TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ NHU CẦU NHÂN LỰC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


Để đảm bảo hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cần nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm giải pháp quan trọng là phải thực hiện có hiệu quả công tác dự báo nhu cầu nhân lực và hệ thồng thông tin thị trường lao động  phục vụ hiệu quả nâng cao năng lực hoạch định các chính sách thị trường lao động, nâng cao năng lực cung ứng nhân lực và đào tạo theo nhu cầu của xã hội.

          Điểm tối ưu của thị trường lao động là sự gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động. Để đạt được sự gắn kết, cần thiết tổ chức hệ thống phục vụ hữu hiệu thị trường lao động như: giáo dục dạy nghề, thông tin thị trường lao động, dịch vụ kết nối cung – cầu lao động (giới thiệu việc làm, cung ứng lao động), tư vấn lao động – việc làm…

          Trong các hệ thống gắn kết thị trường lao động, hệ thống dạy nghề và thị trường lao động có tác động tương hỗ lẫn nhau, yêu cầu sản phẩm của hệ thống giáo dục – dạy nghề phải thích nghi kịp với phát triển thị trường lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế về chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chuyên môn, kỹ thuật.

Thành phố Hồ Chí Minh với dân số trên 07 triệu người, nguồn nhân lực có 04 triệu người. Tổng số người đến tuổi lao động hàng năm bao gồm người ở tại thành phố và người ở từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm có trên 300.000 người. Tỷ lệ lao động thất nghiệp của thành phố bình quân ở mức 6%. Tổng quan về thị trường lao động thành phố hiện nay và những năm tới có sự chuyển động mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt vượt qua thời kỳ khó khăn về kinh tế và việc làm. Việc chuyển dịch của thị trường lao động dẫn đến nhiều người phải chuyển sang công việc khác hoặc tái thất nghiệp, tạo ra nhiều doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu và thừa nhân lực, việc đào tạo nghề để cung ứng nhân lực tiếp tục còn nhiều hạn chế do chưa đủ thông tin thị trường lao động nên các trường dạy nghề chưa dự báo và hoạch định chiến lược đào tạo gắn kết việc làm và các tổ chức giới thiệu việc làm không cập nhật kịp thời thông tin thị trường lao động để hoạt động có hiệu quả cao.

Xu hướng phát triển thị trường lao động vẫn có đặc điểm cơ bản là:

          - Lao động vừa thiếu vừa thừa: Thiếu những ứng viên thích hợp cho những vị trí quan trọng dù nguồn nhân lực có nhu cầu tìm việc làm lúc nào cũng thừa, còn nhiều người phải thất nghiệp luôn tìm kiếm việc làm hoặc mất việc làm do ngành nghề thu hẹp, doanh nghiệp giải thể, chuyển sang hoạt động sản xuất – kinh doanh khác.

          - Lực lượng lao động khu vực phi chính thức, tự tạo việc làm vẫn chiếm số lượng lớn, cần thiết nhu cầu nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và xã hội.

          - Giá cả nhân công trên thị trường lao động nhìn chung vẫn còn thấp, lực lượng lao động vẫn trong tình trạng dư thừa, yêu cầu cao các giải pháp chuẩn bị cho sự chuyển tiếp như đào tạo trình độ kỹ thuật cao phù hợp công nghệ mới.

          - Các doanh nghiệp tăng cường sử dụng lao động không thường xuyên: nhân lực sẽ luôn được đào tạo và tuyển mới để thay thế các vị trí không còn phù hợp; yêu cầu chính là nguồn nhân lực năng động và đã qua đào tạo.

          - Đối với người lao động sự cạnh tranh chỗ làm việc gay gắt hơn, công bằng hơn và trong môi trường mở rộng toàn xã hội. Yêu cầu người lao động phải tự đào tạo nghề và các kỹ năng nghề để thích nghi công việc.

          - Vấn đề cần quan tâm nhất của người lao động đặc biệt lực lượng sinh viên, học sinh là năng lực về ngoại ngữ, khả năng hợp tác, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hoá và tác phong làm việc công nghiệp.

Chương trình việc làm thành phố Hồ Chí Minh đã xác định giai đoạn 2009 - 2010 mỗi năm tại thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu 270.000 – 280.000 chỗ làm việc, xu hướng phát triển về cơ cấu ngành nghề việc làm của thị trường lao động như sau :

 

 

Ngành nghề

Tỷ trọng(%)

Công nghệ Thông tin - Viễn thông

9,24

Điện - điện tử - điện công nghiệp - điện lạnh

8,27

Hóa - Hóa thực phầm - Hóa chất - Hóa dầu

3,71

Cơ khí - Xây dựng - Giao thông vận tải - Hàng hải

7,17

Kiến trúc - Thiết kế - In ấn - Bao bì - Xuất bản

8,05

Tài chính - Ngân hàng - Giáo dục đào tạo

9,72

Y khoa - Y tế - Mỹ phẩm

2,45

Quản lý - Quản trị - Hành chánh - Vật tư

7,60

Du lịch - Môi trường - Nhà hàng KS

9,23

Marketing - Dịch vụ - Pháp lý - Phục vụ

8,45

Nông lâm - Ngư nghiệp

0,50

May dệt - Thủ công mỹ nghệ - Bảo vệ - LĐPT

21,86

Các ngành nghề khác

3,75

Tổng cộng

100,00

 

Tuy nhiên, hiện nay tại thành phố vẫn chưa tổ chức được hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động một cách đầy đủ và chuẩn xác. Chính từ việc chưa thực hiện được tốt công tác dự báo cụ thể về số lượng ngành nghề, trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động và chưa thực hiện được việc thống kê, phân tích nhu cầu nhân lực của nhà tuyển dụng nên đào tạo chưa định hướng và chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động; người lao động tìm việc làm thiếu thông tin về việc làm, người sử dụng lao động thiếu thông tin về cung – cầu lao động ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất – kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực thành phố.

Vào tháng 4 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động trực thuộc Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội thành phố với mục đích tổ chức công tác chuyên trách với chức năng thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, cung cấp thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực theo ngành nghề và trình độ, phục vụ quá trình họach định chính sách, quản lý nhà nước về lao động – việc làm, đồng thời tổ chức nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực dự báo và thông tin thị trường lao động.

Ủy ban nhân dân TP và Sở Lao Động – Thương  binh xã hội TP đã chỉ đạo những vấn đề cụ thể cho Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động trong năm 2009 – 2010 và những năm tới cần tập trung thực hiện những công tác trọng tâm như sau:

- Tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo biến động của các yếu tố thị trường lao động (cung lao động về số lượng và chất lượng, cầu lao động về trình độ và ngành nghề đào tạo, tiền lương, tiền công, giao dịch thị trường lao động) giúp định hướng công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của thị trường theo trình độ và ngành nghề đào tạo phục vụ cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo ngành, lĩnh vực kinh tế

- Tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu của thành phố về lao động– việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động phục vụ công tác quản lý nhà nước và các nhu cầu tổ chức nguồn nhân lực.

            Cùng với yêu cầu tổ chức có hiệu quả và công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, vấn đề bức xúc của thị trường lao động hiện nay là nhu cầu về kỹ năng nghề của người lao động và các chính sách thúc đẩy về tiền lương, giá nhân công là điều kiện cơ bản để thị trường lao động có thể phát triển ổn định và bền vững.

                                                                           

                                                                           Ngày 12 tháng 8 năm 2009

 

TRẦN ANH TUẤN – Phó Giám Đốc

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

Và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878721

TRUY CẬP HÔM NAY: 959

ĐANG ONLINE: 7