THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC NĂM 2010. SỰ THÍCH NGHI VỀ NGHỀ NGHIỆP – VIỆC LÀM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (PHẦN 1)


    I.    Tổng quan về thị trường lao động Thành phố.


          Nguồn nhân lực thành phố Hồ Chí Minh có 4,7 triệu người. Tổng số lao động đang làm việc có 3,3 triệu người, tổng số người đến tuổi lao động hàng năm bao gồm người ở tại thành phố và người ở từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm có trên 300.000 người. Tỷ lệ lao động thất nghiệp năm 2009 của thành phố bình quân ở mức 5,4%. Thành phố có 50.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm 92%; các cơ sở kinh doanh cá thể có trên 340.000 cơ sở, trong đó các cở sở hoạt động lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 87%.


          Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 sẽ phát triển mạnh về cơ cấu ngành nghề và cơ cấu nguồn nhân lực do bước đầu vượt qua thời kỳ khó khăn về kinh tế và việc làm. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động kể cả lao động quản lý, có chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông để đào tạo gắn bố trí việc làm tại doanh nghiệp.


          Những đặc điểm cơ bản của thị trường lao động thành phố như sau:


              1.    Quá trình đô thị hóa, nhập cư và chuyển dịch lao động dẫn đến tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế; ngành kinh tế, tạo mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.


              2.    Sự gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động vẫn chưa đồng nhất. Đối với người sử dụng lao động (doanh nghiệp) yếu tố cơ bản về vấn đề tuyển chọn, sử dụng lao động là năng lực chuyên môn và năng suất lao động. Đối với người lao động yếu tố cơ bản về vấn đề việc làm là tiền lương, địa điểm cư trú và địa điểm việc làm, chính sách sử dụng lao động tạo động lực ổn định.


              3.    Nhân lực luôn được đào tạo, đào tạo bổ sung, đào tạo lại để thay thế các vị trí không còn phù hợp hoặc chỗ làm việc mới yêu cầu trình độ, chất lượng lao động, ngành nghề chuyên môn với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Vì vậy yêu cầu người lao động phải tự học tập trang bị, nâng cao trình độ nghề và các kỹ năng nghề.


              4.    Sự thay đổi tích cực về nhận thức và biện pháp đào tạo gắn liền với sử dụng lao động và cân đối theo trình độ chuyên môn, cân đối ngành nghề để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


              5.    Mức độ dịch chuyển lao động, thay đổi chỗ làm việc của thành phố vẫn ở mức độ cao từ 25% đến 30% tổng nguồn nhân lực đang làm việc. Hình thức việc làm bán thời gian phát triển nhanh, đa dạng ngành nghề.


               6.    Hạn chế về công tác quản lý nguồn nhân lực và thành phố vẫn chưa tổ chức được hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động một cách đầy đủ và chuẩn xác. Chính từ việc chưa thực hiện được tốt công tác cụ thể về số lượng ngành nghề, trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động và chưa thực hiện được việc thốn

g kê, phân tích nhu cầu nhân lực của nhà tuyển dụng nên đào tạo chưa định hướng và chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động; người lao động tìm việc làm thiếu thông tin về việc làm, người sử dụng lao động thiếu thông tin về cung - cầu lao động ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất – kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực thành phố.


   II.     Dự kiến nhu cầu nhân lực và ngành nghề năm 2010


          Theo tình hình thực hiện giải quyết việc làm của thành phố năm 2009 và khảo sát 22.000 doanh nghiệp về thực trạng sử dụng lao động. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh trong quý 3 năm 2009 về thông tin nhu cầu nhân lực của trên 10.000 lượt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.


           Dự kiến năm 2010, thành phố có nhu cầu nhân lực 280.000 chỗ làm việc. Xu hướng phát triển về cơ cấu 16 nhóm ngành nghề của thị trường lao động như sau:

 

STT Ngành nghề Tỷ trọng (%)
 1 Công nghệ Thông tin – Viễn thông  7,75
 2  Điện – Điện tử - Điện công nghiệp – Điện lạnh  6,82
 3  Hóa – Hóa thực phẩm – Hóa chất – Hóa dầu  3,15
 4  Cơ khí – Xây dựng – Giao thông vận tải – Hàng hải  7,36
 5  Sản xuất đồ gỗ,trang trí nội thất  2,07
 6  Kiến trúc – Thiết kế - Giấy bao bì – Xuất bản  6,42
 7  Giáo dục – Đào tạo  3,08
 8  Tài chính – Ngân hàng – Kiểm toán – Bảo hiểm  6,83
 9  Y khoa – Y tế - Mỹ phẩm – Dược  4,56
 10  Du lịch – Môi trường – Nhà hàng – Khách sạn  6,45
 11  Marketing – Dịch vụ tư vấn  6,16
 12  Quản lý – Quản trị - Hành chánh - Văn phòng  7,60
 13  Phục vụ và bán hàng  5,18
 14  Nông – Lâm – Ngư – Thủy sản  1,55
 15  May dệt – giày da – Thủ công mỹ nghệ  18,79
 16  Các ngành nghề khác  6,23
   Tổng cộng  100,00


     Nhu cầu nhân lực về cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật năm 2010   

 

Trình độ chuyên môn Tỷ lệ (%)
Tổng số nhu cầu nhân lực  100,00
   -    Trên Đại học  1,06
   -    Đại học  7,48
   -    Cao đẳng chuyên nghiệp, Cao đẳng nghề  5,35
   -    Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề  10,27
   -    Công nhân kỹ thuật lành nghề 30,67
   -    Sơ cấp nghề 17,55
   -    Lao động chưa qua đào tạo 27,62

                                                                                       Tháng 11 năm 2009

 

                                                                                           TRẦN ANH TUẤN
                                                                     

                                                                   Phó Giám đốc - Trung tâm Dự báo báo nhu cầu nhân lực
                                                                                 và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024932999

TRUY CẬP HÔM NAY: 5786

ĐANG ONLINE: 26