Sẽ “bùng nổ” nhu cầu nhân lực môi trường


Phơi mặt ngoài nắng để chờ đàn cá heo chỉ còn 100 con trên toàn thế giới, lên tận những vùng rẻo cao để lấy mẫu thí nghiệm hay “theo dõi” hoạt động của các nhà máy sản xuất để phát hiện có sử dụng ống xả phụ hay không.

 

Đó là một vài phác họa về những công việc trong lĩnh vực môi trường, một ngành được dự báo có nhiều khả năng “hot” trong thời gian tới.

 

"Khi theo dự án bảo vệ quần thể cuối cùng của cá heo Irrawaddy của sông Mekong, tôi cùng đồng nghiệp đến một thị trấn bé xíu và rất nghèo ở Campuchia rồi đi thuyền ra sông, tắt máy ngồi chờ im lìm giữa trưa nắng. Một lúc sau thì có một đàn cá heo bơi qua. Thật may mắn vì không phải ai cũng được “mục sở thị” loài cá chỉ còn khoảng 100 con trên toàn thế giới này".

 

Chị Hoàng Minh Hồng, Trưởng phòng Truyền thông của Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tiểu vùng sông Mekong kể về một kỷ niệm khó quên của những ngày đầu hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

 

Những năm qua, chị liên tục tham gia các dự án, đi tới các vùng thiên nhiên hoang dã. Khi "chui rúc” vào rừng, lúc “phục kích” ngoài đảo chờ rùa đẻ.

 

Đối với những kỹ sư môi trường được học sâu về công nghệ thiết bị cũng như các quá trình cơ bản trong công nghiệp, từ xác định nguyên liệu đầu vào, cân bằng vật chất thì có thể dự đoán các loại chất thải phát sinh và tìm cơ hội thực hiện sản xuất sạch hơn và giảm thiểu ô nhiễm.

 

Nhờ học rất chi tiết nên dựa trên tính toán, kỹ sư môi trường có thể biết được 1 công ty hay xí nghiệp có gian lận hay xả ống phụ không.

 

Đỗ Đức Tuệ, một kỹ sư môi trường, tại Phòng Quản lý Dự án Khai thác, Công ty TECOS (Hà Nội) “phác thảo” về công việc của mình: “Khi làm dự án cam kết môi trường hoặc đánh giá môi trường chiến lược, nhóm khảo sát phải làm việc với chính quyền địa phương tại nơi có công trình, dự án triển khai. Đồng thời, phải phỏng vấn cộng đồng dân cư chịu tác động của dự án, thu thập số liệu, lấy mẫu xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn”.

 

Bên cạnh đó, ngành môi trường còn có thể gắn với một số công việc đặc thù như thiết kế, vận hành hệ thống cấp thoát nước, du lịch sinh thái...

 

Điểm hấp dẫn nhưng cũng có thể là hạn chế lớn khi làm việc trong ngành này là đi nhiều  nơi, thâm nhập thực tế cuộc sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh

 

Vì vậy, để “dấn thân” vào ngành môi trường, ngoài kiến thức vững về các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là hoá học, sinh học, lòng yêu thích, khám phá thiên nhiên sẽ "gia vị" cho nghề nghiệp khá nhiều.

 

Thêm ngành, thêm người

 

Năm học 2004 – 2005, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) mở thêm ngành Công nghệ môi trường. Năm học 2005-2006, trường ĐH Bách khoa Hà Nội mở thêm ngành Quản lý môi trường. Năm 2007-2008, Trường ĐH Thủy lợi mở thêm ngành Kỹ thuật môi trường.

 

Năm 2009, một số trường ĐH đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này.

 

PGS.TS Trần Đức Hạ (Phó Viện trưởng, Trưởng bộ môn Cấp thoát nước, Viện Khoa học và công nghệ môi trường, ĐH Xây dựng) cho biết:  “chúng tôi dự định tăng số lượng tuyển sinh từ 250 người lên 300 người, trong đó ngành cấp thoát nước là 150 người, hệ thống kỹ thuật bên trong công trình là 50 người, Công nghệ và quản lý môi trường tăng gấp đôi, lên 100 người”.

 

Khoa Môi trường của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) tăng chỉ tiêu từ 130 (năm 2008) lên 170 cho cả 2 ngành là khoa học môi trường và kỹ thuật môi trường.

 

Sẽ “bùng nổ” nhu cầu nhân lực?

 

Bà Hoàng Thu Phong, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội dự báo môi trường sẽ là một trong những lĩnh vực “hot” những năm tới.

 

PGS-TS Lưu Đức Hải, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Tỉ lệ người hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng vài chục người trên một triệu dân. Trong khi đó các nước phát triển như Hàn Quốc, tỉ lệ này lên tới 2000 người/triệu dân. Kinh tế phát triển mạnh sẽ kéo theo nhu cầu về xử lý môi trường tăng".

 

Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu nên vấn đề môi trường càng trở nên cấp bách.

 

Chị Phương Anh, phụ trách nhân sự WWF, khẳng định: “Hiện nay chúng ta chưa chú trọng đúng mức về môi trường chứ đến khi “bung ra” thì nhân lực sẽ thiếu hụt nhiều".

 

Giám đốc các dự án môi trường hiện thường là người nước ngoài, hy vọng sẽ có nhiều "sếp" người Việt trong tương lai, chị Hồng bày tỏ.

 

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho biết, người hoạt động trong lĩnh vực môi trường có khu vực tiềm năng lớn là làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Theo yêu cầu của Chính phủ, hiện nay tất cả các nhà máy, khu công nghiệp phải có bộ phận phụ trách môi trường nhằm đánh giá và ngăn chặn các tác động tiêu cực tới môi trường. Đặc biệt khi tham gia thị trường thế giới thì yêu cầu về môi trường từ phía đối tác đặt ra rất chặt chẽ.

 

Lương có cao?

 

"Cầm bằng khá thì dễ xin việc. Có người quen trong ngành hay thầy cô giáo giới thiệu thì càng thuận lợi. Nhưng cũng phải xác định, mức lương của ngành này không cao, ít nhất là trong 2 năm đầu” - Tuệ chia sẻ.

 

Ông Vũ Quang Huy, GĐ Xí nghiệp Tư vấn Thiết kế Cơ điện lạnh (CDS CSJ) cho biết, mỗi năm công ty, cần tuyển khoảng 10 kỹ sư nhưng thường thì số người tuyển thường ít hơn so với chỉ tiêu. Chính vì lượng người không đáp ứng đủ nên yêu cầu tuyển dụng thực sự cũng không quá khắt khe.

 

Trường hợp SV có chuyên môn giỏi và ngoại ngữ tốt thì có thể xin làm ở các tổ chức phi chính phủ hoặc công ty nước ngoài với mức lương “ngàn đô”.

 

"Chuyên môn tốt, có kỹ năng, rành ngoại ngữ và tin học" sẽ là những "ưu thế cạnh tranh khi ngành học này bung ra nhiều,  thầy Nguyễn Thành Chung (giảng viên Viện Khoa học công nghệ và môi trường, ĐH Xây dựng) lưu ý.
 

Lan Hương - Nguyễn Yến

(Nguồn: VietNamNet, ngày 22-3-2009)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024932940

TRUY CẬP HÔM NAY: 5721

ĐANG ONLINE: 32