Giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập


(Chinhphu.vn) – Giới chuyên gia cho rằng, công tác giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM hiện còn nhiều bất cập, dẫn đến những hệ lụy cho thị trường lao động như: chưa định hình rõ mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nguồn lao động có kỹ năng còn ít, cơ cấu lao động bất hợp lý trái với quy luật thị trường.

 

Ảnh VGP/Phan Hoàng

 

Sáng 9/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cùng hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học thuộc các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố đã cùng dự Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2010, thực trạng và giải pháp”.

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng, bối cảnh phát triển phát triển của TPHCM hiện nay đang đặt ra yêu cầu phải có giải pháp giải để nâng cao chất lượng giáo dục dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, cùng sự chuyển dịch lao động trong khối ASEAN.

 

Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X cũng xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 07 Chương trình đột phá của Thành phố trong giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu là đến năm 2020, TPHCM có 85% lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp. Trong đó tập trung chủ yếu phục vụ các ngành, lĩnh vực thế mạnh nhằm tạo bước đột phá trong phát triển KTXH TPHCM.

 

Để góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo UBND TPHCM mong muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết của giới chuyên gia, các nhà khoa học nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục dạy nghề của Thành phố. Trong đó, cần tập trung giải quyết các vấn đề về thay đổi nhận thức trong dạy và học nghề, đẩy nhanh quy hoạch phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề…

 

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, nêu rõ những bất cập trong giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM hiện nay dẫn đến những hệ lụy cho thị trường lao động như: chưa định hình rõ mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nguồn lao động có kỹ năng còn ít, cơ cấu lao động bất hợp lý trái với quy luật của thị trường lao động, lao động trực tiếp ít hơn lao động gián tiếp…

 

Có ý kiến cho rằng, hiện nay, không chỉ riêng ở TPHCM mà trên phạm vi cả nước vẫn đang có sự lệch pha giữa việc đào tạo nghề và nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân khiến số cử nhân sau khi ra trường thất nghiệp ngày càng tăng cao.

 

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, có ý kiến cho rằng một phần xuất phát từ định hướng nghề nghiệp của bản thân các bạn trẻ và gia đình, nhưng, chủ yếu vẫn là do chương trình đào tạo trong các trường học, trường dạy nghề chưa sát với nhu cầu thực tế, còn quá chú trọng về lý thuyết so với thực hành…

 

Để giải quyết những vấn đề tồn tại, nâng cao chất lượng giáo dục dạy nghề, giới chuyên gia đề xuất TPHCM cần sớm phát động cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trong đó, cần đẩy nhanh quy hoạch phát triển dạy nghề, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở dạy nghề theo hướng giải thể, hoặc sát nhập những đươn vị hoạt động không hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư và có cơ chế tự chủ tài chính tự chủ linh hoạt để nâng cấp toàn diện các cơ sở đạy nghề trọng điểm; có thêm chính sách hỗ trợ, thu hút và phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng cao; phổ biến hơn nữa hình thức đào tạo “kép”: vừa học lý thuyết vừa làm tại doanh nghiệp…

 

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, tại Thành phố hiện có 435 cơ sở dạy nghề. Trong đó có 19 trường cao đẳng nghề, 27 trường trung cấp nghề, 65 trung tâm dạy nghề, 324 cơ sở dạy nghề doanh nghiệp,… Trong giai đoạn 2011-2015, Thành phố đã đào tạo được 1.733.682 lượt học viên sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng.

 

Phan Hoàng

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024932328

TRUY CẬP HÔM NAY: 5103

ĐANG ONLINE: 31