Nhà trường và doanh nghiệp “bắt tay” hợp tác đào tạo nhân lực


(HQ Online)- Nhằm hạn chế tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" của các doanh nghiệp tuyển dụng, trong khi nhiều cử nhân ra trường đang có tỷ lệ thất nghiệp cao (cả nước hiện có trên 190.000 lao động có bằng cử nhân và trên cử nhân thất nghiệp trên tổng số hơn 1 triệu người), nhà trường và doanh nghiệp đang tăng cường hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu.

 

Nha truong va doanh nghiep “bat tay” hop tac dao tao nhan luc - Anh 1

Sinh viên ngoài học lý thuyết cần được học thực hành ngay trong quá trình học. Ảnh: T.D.
 
Thừa thầy, thiếu thợ
 
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hàng năm tại thành phố có trên 80.000 sinh viên có trình độ Đại học và 50.000 sinh viên có trình độ Cao đẳng tốt nghiệp, kể cả số học viên Trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn có khoảng 180.000 người có nghề có nhu cầu việc làm, trong đó các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, khảo sát thực tế nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp qua các năm cho thấy nhu cầu nhân lực trung cấp và cao đẳng luôn chiếm tỉ trọng cao. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.
 
Trong khi, phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành và còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn, đa phần doanh nghiệp phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung. Điển hình như ngành Điện tử - Công nghệ thông tin của TP.HCM đang phát triển theo hướng chú trọng công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng cao, nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao.
 
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, hàng năm nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp trong Công viên phần mềm Quang Trung khá cao khoảng 15%, trong khi nguồn cung ứng chỉ khoảng 7,1%. Các nhân lực làm phần mềm của Việt Nam hiện còn yếu về ngoại ngữ, kỹ năng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. Nguồn nhân lực từ các trường ĐH-CĐ cung cấp cho Công viên phần mềm Quang Trung rất ít ỏi và phải đào tạo lại mới đáp ứng nhu cầu. Nguồn nhân lực chưa đảm bảo khiến các doanh nghiệp phần mềm gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
 
Hợp tác đôi bên
 
Để khắc phục tình trạng trên, một số trường ĐH-CĐ trên địa bàn TP.HCM đang triển khai các chương trình hợp tác đào tạo nhân lực gắn với thực tiễn của doanh nghiệp. Ông Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn- Tuyển sinh- Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cho biết, hiện nhà trường đang kết nối với khoảng 100 doanh nghiệp và tập đoàn lớn nhằm hợp tác phát triển mô hình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội. Theo đó, ngay từ những năm học đầu tiên, sinh viên của trường sẽ được tiếp cận, học hỏi tại môi trường làm việc thực tiễn ở các doanh nghiệp, nắm bắt xu hướng ngành nghề nhằm đáp ứng với nhu cầu nhân lực của xã hội. Cụ thể, với từng môn học nhà trường sẽ mời những giảng viên đang làm việc ở lĩnh vực liên quan đến môn học đó về chia sẻ với sinh viên, hoặc sinh viên sẽ được đến doanh nghiệp để tham quan và tham gia quá trình làm việc của doanh nghiệp. Thầy Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, nhà trường cũng đang thực hiện kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM để đào tạo nghề cho sinh viên. Cụ thể, nhà trường đã kí kết hợp tác với Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Bosch Việt Nam… Theo đó, ngoài việc được học thực hành với các kỹ sư có tay nghề cao, sinh viên khi ra trường còn có cơ hội được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp này.
 
Theo thầy Bùi Đình Tiền, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên tốt nghiệp, cho nhà trường và doanh nghiệp. Cơ hội việc làm của sinh viên sẽ rộng mở hơn và đáp ứng yêu cầu của ba bên: Sinh viên, doanh nghiệp và nhà trường. Doanh nghiệp có cơ hội hiểu rõ hơn sinh viên và có thể dùng thử sản phẩm “sinh viên tốt nghiệp” thông qua thực tập tốt nghiệp, sinh viên hiểu rõ hơn doanh nghiệp và yêu cầu công việc trong DN.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện nay việc liên kết này chưa chặt và đang trở thành trào lưu, bởi đa số các liên kết này chỉ nằm ở vấn đề tài trợ, hỗ trợ của doanh nghiệp. Vì vậy, để đào tạo ra những nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường cần đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tế nhu cầu việc làm của xã hội. Doanh nghiệp bên cạnh việc hỗ trợ các trường để đưa sinh viên tham quan thực tế và thực tập, các doanh nghiệp cũng cần tư vấn và đề xuất các trường trong việc định hướng và đổi mới công tác đào tạo.

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024924248

TRUY CẬP HÔM NAY: 4423

ĐANG ONLINE: 56