ÔNG TRẦN ANH TUẤN - PGĐ TT DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC VÀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TPHCM: Tuyển dụng không công bằng, doanh nghiệp, cơ quan đó chịu thiệt hại


Tuyển dụng ưu tiên, người nhà, dòng tộc sẽ gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp

(ảnh minh họa).

 

Là một người làm công tác dự báo nhân lực, đánh giá về thị trường lao động lâu năm, khi đọc những thông tin về tuyển dụng ưu tiên người nhà, con cháu trong dòng tộc thì ông cảm thấy thế nào?

- Tôi cảm thấy chuyện đó bình thường, đặc biệt là trong xã hội Việt Nam, giữa hai người có trình độ, bằng cấp ngang nhau, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển dụng người thân quen để tạo ra đội ngũ nhân viên ổn định, gắn bó với mình. Đó là tâm lý chung của con người. Nếu nhìn theo hướng tích cực, ta có thể hiểu đó là tiếp nối truyền thống nghề gia đình. Trong lúc việc làm đang khó khăn thì tìm việc qua sự quen biết cũng là điều tốt. Ở Nhật Bản, họ cũng ưu tiên con em gia đình tiếp nối nghề nghiệp của cha mẹ, anh chị, nhưng chủ yếu là công nhân, trong cơ quan công quyền thì không có. Tất nhiên, mình nhìn nhận việc này là bình thường nếu việc tuyển dụng con em, người thân quen khách quan, minh bạch, công bằng, cái đáng tiếc hiện nay là sự thân quen này bị lạm dụng, nảy sinh mâu thuẫn, dư luận không hay là chỉ có thân quen, chạy chọt mới mong tìm được việc. Nhiều người có được việc làm mà không cần biết có phù hợp với năng lực, trình độ của mình hay không, sau đó, mới đi học, bổ túc bằng cấp, dẫn đến hiệu quả công việc kém.

Theo ông, những cách tuyển dụng này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đối với tâm lý người tìm việc, thị trường lao động?

- Nếu người đi tìm việc đọc được những thông tin như ưu tiên người thân quen, được cộng thêm điểm nếu có cha mẹ, anh chị làm việc ở công ty X, Y thì chắc chắn họ sẽ nảy sinh tâm lý rụt rè, thiếu tự tin. Ngược lại, người trong nội bộ lại tin chắc mình sẽ đậu, ỷ lại. Tôi đi tư vấn tuyển sinh, đang trên sóng truyền hình trực tiếp, nhiều em học sinh hỏi luôn: “Có nhiều ngành nghề em rất thích nhưng em nghĩ nếu không thân quen thì sẽ không tìm việc được. Con vua thì lại làm vua hoặc thời đại “nhất thân, nhì thế” thì tụi em là con em nông dân, công nhân sẽ không có cơ hội…?”. Tôi nói với các em rằng, việc đó có thể có nhưng chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% là cơ hội của các em. Hơn nữa, xu thế hội nhập hiện nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân phát triển, đó là cơ hội rộng mở cho tất cả những ai thực sự có tài, có khả năng: Xuất khẩu lao động, lao động hội nhập, di chuyển, khởi nghiệp… những xu hướng lao động trong tình hình mới này không có chỗ cho thân quen!

Người được ưu tiên tuyển dụng sẽ có tâm lý ỷ lại, không phấn đấu vì cho rằng mình vào công ty là do quen biết. Điều này có tác hại như thế nào?

- Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng cho người thân, quen mà bỏ qua những tiêu chuẩn của công việc, vị trí việc làm thì lâu dài, chính doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại. Tôi cho rằng, hiện nay, một số doanh nghiệp, đơn vị nhà nước cũng đã nhìn nhận ra việc này. Hệ quả là tạo ra một lượng lao động không uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan khổ sở vì “người nhiều mà việc không chạy”, sản xuất trì trệ, trong khi đó, người lao động thì bị xem thường. Họ sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại. Chính họ cũng là người chịu thiệt hại.

Còn đối với người lao động mà bị trượt tuyển dụng vì không phải là đối tượng ưu tiên thì tôi cho rằng, các bạn không phải là người chịu thiệt hại. Các bạn sẽ có cơ hội làm việc ở những môi trường chuyên nghiệp hơn, năng động hơn và coi trọng khả năng của người lao động, ở những nơi mà cơ hội phát triển trong công việc là ngang nhau.

Trong tuyển dụng vẫn có những trường hợp ưu tiên nhưng ưu tiên như thế nào để không bị phản cảm?

- Nếu 10 doanh nghiệp lương giống nhau thì không cần thân quen, chạy chọt làm gì nhưng thị trường lao động là phải có nơi có việc làm tốt, lương cao và ngược lại. Cho nên việc người ta tận dụng mọi mối quan hệ, hoặc tiền bạc để có được việc làm tốt là chuyện đương nhiên, muốn cản cũng không được nhưng vấn đề là cần có những quy định để điều chỉnh các hành vi này.

Đất nước hội nhập chính là mở ra cơ hội cho những lao động thực sự có tài. Ở các cơ quan nhà nước tôi đã bắt đầu thấy có những dấu hiệu tốt như tuyển người quản lý ngoài Đảng, như trường hợp của TPHCM bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng giám đốc công ty Bachy Soletanche (Pháp) - giữ chức vụ Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP, hoặc tuyển những người được đào tạo ở nước ngoài đảm nhiệm nhiều công việc, vị trí trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước… Tất nhiên, không phải ai học ở nước ngoài cũng tốt nhưng ở đây chính là một sự lựa chọn, cân nhắc người phù hợp với công việc chứ không phải ưu tiên thân quen… Hoặc trong thi tuyển công chức, trước đây là vào làm trước, sau đó hợp thức hóa nhưng bây giờ là thi tuyển công khai. Tất nhiên, ta cũng có đọc thấy thông tin chuyện này chuyện kia trong quá trình thi tuyển nhưng ta nên chấp nhận đi từng bước.

Nguyên tắc trong tuyển dụng là phải xây dựng cho được tiêu chí, tiêu chuẩn các vị trí việc làm cụ thể, minh bạch và tuyển dụng công khai. Nếu làm được việc này, dù anh có tuyển người thân quen chắc chắn sẽ không ai phản ứng được anh!

Xin cảm ơn ông!

Những trường hợp viên chức được đặc cách tuyển dụng

Thông tư số 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức

Điều 7. Điều kiện xét tuyển đặc cách

1. Căn cứ nhu cầu công việc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xét tuyển đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP đối với các trường hợp sau:

a) Người có kinh nghiệm công tác theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc); trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

b) Người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; trường hợp sau khi tốt nghiệp đã có thời gian công tác thì phải công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển, trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian này;

c) Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng của đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

2. Việc xác định tốt nghiệp đại học loại giỏi được căn cứ vào xếp loại tại bằng tốt nghiệp; trường hợp bằng tốt nghiệp không xếp loại thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức báo cáo cụ thể kết quả học tập toàn khóa và kết quả bảo vệ tốt nghiệp để cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập xem xét, quyết định. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phải có văn bản trả lời.

- Theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Điều 14. Xét tuyển đặc cách

1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển quy định tại Điều 4 Nghị định này và yêu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xem xét, quyết định xét tuyển đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Mục 4 Chương này đối với các trường hợp sau:

a) Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;

b) Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng, trừ các trường hợp mà vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển dụng yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ;

c) Những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

2. Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thủ tục đối với các trường hợp xét tuyển đặc cách quy định tại Điều này.

L.T (Tổng hợp)



Nguồn: http://laodong.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880132

TRUY CẬP HÔM NAY: 2446

ĐANG ONLINE: 8