới đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng nước ngoài.
 
Khi dịch chuyển lao động, lao động thành phố không chỉ yếu về tay nghề mà còn hạn chế về ngoại ngữ, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh. TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho biết: “Hiện nay, ASEAN đã thỏa thuận 8 lĩnh vực nghề được tự do di chuyển trong khu vực gồm: dịch vụ kỹ thuật, y khoa, nha khoa điều dưỡng, kiến trúc, kế toán, khảo sát và du lịch. Tuy nhiên, lao động của chúng ta vẫn còn yếu ngoại ngữ, về khả năng sử dụng tiếng Anh, lao động Việt Nam có điểm trung bình 5,78 (theo thang điểm từ 0 - 9), thuộc nhóm thấp, đứng sau Malaysia (6,64), Philipines (6,53)… Trong khi đó, ở một số nước xung quanh, lao động phổ thông cũng sử dụng được tiếng Anh. Nói chung, lao động của chúng ta vẫn chưa chuẩn bị tâm thế cho việc dịch chuyển lao động tự do”.
 
Nói về nguyên nhân nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu cho xuất khẩu lao động, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố cho rằng, do nhiều năm qua, việc giáo dục nghề nghiệp vẫn tồn tại nghịch lý lớn trong cơ cấu đào tạo, số lượng đào tạo khối kinh tế quá nhiều so với khối kỹ thuật. Trong khi nhu cầu của thị trường đối với trình độ Đại học chỉ 12 - 13%, Cao đẳng và trung cấp hơn 50%, thì xu hướng muốn vào Đại học tại thành phố vẫn chiếm đến 88%, bất chấp các nỗ lực tuyên truyền của nhà nước. Các bất hợp lý này đi ngược với nhu cầu của thị trường. Vì vậy, dù có đào tạo giỏi cách mấy mà cứ đi ngược với nhu cầu thì sinh viên vẫn thất nghiệp, chất lượng lao động không cao và khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.
 
Nâng chuẩn đầu ra
 
“Việc Việt Nam hội nhập đã mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động của Việt Nam và các nước, trong đó tiêu chí tuyển dụng cao hơn đòi hỏi người lao động phải có nhiều kĩ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng báo cáo, kĩ năng xử lý thông tin. Như vậy, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kĩ năng nghề nghiệp… nhằm hình thành tri thức, bản lĩnh vững vàng khi hội nhập”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
 
Khảo sát tại các doanh nghiệp cho thấy, bình quân ở mỗi doanh nghiệp, chỉ 20% lao động đã qua đào tạo nghề được tuyển dụng, trong khi lượng lao động do doanh nghiệp tự đào tạo là 60%. Nguyên nhân là do không có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nên các cơ sở đào tạo vẫn không bám kịp nhu cầu của doanh nghiệp.
 
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố, TS Bùi Văn Hồng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố cho rằng, để có thể đào tạo được nhân lực cho nhu cầu xuất khẩu lao động của thành phố, phải gắn việc đào tạo với vị trí việc làm cụ thể ở các doanh nghiệp và của các nước nhận lao động Việt Nam. Việc này đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải nắm rõ các vị trí việc làm để đào tạo lao động trong nước cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Các cơ sở đào tạo phải xây dựng, nâng chuẩn đầu ra phù hợp với từng vị trí công việc mà người làm sẽ đảm nhận sau khi ra trường.
 
Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế thành phố, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, các đơn vị phải xác định mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết để từ đó đảm bảo xác định đúng mục tiêu đào tạo nghề phù hợp cho hội nhập, nhạy bén trong mở rộng ngành nghề mới, trong đó cần phải tập trung ngành vào các ngành công nghiệp trọng yếu. Thành phố cũng sẽ đầu tư nâng cao chất lượng, nâng cấp trường nghề trọng điểm để có thể đào tạo nhân lực có tay nghề cao, phù hợp với nhu cầu của người tuyển dụng. Thành phố sẽ chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề với các nước ASEAN.
 
Theo ông Trần Anh Tuấn, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần chú ý đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về phát triển nhân lực bằng cách hoàn thiện bộ máy quản lý nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển nhân lực như: môi trường làm việc, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở, điều kiện sinh sống… Tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu người lao động, giới thiệu lao động đến các nước có nền kinh tế ổn định, quan tâm đến lợi ích quyền lợi và đời sống của người lao động xuất khẩu. Đẩy mạnh cải cách giáo dục đào tạo bằng chương trình mang tính đột phá về việc giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh - sinh viên. Tăng cường kiểm tra giám sát việc giảng dạy ngoại ngữ tại các trường và xây dựng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. Đối với người học, cần xác định học để đi làm, trang bị cho mình một vốn kiến thức, trình độ ngoại ngữ cần thiết. Đối với người đang đi làm, chủ động tham gia các khóa học ngoại ngữ và kĩ năng để hoàn thiện, nâng cao năng lực làm việc hơn, tự tin tham gia thị trường lao động quốc tế. 
 
Hiện nay, thành phố có 435 cơ sở dạy nghề, trong đó có 19 trường cao đẳng nghề, 27 trường trung cấp nghề, 65 trung tâm dạy nghề và 324 cơ sở dạy nghề doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác tham gia dạy nghề. Theo đó, thành phố đã đào tạo được 1.847.586 sinh viên, học sinh tham gia vào thị trường lao động. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là 1 trong 7 chương trình đột phá của thành phố để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024874178

TRUY CẬP HÔM NAY: 115

ĐANG ONLINE: 18