NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUỐC TẾ


Nguyễn Lương Trào

TS. Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam

 

     Từ nghiên cứu tổng kết thực tiễn, khảo nghiệm những nhận xét, đánh giá và yêu cầu của các đối tác nước ngoài, bài viết này đề cập đến thực trạng, mô hình và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài nhất là về: kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ và nhận thức về vai trò, trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ cương của người lao động.

 

   Chất lượng nguồn lao động là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự thắng thế trong cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Muốn mở rộng việc làm (và việc làm ngày càng tốt hơn, thu nhập ngày càng cao hơn) cho lao động Việt Nam ở nước ngoài, không có cách nào hữu hiệu bằng nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 

   Đòi hỏi kỹ năng nghề của thị trường lao động quốc tế ngày càng cao

 

      Mặc dù thực tế cho đến nay, thị trường lao động ngoài nước vẫn cần và chấp nhận một bộ phận lao động giản đơn, chưa qua đào tạo nghề hoặc trình độ nghề thấp, nhưng ở hầu hết các thị trường đều gia tăng ngày càng mạnh mẽ nhu cầu lao động có nghề, đặc biệt lao động có kiến thức, kỹ năng nghề ở trình độ cao.

 

      Khu vực Đông - Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan: cần nhiều lao động có nghề. Những lao động có nghề thực thụ dễ được tuyển chọn hơn trong chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc hoặc tu nghiệp sinh của Nhật Bản làm việc trong công xưởng của Đài Loan. Đặc biệt, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chương trình tuyển chọn lao động kỹ thuật cao, chuyên gia cho một số nghề với chế độ cấp visa dài hạn ưu tiên đặc biệt.

 

      Khu vực Đông - Nam Á: Ma-lai-xi-a là thị trường lớn, mặc dù nhiều doanh nghiệp chấp nhận tuyển lao động chưa có nghề từ Việt Nam, nhưng nhiều nhà máy cần lao động có kỹ năng nghề cao. Những lao động của ta đáp ứng được yêu cầu về trình độ nghề thường có thu nhập cao hơn hẳn những người chưa có nghề. Xin-ga-po hiện tại mới nhận lao động có kỹ năng nghề tương đối cao của ta.

 

      Khu vực Trung Đông, châu Phi: Có nhu cầu nhận lao động chưa có nghề nhưng thu nhập rất thấp so với lao động có nghề. Lao động có kỹ năng nghề làm việc trong xây dựng và công xưởng đang có nhu cầu lớn và được trả lương cao hơn hẳn. Khu vực Đông Âu: thị trường Séc, Nga và một số nước khác cần một số lượng lớn lao động có kỹ năng nghề cao với thu nhập và điều kiện sống, làm việc khá tốt.

 

      Thị trường Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Mỹ được coi là thịtrường cao nhất kể cả về thu nhập và điều kiện nhậpcảnh. Muốn có visa vào Ô-xtrây-li-a làm việc, người lao động phải có kỹ năng nghề cao, kinh nghiệm làm việc thực tế, được đào tạo có cơ quan chức năng của Ô-xtrây-li-a kiểm tra, cấp chứng chỉ nghề và phải đạt trình độ tiếng Anh 4,5 điểm IETS trở lên.

 

      Trình độ kiến thức, kỹ năng nghề không phải chỉ căn cứ vào bằng cấp, chứng chỉ của các cơ sở đào tạo trong nước mà phải được xác định thông qua tuyển lựa, kiểm tra, đánh giá của phía đối tác nước ngoài, quan trọng hơn, nó phải được thể hiện trong năng lực làm việc thực sự của người lao động có đáp ứng được đòi hỏi của công nghệ sản xuất, độ phức tạp của công việc mà họ đảm nhiệm ở nước ngoài.

 

      Đã có thực tế là nhiều lao động Việt Nam được coi là có nghề xây, trát và họ cũng đã làm việc đó trên công trường. Nhưng khi người nước ngoài tuyển chọn thì không đạt yêu cầu vì họ chưa thực hiện được những thao tác rất cơ bản của nghề, họ không được đào tạo cơ bản. Lại có một trường hợp khác, gần một trăm học sinh đã tốt nghiệp nghề hàn ở một trường cao đẳng nhưng chuyên gia nước ngoài chỉ lựa chọn được 5 người có thể bồi dưỡng thêm để làm hàn kỹ thuật cao theo yêu cầu công việc của đơn vị họ. Như vậy, thị trường lao động quốc tế đòi hỏi lao động được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, đặc biệt là phải phù hợp với công nghệ sản xuất cụ thể.

 

   Thực trạng đào tạo nghề và ngoại ngữ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài

 

      Các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp xuất khẩu lao động chủ yếu mới đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng. Các doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề thì chủ yếu dạy nghề ngắn hạn. Một số ít doanh nghiệp có trường dạy nghề nhưng cũng không thể đào tạo được nhiều nghề để đáp ứng yêu cầu đa dạng về nghề của thị trường. Mặt khác, tuyệt đại bộ phận người lao động khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài đều muốn đi bằng con đường nhanh nhất. Họ không đủ kiên trì và kinh phí để theo học một khóa chính quy 12 - 24 tháng trong điều kiện phải tự túc kinh phí.

 

      Như vậy, muốn có một nguồn lao động có kỹ năng nghề cao, phong phú để có thể tuyển chọn đưa đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu không thể một mình làm nổi, mà phải trông cậy vào "sản phẩm đầu ra" của hệ thống dạy nghề.

 

      Các cơ sở dạy nghề (không thuộc doanh nghiệp xuất khẩu lao động) trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô và tiến bộ bước đầu về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ngoài một số trường và trung tâm lớn, phần đông chưa bắt bén được nhu cầu thị trường kể cả về nghề, cấp độ và công nghệ cần đào tạo nên sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước.

 

      Đào tạo ngoại ngữ trong trường dạy nghề cũng chưa đáp ứng yêu cầu cho học sinh ra trường có đủ trình độ đi làm việc ở nước ngoài theo nghề được đào tạo.

 

      Một trong những nguyên nhân chính của tình hình trên là do chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hợp tác chiến lược giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

 

      Sự gắn kết này nếu được thiết lập tốt sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cả hai phía. Nhà trường sẽ thực hiện được định hướng thị trường trong đào tạo, có điều kiện nhanh chóng tiếp thu công nghệ mới vào đào tạo, nâng chất lượng "đầu ra" và tăng sức hấp dẫn "đầu vào" khi học sinh tốt nghiệp được thị trường ngoài nước, nhất là thị trường có thu nhập cao, chấp nhận ngày một tăng. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì khắc phục được tình trạng tuyển lao động theo kiểu "ăn đong" không kịp thời, không đáp ứng được yêu cầu cả chất lượng và số lượng, khắc phục được tình trạng mất cơ hội, thị phần và uy tín.

 

   Mô hình, mục tiêu và giải pháp Mô hình "ba nhà"

 

      Những phân tích ở phần trên đã cho thấy rõ sự cần thiết và lợi ích của việc gắn kết giữa "nhà tuyển dụng" (doanh nghiệp xuất khẩu lao động) và "nhà trường" (cơ sở dạy nghề) trong việc chuẩn bị nguồn lao động có trình độ kỹ năng nghề và ngoại ngữ cho thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, sự gắn kết này chỉ thực sự có hiệu quả, bền vững và thực sự tháo gỡ khó khăn cho người lao động, nhất là về kinh phí học nghề, ngoại ngữ, vốn vay để trang trải các chi phí xuất cảnh khi có sự vào cuộc đồng bộ của "nhà nước" (cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề và về xuất khẩu lao động). Vai trò "nhà nước" ở đây chính là "bà đỡ" tạo cơ chế và theo dõi, chỉ đạo sự gắn kết đó đi đúng hướng, hiệu quả. Đây cũng chính là sự đầu tư cần thiết và hiệu quả của nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực và đem lại lợi ích to lớn nhiều mặt của xuất khẩu lao động cho xã hội.

 

   Mục tiêu

 

      Xuất phát từ định hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu lao động có nghề và trình độ cao (đạt 65% - 70% vào năm 2010 và cao hơn vào những năm tiếp theo). Mục tiêu dài hạn của mô hình này là chủ động chuẩn bị được một "Quỹ" lao động có kỹ năng nghề và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thị trường ngoài nước, có sức cạnh tranh tốt, khắc phục cơ bản tình trạng tuyển lao động theo kiểu "ăn đong" hiện nay.

 

      Trước mắt, cần đáp ứng nhu cầu cấp thời về lao động có nghề, ngoại ngữ trên cơ sở bổ túc, nâng cấp học sinh học nghề theo yêu cầu của hợp đồng ngoại.

 

   Giải pháp

 

      + Doanh nghiệp xuất lao động cần bám sát, dự báo được nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước về ngành nghề, trình độ cần đào tạo. Các cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề, xuất khẩu lao động phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam tổng hợp, phân tích, dự báo từ nguồn thông tin của các doanh nghiệp và các nguồn thông tin khác xác định chỉ tiêu đào tạo chuẩn bị nguồn cho lao động xuất khẩu.

 

      + Cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề bố trí kinh phí và tổ chức đấu thầu, giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường có năng lực tốt nhất trong đào tạo nghề tương ứng thực hiện.

 

      + Trường dạy nghề được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động với đối tác nước ngoài cụ thể hóa chương trình đào tạo nghề và ngoại ngữ phù hợp yêu cầu thị trường để tổ chức thực hiện.

 

      Để làm tốt việc này, cần tranh thủ hợp tác, sử dụng kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia kỹ thuật, công nghệ của các tập đoàn nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam, và giáo viên các trường dạy nghề danh tiếng ở nước mà ta sẽ gửi lao động đến trong việc xây dựng chương trình đào tạo và trong chuyển giao công nghệ.

 

      + Lồng ghép đào tạo ngoại ngữ trong quá trình đào tạo nghề theo chương trình chuẩn cho từng nghề.

 

      + Tuyển lựa học sinh có nguyện vọng đăng ký học theo chương trình mục tiêu xuất khẩu lao động, tư vấn, giáo dục ý thức học tập rèn luyện cho họ.

 

      + Có cơ chế cho vay vốn để chi phí học nghề, ngoại ngữ, chi phí xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

 

      + Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam hợp tác với một số trường nghề và ngược lại, mỗi trường nghề có quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tư vấn, tuyển chọn, tạo điều kiện cho số học sinh có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động được tham gia tuyển chọn và nếu cần được bổ túc thêm nghề ngắn hạn đáp ứng yêu cầu hợp đồng.

 

      Đây là quan hệ hợp tác tự nguyện, lâu dài, đôi bên cùng có lợi. Cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện về cơ chế vay vốn cho số học sinh đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, nhà trường có cơ chế bảo lưu kết quả cho số học sinh chưa hoàn thành khóa học mà trúng tuyển.

 

      Đồng thời với các giải pháp nâng cao trình độ kỹ năng nghề và ngoại ngữ, để khắc phục những điểm yếu của một bộ phận người lao động Việt Nam, cần phải thực hiện đồng bộ, kiên trì, liên tục nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp sau:

 

      Một là, nâng cao chất lượng tuyển chọn và quản lý lao động; thực hiện tốt mô hình gắn kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương trong giới thiệu, tuyển lựa lao động để chọn được những người có tư chất tốt; đồng thời, phối hợp quản lý giáo dục, nêu gương những người chấp hành tốt, phê phán những người vi phạm kỷ luật trong cộng đồng dân cư ở thôn, xã.

 

      Hai là, tổ chức tốt việc đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh. Trước hết cần đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy. Cần cụ thế hóa và chuẩn hóa những nội dung liên quan đến luật pháp Việt Nam; luật pháp, đất nước, con người phong tục tập quán nước sở tại; quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc theo hợp đồng; nội dung hợp đồng; nội quy nơi làm việc (nhà máy, công trường), nội quy ký túc xá, quy định về vệ sinh an toàn lao động...

 

      Bên cạnh đó cần có một thời lượng thỏa đáng, trang bị cho người lao động nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của họ khi làm việc ở nước ngoài: Họ là ai, nhờ đâu họ được đi nước ngoài, họ cần làm gì và không nên, không được làm gì để hoàn thành phận sự của mình; với tư cách một công dân Việt Nam, một "nhà ngoại giao nhân dân" họ cần làm gì, ứng xử thế nào để giữ gìn uy tín và phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

 

      Đội ngũ giảng viên cũng cần được lựa chọn, tập huấn nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp truyền đạt. Nên có giáo trình điện tử, đưa hình ảnh minh họa để tăng hiệu quả giảng dạy.

 

      Ba là, cùng với việc tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, xử lý nghiêm những vi phạm của doanh nghiệp, rất cần thiết phải có thái độ và thực thi xử phạt nghiêm minh theo pháp luật những người lao động vi phạm nghiêm trọng hợp đồng gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của lao động Việt Nam.

 

Nguồn: tapchicongsan.org.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024922911

TRUY CẬP HÔM NAY: 3064

ĐANG ONLINE: 59