Thiếu dự báo nhu cầu nhân lực


Đọc ý kiến “Long đong tấm bằng sư phạm” (Tuổi Trẻ ngày 30-8-2008) nghe cô Nguyễn Thị Hằng kể về những gì cô chờ đợi khi học ngành sư phạm và những gì cuộc sống đã trao cho cô trong hai năm thất nghiệp vừa qua, tôi thấy lòng mình nặng trĩu.

 

Thực tế cho thấy trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay khó có thể đáp ứng nguyện vọng có việc làm của mọi người, ngay cả những người được đào tạo và có bằng cấp cao.

 

Nhìn lại hồ sơ tuyển sinh sau đại học những năm gần đây, chúng tôi thấy rõ đã có một số lượng lớn những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, tham gia thi tuyển và theo học sau đại học với lý do chưa kiếm được việc làm. Điều đáng chú ý là những sinh viên này đều tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi.

 

Để xác định được số sinh viên ra trường chưa có việc làm phải có những điều tra cơ bản, những số liệu về tuyển dụng mới trong các cơ quan, doanh nghiệp. Nhưng vấn đề đặt ra là vì sao còn nhiều sinh viên không có việc làm? Có nhiều lý do, nhưng theo tôi có một lý do là chúng ta thiếu tính dự báo nhu cầu nhân lực trong các ngành.

 

Đơn cử, với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề chỉ căn cứ vào cơ cấu tuổi từ các cuộc điều tra dân số, thực trạng giáo viên, thực trạng học sinh và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội là có thể dự báo tương đối chính xác nhu cầu giáo viên cho từng huyện, tỉnh, vùng và quốc gia. Trên cơ sở dự báo này, các trường đại học mới chủ động tuyển sinh - đó chính là hình thức đào tạo theo nhu cầu xã hội mà ngành giáo dục và đào tạo hướng tới.

 

Việc xây dựng các trung tâm dự báo nhu cầu đào tạo là một việc làm cần thiết đối với ngành giáo dục, không thể chần chừ nữa!

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024928515

TRUY CẬP HÔM NAY: 1258

ĐANG ONLINE: 49