VẤN ĐỀ NGƯỜI NHẬP CƯ THÀNH PHỐ RỜI BỎ DOANH NGHIỆP VỀ QUÊ


   Thực tế khách quan cho thấy, người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đa số người trong độ tuổi thanh niên, người ở vùng nông thôn khi họ rời quê nhà vào thành phố đều xuất phát nguyện vọng là tìm việc làm có thu nhập để chăm lo cho cuộc sống và góp phần cho gia đình; sâu xa hơn họ mong muốn có nghề nghiệp, có sự nghiệp, có việc làm, có cuộc sống ổn định tốt hơn nơi quê nhà.

 


  

   Nhưng nhiều năm qua, đa số người dân nhập cư luôn gặp khó khăn, loay hoay vất vả với cuộc sống vì đồng lương họ làm được phải chi phần lớn trong việc ăn, ở, chữa bệnh khi ốm đau. Có thể thấy rõ người nhập cư luôn bị áp lực với các dịch vụ xã hội tại thành phố, phần lớn họ là người nghèo, trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp chuyên môn thấp, tham gia làm việc tại những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và thu nhập không cao nhưng cuộc sống ăn ở chi phí cao hơn so với người có nhà, có hộ khẩu tại thành phố.


   Đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất – gia công, năng suất lao động là nhân tố quyết định sản xuất kinh doanh tăng trưởng trong đó có tăng lương, nhưng doanh nghiệp cũng thường xuyên phải đối phó với nhiều chi phí phát sinh tăng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì vậy khó trả mức lương cao theo nhu cầu xã hội, nhưng đối với người lao động thì yếu tố họ quyết định làm việc, chung quy nhất vẫn là để sinh sống và khi tiền lương không đủ trang trải tối thiểu cho cuộc sống thì họ buộc lòng rời doanh nghiệp. Lúc này có người sẽ chuyển việc khác, có người tìm việc làm ở tỉnh, thành phố khác và một số đông người sẽ trở về quê để tìm việc làm hoặc sống bám vào gia đình.


   Đây là tất yếu của thị trường lao động “Quy luật giá trị sức lao động”; “Quan hệ của giá cả và tiền lương” và cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để có chính sách phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng, từng thành phần kinh tế và nhu cầu nhân lực nhằm đạt yêu cầu gắn kết nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp và nghĩa vụ, quyền lợi người lao động.


   Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí đô thị lớn cũng sẽ từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp với phát triển cơ cấu kinh tế công nghệ hiện đại và quá trình này sẽ hình thành các chính sách về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chính sách sử dụng người từ các tỉnh, thành phố khác đến thành phố sinh sống, làm việc.

 

                                                                                             TRẦN ANH TUẤN
                                                                                 Phó Giám Đốc Thường Trực
                                                                           Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực
                                                                       và Thông tin thị trường lao động TP.HCM.
                                                                           

   

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024921637

TRUY CẬP HÔM NAY: 1773

ĐANG ONLINE: 55