Liên thông… ngược


Đang có một nghịch lý, là nhiều cử nhân, thậm chí cả thạc sĩ lại đổ xô tìm cơ hội học tập tại các trường nghề. Nguyên nhân là do thực tế khó khăn trong tìm kiếm việc làm, nên nhiều người quay lại học những ngành nghề nhiều cơ hội hơn. Thực trạng này không chỉ làm dấy lên những băn khoăn về sự lãng phí nguồn lực xã hội trong đào tạo, mà còn cho thấy những thiếu khuyết trong công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh vốn đã tồn tại từ nhiều năm qua.

 

     Sinh viên ngành Điện, Trường CĐ nghề Viễn Đông trong giờ thực hành.

 

Trong gian khó ló… học nghề

 

Từng theo chúng bạn quyết tâm thi vào các trường đại học có khoa ngân hàng, Đỗ Việt Hà (Đống Đa, Hà Nội) đã được như ý nguyện, nhưng em lại phải nếm “trái đắng” vì ra trường không xin được việc. Năm 2009, Hà và một số người bạn chỉ đủ điểm vào trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đúng thời điểm nhu cầu tuyển lao động ngành ngân hàng lớn. “Năm đó, nhiều ngân hàng mở ra, dễ xin việc. Nhiều bạn đổ xô đi học. Đến thời điểm em ra trường thì kinh tế lại suy thoái. Các ngân hàng cũng đầy, chẳng nhận nữa”, Hà tâm sự.

 

Hà đã cầm tấm bằng tốt nghiệp đôn đáo xin việc nhiều nơi, nhưng mất mấy năm vẫn không được như ý nguyện, bởi nhiều doanh nghiệp đòi hỏi em có kỹ năng thực tế, làm được việc ngay, trong khi kiến thức nhà trường còn nhiều điều khuyết thiếu. Đành lòng, Hà phải xin gia đình cho học lại nghề cơ khí tại Trường cao đẳng (CĐ) nghề Công nghiệp Hà Nội.

 

Cũng chọn “liên thông ngược” vì chẳng còn “cửa vào nghề”, ba chàng trai quê ở Yên Bái có bằng cử nhân Đại học Ngoại ngữ chấp nhận xuống Hà Nội thuê trọ học lại nghề tại Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội. Trong ba người, Đỗ Xuân Điệp còn có thêm bằng thạc sĩ Anh ngữ. Điệp tâm sự, để có sinh kế anh cùng các bạn phải chọn cách học nghề. Rất may, ở Yên Bái hiện nay đang triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề nên cả ba đã được tuyển vào dạy nghề cho học sinh Trường CĐ nghề Yên Bái. Trong các buổi lên lớp, Điệp đã nhắn gửi tới học sinh rằng, học nghề có cơ hội việc làm cao hơn, không có gì phải mặc cảm, tự ti.

 

Chung tâm sự ấy, bạn Lê Xuân Thức, quê Thái Bình hiện đi làm cho hãng SAMSUNG ở KCN Thái Nguyên vui mừng mình đã thoát khỏi bi kịch học theo phong trào. Từng sai lầm chạy đua vào ngành “hot” và nghĩ rằng phải có tấm bằng cử nhân mới an tâm, Thức đã từ CĐ liên thông lên đại học. Rồi thấy nơi đó không cho cơ hội thật sự, cậu nhọc lòng quay về trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội học nghề để có cơ hội rộng mở hơn. “Trong thời gian học, công ty về đón tôi vào làm, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Học theo nhu cầu của cuộc sống, chứ học theo phong trào là sai lầm”, Thức thổ lộ.

 

Cần lựa chọn sáng suốt

 

Mấy năm trở lại đây nhiều gia đình và học viên sau khi nếm “trái đắng” từ sự hấp dẫn của tấm bằng đại học, đã có một lựa chọn đúng và trúng hơn, là học nghề để đi làm ngay. Nhiều cơ sở đào tạo hút học viên như Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, Trung cấp Nhà trẻ mẫu giáo, Trung cấp Y dược, Trung cấp cơ khí Hà Nội, CĐ nghề Cơ điện Hà Nội… đã trở thành điểm đến của nhiều cử nhân.

 

Sự đổi thay cách nghĩ trong lựa chọn nghề nghiệp không chỉ tạo cơ hội việc làm, mà còn có thể mở ra nhiều cánh cửa với những hướng đi triển vọng, với những người có năng lực và ý chí. Chàng trai Trần Anh Tài, sinh ra ở vùng quê nghèo Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) là một thí dụ. Bố mẹ quần quật làm ruộng cho cậu hướng tới ước mơ đại học. Năm 2010 Tài đỗ vào Trường đại học Quy Nhơn, nhưng đang học giữa chừng, cậu xin bảo lưu và đi làm thuê do gia cảnh quá khó khăn. “Em nghĩ dừng một thời gian, đi làm kiếm tiền rồi học tiếp. Song rồi em tự hỏi, học xong thì xin việc vào đâu? Hay sẽ vẫn sang tận Lào làm thuê? Nghe đài em thấy nhắc đến Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, mức học phí thấp mà dễ xin việc. Em quyết định từ bỏ đại học, năm 2013, em vào trường xin học ngành Cơ điện tử”, Tài tâm sự.

 

Có khát vọng và luôn muốn bố mẹ vui lòng, nên Tài rất chịu khó học và đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ Thi tay nghề. Tháng 10-2014, cậu được cử thi tay nghề trong cuộc thi Tay nghề ASEAN và đoạt Huy chương vàng. Tiếp đó, giữa năm 2015, Tài tham gia thi tay nghề thế giới tại Bra-xin và đạt chứng chỉ xuất sắc. Hiện Tài được nhà trường giữ lại làm giảng viên, đó là một niềm vui lớn đối với cậu và gia đình.

 

Nói về cơ hội tiếp cận việc làm, ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay: Thực tế hiện nay tỷ lệ sinh viên học nghề ra trường có việc làm rất cao. Tại trường chúng tôi có đến gần 85% học viên đi làm trước khi ra trường, nhiều nghề 100% sinh viên có việc làm với mức lương cao. Thậm chí có lúc không đủ sinh viên để cung cấp cho các doanh nghiệp. “Cái lợi dễ nhìn thấy là các doanh nghiệp thích tuyển dụng sinh viên học nghề vì tâm lý ổn định, có kiến thức, kỹ năng, có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp ngay mà ít khi phải đào tạo lại. Nhiều bạn trẻ có bằng cử nhân không có việc làm quay trở lại học nghề là một giải pháp rất hợp lý”, ông Khánh nhấn mạnh.

 

               Cử nhân Mạc Thị Nga (Nam Sách, Hải Dương) tốt nghiệp ĐH KHXH&NV giờ làm nghề giữ trẻ. Ảnh: ĐÌNH TƯỜNG

 

Để không chỉ là hiện tượng

 

Hiện tượng nhiều cử nhân đi học nghề, theo không ít chuyên gia là điều rất đáng mừng. Song thực tế, chỉ một số ít trường trong hệ thống đào tạo nghề có uy tín, chất lượng, bên cạnh nhiều trường rất yếu kém. Không ít cơ sở không tuyển được học viên phải đóng cửa trong vài năm qua như: Trung cấp nghề Hoàn Cầu (TP Hồ Chí Minh); Trung cấp nghề công nghiệp Bạch Đằng và Trung cấp nghề công nghiệp Phà Rừng của Hải Phòng… Bởi thế, để “đón” được học viên, các trường đào tạo nghề cần tự đổi mới, nâng cao chất lượng phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Cùng với đó, công tác quản lý, hạn chế bất cập trong hệ thống đào tạo nghề cũng phải sốc lại, để học viên không quay lưng với trường nghề.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng, phải đổi mới căn bản từ công tác đào tạo, cải tiến cơ cấu ngành nghề cho phù hợp, nâng cao chất lượng dạy nghề, cập nhật thiết bị dạy nghề mới và hiện đại.

 

Chung quan điểm ấy, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề, cho biết: “Về lâu về dài, cần một quá trình phân luồng thật sự hiệu quả. Cùng với đó, hiệu trưởng một số trường nghề ký cam kết với học viên bảo đảm tạo việc làm là việc làm thiết thực, cần nhân rộng”.

 

Song, rút kinh nghiệm từ tình trạng học theo phong trào, tâm lý trọng bằng cấp vẫn nặng nề trong xã hội Việt Nam hiện nay, dẫn đến việc nhiều cử nhân ra trường không có việc làm, TS Vũ Xuân Hùng - Viện trưởng Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho biết, chúng ta cần phải có chiến lược trong đào tạo nghề. Vừa bảo đảm có nhân lực cho các ngành đang có nhu cầu, vừa không để tình trạng thừa nhân lực, học nghề cũng không có việc.

 

Một vấn đề khác, là sự nhìn nhận của xã hội về người học nghề cần thay đổi. Hiện nay cơ chế chính sách chưa quan tâm nhiều cho người học nghề sau khi tốt nghiệp. Người học nghề chưa được tôn trọng và trong tuyển dụng, mức lương của người học đại học bao giờ cũng cao hơn dù không biết năng lực thế nào. Là người có nhiều trăn trở, ông Phạm Đức Vinh nêu giải pháp: “Ở thời chúng tôi người đi học nghề được tôn trọng, nhà nước hỗ trợ gạo cho người học nghề 17kg/tháng, còn người học đại học được hưởng 15kg/tháng. Vậy nên hiện nay cần khuyến khích, hỗ trợ người học nghề. Không phân biệt, đối xử thiếu công bằng với người học nghề. Ở tỉnh Vĩnh Phúc, người học nghề đã được hỗ trợ học phí 450 nghìn đồng/tháng. Chúng tôi kiến nghị, nên dẹp loạn đại học, tiếp đó miễn phí 100% cho các em học hết lớp 9 rồi đi học nghề”.

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc TT Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin lao động TP Hồ Chí Minh): Giai đoạn 2015 - 2020, dự kiến nhu cầu nhân lực mỗi năm khoảng 270.000 chỗ việc làm trống (trong đó: lao động có trình độ đại học chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%). Định hướng phát triển thị trường lao động thành phố theo 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí, Điện tử - Công nghệ thông tin, Chế biến lương thực thực phẩm, Hóa chất - Nhựa cao-su.

Nguyễn Văn Học
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880725

TRUY CẬP HÔM NAY: 3044

ĐANG ONLINE: 13