NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2009 VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VỀ ĐÀO TẠO VÀ VIỆC LÀM NĂM 2010



   Nhận định tổng quan về thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh năm 2009 cho thấy vào cuối năm 2008 do bị tác động của suy giảm kinh tế, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cùng với những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã tạo ra những biến động về nguồn nhân lực và việc làm trong các ngành kinh tế đặc biệt các nhóm ngành: Tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, dịch vụ dẫn đến các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự quản lý, dẫn đến nhiều người lao động có trình độ chuyên môn cao phải thất nghiệp; chuyển đổi việc làm; quan trọng hơn vào cuối năm 2008 và 06 tháng đầu năm 2009 là tình hình giảm lao động hàng loạt ở các ngành sản xuất gia công như: May, Dệt, giày da, chế biến hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản… đã có trên 55.000 người lao động có trình độ nghề giản đơn bị mất việc làm và trên 16.000 người thiếu việc làm đa số là dân từ các tỉnh thành phố khác đến làm việc; đồng thời hàng trăm ngàn sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường năm 2009 phải loay quay, chật vật trong tìm kiếm việc làm, mưu sinh lập nghiệp.


   Mặc dù tình hình thị trường lao động của thành phố năm 2009 đã gặp những khó khăn khách quan và hạn chế. Với chủ trương của Đảng và Nhà nước về các chương trình kích cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự chăm lo tích cực của các cấp chính quyền thành phố về chương trình việc làm, chương trình đào tạo nghề gắn việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vốn tạo việc làm và các giải pháp khác như tổ chức các ngày hội nghề nghiệp và việc làm; sàn giao dịch việc làm  hoạt động tư vấn đào tạo – giới thiệu việc làm đã thúc đẩy và ổn định thị trường lao động thành phố, tạo được công việc làm và tái bố trí lao động thất nghiệp, thu hút nhân lực mới cho các ngành kinh tế sản xuất – kinh doanh phát triển và hồi phục nhanh trong quý 04 năm 2009.


   Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2009 trên địa bàn thành phố đã thu hút lao động, giải quyết việc làm được 289.627 lượt người đạt 107,26% so kế hoạch (270.000 lượt người); số người có việc làm ổn định là 227.885 người; số chỗ làm việc mới tăng 3,80% so với năm 2008. Tỉ lệ lao động thất nghiệp bình quân của thành phố năm 2009 là 5,40%.


   Trong các điều kiện để phát triển thị trường lao động là tạo được sự gắn kết Cung – Cầu (người lao động và người sử dụng lao động). Để đạt được sự gắn kết cần thiết tổ chức hệ thống phục vụ hữu hiệu thị trường lao động như: giáo dục, dạy nghề, dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm, cung ứng lao động…. Tuy nhiên tình hình chung việc gắn kết còn nhiều hạn chế; vì:


     1.    Các cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo thích ứng với nhu cầu thị trường lao động đặc biệt về các kỹ năng nghề, kinh nghiệm làm việc và ngoại ngữ. Vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nghề mà nguồn nhân lực phải được phải chuẩn bị trước từ các bậc học văn hóa phổ thông và tự rèn luyện khi vào học nghề.


     2.    Cơ sở đào tạo và người học nghề rất khó tiếp cận với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để thực hành nghề.


     3.    Đa số doanh nghiệp chưa hoạch định được yêu cầu trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực cụ thể, vì vậy chưa gắn kết được với cơ sở đào tạo. Các tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp thường xuất phát theo thực tế tổ chức sản xuất kinh doanh và thường thay đổi theo hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt được đồng thời nhiều doanh nghiệp còn tư tưởng cho là thị trường lao động rất dồi dào nhiều nguồn nhân lực.


     4.    Đối với người học nghề đa số chọn nghề theo thị hiếu, theo giá trị bằng cấp, tiền lương và thiếu thông tin về thị trường lao động, ngành nghề, công việc làm.


     5.    Giữa đào tạo và giới thiệu việc làm thể hiện sự đào tạo một nghề, giới thiệu làm nhiều nghề khác nhau, chỉ cần thu nhập và thuận lợi trong làm việc.


   Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 sẽ phát triển về cơ cấu ngành nghề và cơ cấu nguồn nhân lực với nhu cầu 280.000 chỗ làm việc. 10 nhóm ngành nghề sẽ có nhu cầu cao chiếm tỷ lệ từ 06% - 08% trong tổng nhu cầu nhân lực tại thành phố nhu sau:


        -    Du lịch, môi trường, nhà hàng, khách sạn.


        -    Điện, điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh.


        -    Cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải.


        -    Kiến trúc, thiết kế, giấy bao bì, xuất bản.


        -    Tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm.


        -    Y khoa, y tế, mỹ phẩm, dược.


        -    Marketing, dịch vụ tư vấn.


        -    Quản lý, quản trị, hành chính, văn phòng.


        -    Phục vụ và bán hàng.


        -    May, dệt, giày da, thủ công mỹ nghệ.


   Thị trường lao động thành phố vẫn tiếp tục mất cân đối về cơ cấu việc làm và nhân lực, có thể nhận thấy những thuận lợi và hạn chế là:


     •    Những thuận lợi:
        -    Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ tăng nhu cầu thường xuyên tuyển lao động bao gồm lao động quản lý; chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông để đào tạo nghề gắn bố trí việc làm.
        -    Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phát triển năng động, tăng quy mô, quan tâm đến chính sách phát triển nhân lực. Đây là môi trường phù hợp với đa số người lao động là sinh viên, học sinh mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề.


        -    Các trường đào tạo nghề trong quá trình chuyển đổi, tạo gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; đào tạo theo nhu cầu xã hội và hoàn thiện các tiêu chuẩn đào tạo nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và ngoại ngữ cho người lao động.


        -    Các chương trình việc làm, các hoạt động hỗ trợ việc làm tiếp tục phát triển, chú trọng nâng cao hiệu quả dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm.


        -    Chính sách bảo hiểm thất nghiệp, vận hành hỗ trợ người lao động thất nghiệp có điều kiện thuận lợi tìm việc mới hoặc tái đào tạo nghề gắn việc làm.


     •    Những hạn chế:


        -    Thị trường lao động khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chủ lực là thành phố Hồ Chí Minh với nhu cầu lao động ngày càng yêu cầu cao về số lượng và chất lượng nhưng nguồn nhân lực do phân bố không đồng đều, chênh lệch thu nhập và mức sống dân cư sẽ luôn biến động. Mức độ dịch chuyển lao động, thay thế chỗ làm việc sẽ diễn ra ở mức độ cao từ 25 đến 30% tổng nguồn nhân lực.


        -    Mức độ chênh lệch giữa chất lượng nguồn nhân lực và nhu cầu việc làm còn lớn đặc biệt là kỹ năng nghề. Người chọn đúng nghề và có kỹ năng nghề sẽ có nhiều cơ hội việc làm phù hợp với xu hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý của thị trường lao động.


        -    Chất lượng nghề vẫn là vấn đề phải tích cực hoàn thiện. Nguồn nhân lực có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn giỏi vẫn không đủ đáp ứng thị trường lao động.


        -    Giá nhân công của thị trường lao động vẫn chưa đáp ứng được giá trị sức lao động và mức sống của dân cư nhất là lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trình độ nghề giản đơn dẫn đến tình trạng lao động trong các doanh nghiệp vừa thiếu vừa thừa trong khi đó lực lượng lao động khu vực phi chính thức, lao động cá thể, tự tạo việc làm vẫn chiếm số lượng lớn (trên 40% tổng số lao động đang làm việc) cần thiết nhu cầu nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và xã hội.


   Để tạo sự gắn kết nguồn nhân lực, đào tạo và việc làm cần phải có một quá trình với nhiều giải pháp tích cực. Trong phạm vi của bài viết này, tôi xin kiến nghị một số vấn đề như sau:


   1.     Đối với nhà trường, cơ sở đào tạo:


        -    Tăng cường tiếp cận thông tin nhu cầu nhân lực trong xã hội về cơ cấu, trình độ nghề, ngành nghề, quy mô, số lượng. Đây cũng là trách nhiệm của các tổ chức dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm góp phần với nhà trường, cơ sở đào tạo.


        -    Nắm được thông tin về người học, nhu cầu việc làm, điều kiện và khả năng học, tư vấn, hỗ trợ đào tạo.


        -    Gắn bó với doanh nghiệp, xã hội trong quá trình đào tạo như mời doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ thực tập, nội dung đào tạo, phối hợp đào tạo theo kế hoạch.


        -    Mở rộng thông tin cho xã hội, doanh nghiệp, người lao động về hoạt động đào tạo của nhà trường, cơ sở đào tạo.


         -    Phát triển mạnh các hoạt động quan hệ doanh nghiệp và kế hoạch thực tập cho sinh viên, học sinh.


         -    Thường xuyên tổ chức hoạt động thông tin thị trường lao động; ngày hội nghề nghiệp – việc làm, hoạt động giới thiệu việc làm cho học viên chú trọng việc làm bán thời gian, thời vụ.


    2.    Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh:


         -    Chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung hạn và dài hạn về cơ cấu ngành nghề, quy mô, chất lượng và thông tin về nhu cầu xã hội.


         -    Xây dựng chế độ lương, thưởng hợp lý và đầu tư cho hoạt động đào tạo nâng cao năng lực sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.


         -    Tăng cường quan hệ với nhà trường, cơ sở đào tạo để đặt yêu cầu và hợp đồng nhân lực.


         -    Đồng hành cùng với nhà trường, cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo.


         -    Phối hợp với nhà trường, cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo và có chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục đối với người học nghề vào làm tại doanh nghiệp theo đặc điểm của doanh nghiệp.


         -    Phối hợp với nhà trường, cơ sở đào tạo về các hoạt động thông tin thị trường lao động, ngày hội việc làm, hỗ trợ học tập.


    3.    Đối với người lao động (học viên, sinh viên):


         -    Tìm hiểu thị trường lao động, doanh nghiệp, nhà trường, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện làm việc, ngành nghề đào tạo.


         -    Chọn nghề, việc làm, ngành nghề, bậc học phù hợp năng lực, sở trường, điều kiện học tập.


         -    Tự rèn luyện kỹ năng nghề, ngoại ngữ.


         -    Xác định nghề nghiệp là yêu cầu học tập suốt đời. Xây dựng được giá trị năng lực hành nghề.
Đồng thời để tạo sự gắn kết đào tạo – việc làm theo nhu cầu xã hội còn những yêu cầu về hiệu quả quản lý nhà nước; năng lực hoạt động hữu hiệu của các tổ chức giới thiệu việc làm và các đoàn thể, tổ chức xã hội.

 

                                                                                                       TRẦN ANH TUẤN
                                                                        Phó Giám đốc - Trung tâm Dự báo báo nhu cầu nhân lực
                                                                                        và Thông tin thị trường lao động TP.HCM.

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722720

TRUY CẬP HÔM NAY: 7379

ĐANG ONLINE: 47