Nhu cầu nhân lực cho ngành kinh tế, tài chính rất cao


Ông Bùi Quang Vinh - Giám đốc khối quản trị nguồn nhân lực NH Thương mại cổ phần kỹ thương VN (Techcombank) - dự báo, trong ít nhất 5 năm nữa yêu cầu nhân lực cho ngành tài chính - ngân hàng vẫn còn cao.

Tài chính - ngân hàng là ngành được chọn đầu tiên để tổ chức hội thảo đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các trường ĐH, CĐ mới được thành lập trong năm vừa qua, đa số đều thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính...

Những điều này nói lên độ "nóng" của khối ngành kinh tế, tài chính trong thời gian tới. Và từ đó cũng thấy được độ nóng của những ngành học này trong kỳ tuyển sinh tới.

Đào tạo đại học: "Chiều" mọi đối tượng thí sinh

Điểm trúng tuyển năm 2007 của những trường đào tạo các ngành kinh tế, tài chính hàng đầu đều ở mức trên 7 điểm/môn mới đỗ.

Đặc biệt có ngành học của ĐH Ngoại thương, TS phải đạt trung bình 9 điểm/môn. Như Học viện Ngân hàng 22 điểm; Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia HN khối A: 24,5 điểm, khối D: 24 điểm; Học viện Tài chính: 21,5 điểm, khối D: 27 điểm; Trường ĐH Ngoại thương, khối A: 26,5 điểm, khối D: 23,5 điểm; Trường ĐH Thương mại: 21,5 điểm.

Các trường khu vực phía nam, điểm trúng tuyển cũng không kém cạnh như: Trường ĐH Kinh tế TPHCM: 21,5 điểm; Trường ĐH Ngân hàng TPHCM: 22,5 điểm.

Đáng lưu ý là năm 2007, điểm trúng tuyển của một số trường tăng khá nhiều so với năm trước đó. Trường ĐH Kinh tế quốc dân nếu như năm 2006 điểm trúng tuyển là 21,5 điểm (trừ 2 ngành kế toán - kiểm toán và ngân hàng - tài chính) thì năm 2007, điểm trúng tuyển ngành thấp nhất đã là 24 điểm.

Nếu như năm 2006, điểm trúng tuyển của Trường ĐH Kinh tế TPHCM chỉ là 17,5 điểm chung cho tất cả các ngành thì năm 2007, điểm trúng tuyển đã tăng 4 điểm, lên mức 21,5 điểm.

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), điểm trúng tuyển năm 2006 là 17 điểm, thì năm 2007 đã tăng thành 20 điểm, một số ngành như tài chính, ngân hàng có mức từ 22-22,5 điểm.

Tuy nhiên, tại các trường ĐH vùng, ĐH dân lập, tư thục và các ĐH mới mở như ĐH dân lập Phương Đông, ĐH tư thục Thăng Long, ĐH tư thục Chu Văn An, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH dân lập Phú Xuân... thì mức điểm trúng tuyển của các ngành thuộc khối kinh tế chỉ ở mức bằng điểm sàn xét tuyển của bộ.

Ngoài ra, điểm chung tuyển ở mức trung bình có các trường như: Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TPHCM) là 19 điểm, ĐH Kinh tế (ĐH Huế) 20,5 điểm, ĐH Hà Nội: 20 điểm, ĐH bán công marketing khối A: 15 điểm, khối D: 13 điểm, ĐH Công nghiệp TPHCM: 21 điểm, ĐH mở TPHCM: 16 điểm...

Cao đẳng, trung cấp: Đông không kém đại học

Năm 2007, Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp HN có 800 chỉ tiêu, số TS đăng ký dự thi (ĐKDT) là hơn 10.000, số đến thi là gần 7.000. Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên có 3.010 hồ sơ đăng ký dự thi trên tổng số 600 chỉ tiêu...

Có tỉ lệ "chọi" dẫn đầu các trường CĐ khối kinh tế, tài chính là Trường CĐ Kinh tế đối ngoại: 1.200 chỉ tiêu, gần 33.000 hồ sơ ĐKDT và đã có tới 25.140 TS đến thi.
 
Trường có 2 ngành đông TS nhất là kinh doanh xuất nhập khẩu và tài chính ngân hàng. Tuy ngành tài chính ngân hàng mới mở năm 2007, nhưng số lượng TS ĐKDT vào ngành này chiếm tới 30% trong tổng số 6 chuyên ngành của trường. Trường CĐ Kinh tế TPHCM có 1.300 chỉ tiêu thì cũng có tới hơn 12.000 bộ hồ sơ ĐKDT, 9.506 TS đã đến thi.

Với sự "nóng" lên của ngành tài chính - ngân hàng, nhiều trường đã nhanh nhạy đưa ngành học này vào chương trình đào tạo từ năm nay như trường CĐ Bách Việt, CĐ Nguyễn Tất Thành...

Tính đến tháng 7.2007, cả nước có 33 trường có đào tạo ngành tài chính - ngân hàng trình độ ĐH, 16 trường CĐ, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp đào tạo tài chính - ngân hàng.

Quy mô đào tạo trình độ ĐH và CĐ ngành tài chính - ngân hàng mấy năm nay tăng nhanh, trung bình mỗi năm có trên 46.000 SV ĐH chính quy và trên 30.000 SV vừa học, vừa làm tốt nghiệp ra trường; trên 17.000 SV CĐ hệ chính quy và trên 31.000 SV vừa học, vừa làm. Mỗi năm, số học sinh trung cấp chuyên nghiệp ngành tài chính - ngân hàng ra trường từ 2.700 - 3.000 người.

Ngân Lam
Nguồn laodong.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024929607

TRUY CẬP HÔM NAY: 2350

ĐANG ONLINE: 16