Lợi thế khi biết nhiều ngoại ngữ


Tự khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT có phải là hướng đi tối ưu? Tiếng Anh quan trọng như thế nào đối với ngành du lịch? Đây là hai vấn đề mà các em học sinh Trường THPT Sương Nguyệt Anh (TP.HCM) quan tâm tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. 

 

Các em học sinh trao đổi, thống nhất câu hỏi trước khi trình bày với Ban tư vấn

 

Tiếng Anh không phải là ngoại ngữ duy nhất trong ngành du lịch

 

Em Đinh Vũ Hải (lớp 12A8) băn khoăn: “Em rất muốn làm trong ngành du lịch nhưng nghe nói ngành này phải học ĐH thì mới có cơ hội phát triển năng lực bản thân, trong khi em lại muốn học một trường CĐ để nhanh ra trường và sớm có việc làm. Ngoài ra, em cũng nghe nói ngoại ngữ là yếu tố quan trọng trong ngành du lịch. Vậy, em nên học ngoại ngữ nào để có cơ hội phát triển trong ngành này?”. Giải đáp băn khoăn này, ThS. Trương Tiến Hùng (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định: “Không nhất thiết phải học ĐH mới làm được việc trong ngành du lịch. Nhiều người nhầm tưởng ngành du lịch là dẫn khách đi theo các tour với vai trò là hướng dẫn viên. Trên thực tế, có rất nhiều vị trí có thể đảm nhận trong ngành du lịch như: chăm sóc khách hàng, thông tin du lịch, xây dựng chương trình du lịch, bán hàng lưu niệm, chăm sóc sức khỏe, tổ chức vui chơi giải trí, giáo dục môi trường du lịch, bảo trì, nghiên cứu về du lịch, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo du lịch...”. Ông Hùng cho biết, mỗi lĩnh vực trong ngành đều có những chuyên môn khác nhau, đòi hỏi trình độ chuyên môn đào tạo riêng. Có việc đòi hỏi trình độ ở bậc ĐH, sau ĐH nhưng cũng có việc chỉ cần ở trình độ trung cấp hoặc sơ cấp. “Thực tế trong ngành du lịch hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp đã qua đào tạo nghề ngày càng nhiều; những em học trung cấp, CĐ lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp ĐH. Vì vậy, các em cứ yên tâm với lựa chọn của mình”, ông Hùng cho hay.

 

“Không ai có thể khởi nghiệp thành công khi mà trong đầu còn chưa định hình, chưa hiểu biết về thị trường, lĩnh vực mình muốn theo đuổi”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nói.

Đề cập đến vấn đề ngoại ngữ, ông Hùng cho rằng trong thời điểm hiện nay, ngoại ngữ là yếu tố quyết định đến hướng đi và sự thành công của nhiều người, nhất là trong ngành du lịch. “Nếu làm trong ngành du lịch thì ngoại ngữ chính là chìa khóa để phát triển và mở rộng cơ hội của bản thân. Hiện nay, Việt Nam là một trong những điểm đến được khách du lịch từ nhiều quốc gia lựa chọn nên ngoài ngôn ngữ quốc tế là tiếng Anh, hướng dẫn viên biết các ngôn ngữ khác đang được các công ty du lịch săn lùng vì nhiều đoàn khách chỉ muốn tìm người hướng dẫn biết nói ngôn ngữ của đất nước họ. Rất nhiều hướng dẫn viên biết các thứ tiếng Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản…, ngoài việc làm chính thức cho một công ty du lịch thì họ còn nhận được lời mời cộng tác của nhiều công ty khác khi công ty có nhu cầu với mức thù lao rất cao. Vì vậy, ngoài tiếng Anh, các em nên mạnh dạn chọn thêm một ngoại ngữ khác để mở rộng cơ hội trong ngành này”, ông Hùng phân tích.

 

Muốn khởi nghiệp cũng cần phải học

 

Bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề, các học sinh của Trường THPT Sương Nguyệt Anh còn quan tâm đến một hướng đi mới được nhiều bạn trẻ lựa chọn hiện nay là khởi nghiệp. Em Hoàng Quốc Huy (lớp 12A3) bày tỏ: “Em được biết hiện có rất nhiều anh chị ra trường và thất nghiệp. Em không muốn đi theo lối này mà muốn khởi nghiệp để tạo dựng một cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm của riêng mình. Vậy em có cần phải học ĐH không, và nếu có thì nên học ngành gì?”. Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết khởi nghiệp đang là một trong 4 xu hướng việc làm hiện nay và trong thời gian sắp tới sẽ là một xu hướng được rất nhiều người quan tâm. Hiện Nhà nước và nhiều tổ chức đã có những chính sách khuyến khích dành cho người khởi nghiệp có dự án tiềm năng phát triển như cho vay vốn, tìm doanh nghiệp bảo trợ… “Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải con đường dễ dàng mà cần phải có kiến thức, có hiểu biết về lĩnh vực mình đã chọn. Không ai có thể khởi nghiệp thành công khi mà trong đầu còn chưa định hình, chưa hiểu biết về thị trường, lĩnh vực mình muốn theo đuổi. Từ nền tảng kiến thức và sự tìm tòi trong quá trình học, em sẽ tìm ra được lĩnh vực khởi nghiệp phù hợp với nhu cầu cần thiết của xã hội, đồng thời lường trước được những khó khăn, thách thức và cách giải quyết các vấn đề đó”, ông Tuấn nói.

 

Đồng quan điểm trên, ThS. Tạ Thị Thúy (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) định hướng: Các em nên chọn học một chuyên ngành về lĩnh vực khởi nghiệp mà mình quan tâm như CNTT, thực phẩm, nông nghiệp…, rồi sau đó học thêm một khóa học ngắn hạn về kinh tế, quản trị kinh doanh ở những địa chỉ đào tạo có uy tín để nâng cao nhận thức về sản xuất và phân phối sản phẩm. Trong quá trình học, các em nên chủ động tìm hiểu về thị trường hoặc có thể đi làm 1-2 năm ở một tổ chức, doanh nghiệp để hiểu sâu về lĩnh vực mà mình muốn khởi nghiệp.

 

Bài, ảnh: Linh Vy

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024907796

TRUY CẬP HÔM NAY: 1680

ĐANG ONLINE: 117