Cơ hội cho lao động nữ


Theo dự báo, trong những năm đầu của Cộng đồng kinh tế ASEAN, mức độ di chuyển lao động (LĐ) giữa các nước trong khối chỉ khoảng 1% trong tổng nguồn nhân lực. Riêng Việt Nam, khoảng 5 - 6 triệu người trong tổng số 55 triệu LĐ cả nước sẽ di chuyển và chủ yếu là nhân lực chất lượng cao.
 

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TPHCM - cho biết, khi thị trường lao động hội nhập hơn, các nước khu vực sẽ chú ý đến việc thu hút lực lượng LĐ bậc trung và công nhân ở Việt Nam. Theo đó, cơ hội chung của LĐ các nước ASEAN là có thể tìm được việc làm tốt ở nước bạn nếu đáp ứng được tay nghề, có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh cơ bản và ngôn ngữ nước sở tại. Khi hội nhập, mức độ tăng trưởng về việc làm sẽ tăng lên 28% so với hiện hữu. Trong 10 năm tới, nguồn việc làm của các nước ASEAN sẽ tạo ra 60 triệu chỗ làm việc, trong đó VN chiếm 1/10, tức là sẽ có thêm 6 triệu việc làm. “Vấn đề việc làm khá rộng lớn và đa ngành nghề, tuy nhiên vấn đề đặt ra cho người LĐ, nhất là LĐ trẻ và phụ nữ, là phải đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp với hội nhập” - ông Tuấn nói.

 

 

Ông Tuấn nhấn mạnh 3 điều cơ bản LĐ VN cần có, đó là trình độ nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng, phù hợp thực tiễn; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm; tác phong công nghiệp, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp. “Chúng ta thường nói LĐ nữ thường có những thiệt thòi hơn so với LĐ nam. Trước tiên có thể nói về mặt sức khỏe, thứ hai là về tiếp cận các thông tin xã hội. Và thứ ba là các điều kiện của LĐ nữ, đặc biệt họ rất gắn bó với gia đình nên ít có điều kiện phát triển lâu dài” - ông Tuấn nhận định. Ngoài ra, hội nhập sẽ thúc đẩy quá trình của lớp trẻ nhận thức về việc thị trường LĐ ngày càng mở ra sự cạnh tranh giữa nam và nữ, như vậy sắp tới, nếu lực lượng nam không khéo thì cũng có thể thua nữ ngay trên chính sân nhà.

 

Bà Maria Dolores Bernabe - điều phối viên của Oxfam - kêu gọi chính phủ các nước ASEAN tích cực hơn trong việc tạo điều kiện và trao quyền cho phụ nữ trong hoạt động kinh tế, bao gồm nhìn nhận đóng góp vào những việc không mang lại thu nhập cụ thể và cho họ nhiều ngày phép hơn để chăm sóc gia đình. Những phụ nữ là LĐ di cư và làm công nhật cần được tiếp cận các chính sách bảo hộ về chăm sóc sức khỏe, sinh sản và mức thu nhập cơ bản. “Cộng đồng kinh tế ASEAN tạo ra cơ hội cũng như thách thức cho phụ nữ và họ sẽ cần có những chính sách của chính quyền và DN để xóa bỏ khoảng cách thu nhập và phát huy vai trò phụ nữ” - bà Maria Dolores Bernabe nhận định.

 

Nguồn: http://laodong.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024879574

TRUY CẬP HÔM NAY: 1813

ĐANG ONLINE: 69