Muốn làm chủ tịch nước thì học ngành gì?


Quen biết là một lợi thế khi đi xin việc làm, nhưng nếu không có năng lực, cá nhân sẽ bị sa thải sau một thời gian làm việc. Vấn đề này được Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 nhấn mạnh khi tư vấn cho học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (TP.HCM) ngày 7-11.

 

Ông Nguyễn Quốc Cường (nguyên cán bộ tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) trả lời câu hỏi tuyển sinh vào ngành công an, quân đội

 

Bất cứ công việc nào cũng cần đến năng lực

 

Em Hoàng Minh Công (lớp 12C1) hỏi: “Em có sở trường ở lĩnh vực kỹ thuật điện - điện tử nhưng lại rất thích ngành quản trị kinh doanh. Vậy em nên học ngành nào?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM) trả lời: “Giữa sở thích, sở trường đối với 2 ngành khác nhau thì trước tiên, các em phải tìm hiểu từng ngành được đào tạo như thế nào để tránh sự mơ hồ. Đối với ngành kỹ thuật điện - điện tử, chuyên học về nghiên cứu, áp dụng liên quan đến điện - điện tử, người theo học phải năng động, đam mê, giỏi các môn tự nhiên, kiên trì, nhẫn nại vì thường gắn bó với công việc nặng nhọc. Còn đối với ngành quản trị kinh doanh, đòi hỏi thực hiện các hành vi quản trị quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp, người theo học phải năng động, tự tin, quyết đoán, giao tiếp giỏi, chịu áp lực công việc cao. Khi đã tìm hiểu kỹ về mục tiêu đào tạo từng ngành thì phải xem xét đến năng lực bản thân ở đâu, đam mê thực sự có phù hợp với mục tiêu đào tạo ngành đó không rồi mới quyết định chọn để sau này ra trường làm việc đúng ngành nghề yêu thích, phát huy năng lực bản thân”.

 

Một vấn đề khá quen thuộc mà không ít học sinh đặt câu hỏi thường băn khoăn, đó là khi ra trường sẽ khó xin được việc làm nếu như không có người quen. Một nam sinh lớp 12 hỏi: “Em muốn học y dược, vậy sau khi ra trường, ngoài làm việc ở tiệm thuốc tây thì em có thể làm việc ở đâu. Xin việc này có dễ không khi gia đình em không có người quen biết?”. Ông Nguyễn Xuân Luyện (Phó Trưởng ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, không ít học sinh có suy nghĩ, học bất cứ ngành nghề nào, khi ra trường sẽ tìm được việc làm tốt, lương cao nếu gia đình có người quen biết. Thực tế, quen biết sẽ là lợi thế đầu vào cho người xin việc, nhưng nếu không có năng lực thì sau một thời gian làm việc, cá nhân này sẽ bị sa thải. Đối với bất kỳ đơn vị nào, đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp lớn luôn cần người làm được việc vì cái họ cần là sản phẩm lao động, doanh thu lợi nhuận. Nếu các em có năng lực, cho dù không quen biết thì cơ hội nghề nghiệp của các em là rất lớn, đặc biệt trong xu thế hội nhập, rất cần những con người năng động, nhạy bén, làm được việc.

 

Đối với ngành dược, ông Luyện phân tích, dược là môn khoa học chuyên nghiên cứu về thuốc. Cụ thể liên quan giữa thuốc và cơ thể; cách vận dụng thuốc trong điều trị bệnh. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm trong các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm, quản lý thuốc tại các công ty, giảng dạy, nghiên cứu...

 

Em muốn “ứng cử Chủ tịch nước thì học ngành nào?”

 

Một học sinh lớp 12 đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

 

Ngoài những lĩnh vực trên, nhiều học sinh còn thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực an ninh. Một nữ sinh lớp 12 hỏi: “Em muốn thi vào ngành quân đội, công an. Vậy những ngành này có những yêu cầu gì với nữ giới?”.

 

Ông Nguyễn Quốc Cường (nguyên cán bộ tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cho biết: “Đối với ngành công an, cứ đến tháng 3 hàng năm, học sinh nào có nhu cầu thi vào thì đến ban chỉ huy công an quận/huyện nộp hồ sơ; còn ngành quân đội thì đến ban chỉ huy quân sự quận/huyện. Đối với nữ giới, các ngành này có yêu cầu về sức khỏe, học lực giỏi, đạo đức tốt. So với nam giới thì điểm chuẩn đầu vào đòi hỏi cao hơn từ 2-4 điểm, đặc biệt số lượng tuyển sinh rất ít, mỗi năm khoảng 10%”. Ông Cường cho biết thêm, các trường này không đào tạo một số ngành như kế toán, CNTT, môi trường... Tuy nhiên, vì tính chất công việc thì các cơ quan công an, quân đội vẫn phải tuyển những công việc này, vì thế học sinh có niềm yêu thích làm việc ở môi trường này vẫn có cơ hội xin vào.

 

Một câu hỏi khác liên quan đến lĩnh vực chính trị xã hội cũng được Ban tư vấn chú ý, đánh giá cao. Đó là câu hỏi của em Nguyễn Lê Hoàng Phước Lộc (lớp 12A1): “Tương lai em muốn ứng cử chức danh Chủ tịch nước, vậy từ bây giờ em phải học ngành nghề gì?”. Với câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) trả lời: “Một người muốn ứng cử Chủ tịch nước thì không bắt buộc phải học đúng một ngành nghề nhất định mà có thể học nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, để có thể làm Chủ tịch nước, đòi hỏi người làm phải có kiến thức chuyên môn về chính trị, am hiểu các vấn đề kinh tế, xã hội chưa kể đến khả năng điều hành bộ máy hành chính, công quyền. Bản thân người này phải có một quá trình rèn luyện, phấn đấu, được người dân tin yêu, tín nhiệm, đánh giá cao về năng lực, phẩm chất, đạo đức”.

 

Theo ông Tuấn, câu hỏi của Phước Lộc là một câu hỏi hay vì đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng em đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề chính trị. “Ngay từ bây giờ, Phước Lộc nói riêng và những học sinh khác nói chung, cần có sự rèn luyện, phấn đấu cả về kiến thức, kỹ năng, lẫn đạo đức. Ở bất cứ công việc nào, đơn vị quản lý dù là tư nhân hay Nhà nước cũng đều cần những con người hội tụ đầy đủ giá trị tri thức, năng lực, đạo đức”, ông Tuấn nhắn nhủ.

 

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024933713

TRUY CẬP HÔM NAY: 96

ĐANG ONLINE: 17