CHUYÊN ĐỀ: VẤN ĐỀ NHẢY VIỆC


CHƯƠNG TRÌNH ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG

 

CHUYÊN ĐỀ: VẤN ĐỀ NHẢY VIỆC

 

Câu hỏi 1: Nhảy việc là tình trạng khá phổ biến, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ. Ông nhận xét như thế nào về thực trạng này?

 

Trả lời:

 

 Hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp rất quan tâm và than phiền rằng trong khi tìm nhân viên mới có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc rất khó khăn, thì họ phải đối mặt thường xuyên trước tình trạng nhân viên bỏ việc để tìm nơi khác với mong muốn có  môi trường làm việc tốt hơn và  thực tế, hiện tượng “nhảy việc” trong giới lao động trẻ vẫn đang còn rất phổ biến. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, nhảy việc để chứng tỏ mình là người năng động, thông minh...

 

Điều này phản ảnh thị trường lao động Việt Nam và các địa phương , rõ nét tại các thành phố-khu đô thị đang trong giai đoạn chuyển hướng và phát triển nhanh, nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn trong khi hệ thống chính sách và tổ chức quản lý thị trường lao động còn nhiều bất cập, đang trong quá trình hoàn thiện. Những năm gần đây, quá trình chuyển hướng nền kinh tế trong quá trình hội nhập đang đòi hỏi một lượng lớn nguồn nhân tài và trở thành một vấn đề nóng bỏng về dịch chuyển lao động.

 

Nhảy việc vốn không phải là việc xấu, thay đổi và tìm thêm những cơ hội mới là xu hướng của nhiều người trẻ. Chuyển việc để tìm được một công việc mới tốt hơn đang là trào lưu của nhiều người trẻ.

 

Tuy nhiên theo tôi, người lao động nhất là giới trẻ cần cân nhắc trước khi “nhảy việc”, bởi gắn bó với một môi trường làm việc, cũng là một ưu điểm để người trẻ được cân nhắc lên một vị trí cao hơn, có thu nhập tốt hơn.

 

Câu hỏi 2: Trong một khảo sát mới nhất, có hơn 73% lao động sẵn sàng “nhảy” việc. Theo ông, những nguyên nhân nào khiến các lao động trẻ sẳn sàng nhày việc?

 

Trả lời:

 

Có rất nhiều lý do để người lao động, đa số lao động trẻ nghỉ việc và nhảy việc, tuy nhiên có thể thấy rõ một điểm chung đó là đa số những người không ngại sự thay đổi và tìm kiếm cho mình nhiều cơ hội tốt hơn. Và về nguyên nhân chủ yếu thì từ phân tích các cuộc khảo sát gần đây cho thấy: Lý do nghỉ việc do muốn tìm nơi làm khác có lương cao hơn; kế tiếp 63% cho rằng do nơi làm việc xa chỗ ở; 60% do mức độ công việc khó khăn; 50% do cường độ làm việc cao và 30% môi trường làm việc không phù hợp.

 

 Đúng là nghịch lý trong thị trường lao động hiện nay: Trong khi doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi cao hơn về năng lực chuyên môn, trách nhiệm và mức độ cống hiến của nhân viên thì đại đa số nhân viên mới đặt yếu tố lương lên hàng đầu; đi đôi với những quyền lợi mong muốn được đáp ứng. Khi không được đáp ứng hoặc vì áp lực công việc, chuyên môn, năng lực không phù hợp với công việc, nhiều bạn trẻ nghĩ ngay đến chuyện bỏ việc để tìm môi trường mới tốt hơn.

 

 

 Câu hỏi 3: Theo ông, thực trạng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bản thân người chuyển việc và cả thị trường lao động?

 

Trả lời:

 

Nhìn chung, việc nhảy việc có ảnh hưởng lớn đến phát triển thị trường lao động đặc biệc là sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình còn nhiều trở ngại, khó khăn cạnh tranh của thời kỳ phát triển kinh tế hội nhập. Các doanh nghiệp vẫn rất vất vả để tìm kiếm được người lao động đáp ứng yêu cầu của mình. Lực lượng lao động đông đảo nhưng các doanh nghiệp vẫn phải tranh giành của nhau từng người lao động giỏi. Từ  đó đa số các doanh nghiệp rất dè dặt trong việc sử dụng lao động, việc đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc vào các vị trí quản lý hoặc vị trí chuyên môn kỹ thuật đặc biệt của doanh nghiệp, vì sợ sẽ bị người lao động rời bỏ... Nhưng mặt khác đồng thời các doanh nghiệp lại gặp hạn chế lớn vì nhiều lao động trình độ thấp, thiếu tính chuyên nghiệp, kỷ luật....

 

Điều này cho thấy, giữa người lao động và chủ doanh nghiệp trên thị trường lao động và công việc có khoảng cách rất lớn, không thỏa mãn được nhau. Người lao động Việt Nam đang thiếu rất nhiều yếu tố để đáp ứng được yêu cầu công việc hiện tại, phần lớn không bảo đảm các yêu cầu đúng theo hợp đồng. Tất nhiên, hiệu quả lao động không chỉ phụ thuộc vào năng lực, ý thức của người lao động mà còn ở cả mối quan hệ, cơ chế quản lý, điều kiện làm việc dành cho người lao động.

 

Đối với người nhảy việc, có nhiều người đã tìm được việc làm ổn định sau một thời gian... “nhảy việc”. Tuy nhiên, nhiều người cũng trở về con số không, khi mạo hiểm “nhảy việc” mà năng lực vẫn còn hạn chế. Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, chuyển việc nhiều trong một thời gian ngắn sẽ khiến nhiều người bị stress, trầm cảm do không tìm được niềm vui trong cuộc sống. Nhiều người “trong cuộc” cho rằng, “nhảy việc” nhiều, đi đến đâu, họ cũng phải làm lại từ đầu, đôi khi những kinh nghiệm thu được chỉ mang tính chắp vá.

 

Hai hạn chế lớn nhất tác động đến quá trình phát triển nghề nghiệp về sau của giới lao động trẻ mà hầu hết các chuyên gia tư vấn nhân sự đúc kết là: Thiếu tự tin và thiếu đầu tư nghề nghiệp.

 

Câu hỏi 4: Ưu thế và bất lợi của người nhảy việc là gì, thưa ông?

 

Trả lời:

 

Nhiều nhà  quản trị nhân lực đã nhận định vấn đề này, nhưng chúng ta có thể khái quát như sau:

 

Ưu thế của người “nhảy việc”

 

1. Được đánh giá là ứng viên có nhiều kinh nghiệm

 

2. Đạt được thành tích ở nhiều lĩnh vực

 

3. Được đánh giá là người có tinh thần cầu tiến

 

Bất lợi của người nhảy việc

 

1. Kẻ “đứng núi này trông núi nọ”

 

2. “Có vấn đề” về chuyên môn hay tính cách

 

3. Khó hòa đồng với đồng nghiệp, với môi trường xung quanh

 

Các chuyên gia nhân sự cho rằng, có thể nhiều người trẻ muốn “nhảy việc” là do sở thích, nhưng họ vẫn muốn tuyển dụng một người trung thành và gắn bó với công việc. Bởi, từ trước đến nay, người thành công là người kiên trì và nắm bắt cơ hội tốt. Những người được cất nhắc lên vị trí cao là những người có sự cống hiến với công ty, gắn bó và kiên trì, cũng là một tiêu chí để thăng tiến.

 

Câu hỏi 5: Lời khuyên của ông

 

Trả lời:

 

Có thể nói: “nhảy việc” là một xu hướng tất yếu trong tình hình hiện nay, điều này không chỉ xảy đến với các bạn sinh viên mới ra trường mà còn khá nhiều người lao động trẻ khác. Chẳng có một chuẩn mực nào để cho rằng nhảy việc là tốt hay không tốt, nhưng điều quan trọng nhất mà người lao động cần nhớ là: mình học hỏi được gì sau những lần nhảy việc ấy; và nếu có ý định nhảy việc, hãy suy nghĩ thật kỹ: điều này có thật sự cần thiết? Vì suy cho cùng, mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta – những người lao động – đó là: tìm một công việc phù hợp nhất để xây dựng một sự nghiệp vững chắc cho mình.

 

Vậy là người thích  hoặc muốn nhảy việc hoặc bắt buộc phải nhảy việc nên tuân thủ những nguyên tắc sau:

 

1. Đừng nhảy việc chỉ đơn thuần do lương thấp

 

2. Đảm bảo giữ đúng chuyên môn

 

3. Không nên nhảy việc vì bất mãn, đố kỵ cá nhân

 

4. Thời gian nhảy việc tốt nhất sau ba năm trở lên

 

5. Trường hợp nên nhảy việc: không có không gian phát triển, nâng cao kỹ năng, công ty đang trên bờ vực phá sản

 

Nếu xác định mục tiêu cũng như định hướng nhảy việc đúng đắn, bạn sẽ nhanh chóng rút ngắn con đường đi đến với thành công. Nhưng nếu “nhảy sai việc” bạn sẽ tự “hạ cánh” cho sự nghiệp của mình vào nơi tồi tệ nhất.

 

Điều này có nghĩa: Nếu người thích nhảy việc, hoặc bắt buộc phải nhảy việc, thì trước khi quyết định thay đổi: hãy tạo cho mình một nền tảng chuyên môn thật vững vàng, nói cách khác:  phải linh hoạt. Nhưng, nhiều lao động trẻ  thì lại hay hoang phí thời gian để kiếm tìm các cơ hội việc làm  cũng như không xác định được phương hướng cho mình một cách rõ ràng. Và sẽ tốt hơn nếu bạn làm việc lâu dài cho một công việc nào đó. Bởi vì lúc ấy,bạn sẽ có đủ khả năng và kinh nghiệm cho mình, sẽ có được một công việc tốt nhất trên thị trường việc làm.

 

 

                                                                                          Trần Anh Tuấn

                                                                                           Phó Giám đốc

                                                                       Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực

                                                                  và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

                                                                                                5.7.2016

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878929

TRUY CẬP HÔM NAY: 1168

ĐANG ONLINE: 14