Học phí cao vẫn vào… trường nghề


Tại TP.HCM, không ít trường nghề có mức học phí cao hơn hẳn so với các trường ĐH, CĐ nhưng vẫn thu hút học sinh vào học.

 

Học sinh tìm hiểu về ngành thiết kế đồ họa của Trường MaacViet Arena trong một chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức

 

Vấn đề cốt lõi là nhiều phụ huynh và học sinh đã thấy được “không phải vào ĐH mới thành công” mà quan trọng là khi ra trường các em phải thành thạo về tay nghề và kỹ năng mềm, ngoại ngữ.

 

Trung cấp: Học phí 28 triệu đồng/năm

 

“Ai cũng thích việc nhẹ nhàng, lương cao nhưng thực tế sẽ không thể đạt được điều này nếu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các em không tìm hiểu kỹ về sở trường, sở đoản của mình để chọn nghề phù hợp và cống hiến hết mình cho lĩnh vực đam mê”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn thu học phí mỗi năm 28 triệu đồng/học sinh/năm, cao hơn mức học phí của các trường trung cấp và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố nhưng mỗi năm vẫn thu hút khoảng 24-30 học sinh vào học. Lý giải vì sao học phí cao nhưng vẫn tuyển được học sinh, ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ở trường các em sẽ học 2 buổi, sáng học chương trình trung cấp, chiều học tiếng Anh tăng cường để khi tốt nghiệp các em đạt tiếng Anh trình độ B1 và có thể làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài hay học tiếp lên bậc cao hơn. Hiện nhà trường đang hợp tác với ĐH Bangkok (Thái Lan), hợp tác song phương cùng phát triển về đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình tiên tiến nhập về để giảng dạy. Sau 2 năm học trung cấp, các em có thể chuyển tiếp sang Thái Lan để tiếp tục học chương trình cao hơn”.

 

Tương tự, Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech và MaacViet Arena cũng có mức học phí cao, khoảng 25 triệu đồng nhưng mỗi năm đào tạo hàng ngàn lượt học viên. Ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc tuyển sinh Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech và MaacViet Arena, chia sẻ: “Công nghệ thông tin đang phát triển, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã gia nhập vào Việt Nam như Intel, Samsung… Trong 2 năm học ở Aptech, các em sẽ học về sản xuất phần mềm nhưng lấy bằng quốc tế do chúng tôi dạy chương trình của Ấn Độ”. Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thơ, Hiệu trưởng Trường Maacviet Arena, cho hay: “Tại Việt Nam, ngành thiết kế đồ họa mỗi năm cần khoảng 60 ngàn nhân lực nhưng hiện nay các trường đào tạo chỉ được khoảng 2 ngàn người”.

 

Không phải “học ĐH mới thành công”

 

Không ít học sinh mơ ước vào ĐH rồi ra trường kiếm được việc làm nhẹ nhàng, lương cao từ 20-30 triệu đồng/tháng trở lên. Thực tế, các chuyên gia khẳng định: Nếu rớt ĐH, thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội để thành công nhưng dù học ở cấp bậc nào cũng phải chăm chỉ rèn luyện trên ghế nhà trường cũng như khi hành nghề thì mới có được mức lương mơ ước. 

 

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Sau THPT, học sinh có nhiều con đường để lựa chọn như xét tuyển vào ĐH, CĐ, CĐ nghề, TCCN, trung cấp nghề… Tuy nhiên, các em cần lưu ý là mỗi năm bậc ĐH, CĐ chỉ lấy khoảng 600 ngàn chỉ tiêu, trong khi đó học sinh tốt nghiệp THPT hơn 900 ngàn. Tuy nhiên, các em không nên lo lắng thiếu trường học bởi còn khoảng 500 ngàn chỉ tiêu ở các trường CĐ nghề, TCCN, trung cấp nghề”.

 

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định: “Các em học sinh đừng bao giờ cam kết với trái tim “học ĐH mới thành công” vì ngoài bậc học này các em còn nhiều cơ hội khác, ngay cả khi tốt nghiệp THCS vào học nghề theo hệ 9+3 các em cũng sẽ thành công nếu chọn được nghề phù hợp với năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu xã hội. Ai cũng thích việc nhẹ nhàng, lương cao nhưng thực tế sẽ không thể đạt được điều này nếu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các em không tìm hiểu kỹ về sở trường, sở đoản của mình để chọn nghề phù hợp và cống hiến hết mình cho lĩnh vực mà mình đam mê”.

 

Nói về những yếu tố để tạo nên thành công của người lao động hiện nay, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Ngoài ĐH, các em còn có thể chọn nhiều bậc học khác nhưng ở bậc học nào thì các em phải nắm vững 4 yếu tố là có tay nghề, có kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng mềm”.

 

Bài, ảnh: Minh Châu

 

Câu hỏi tuyển sinh

 

Do đã lớn tuổi nên sau khi tốt nghiệp THCS, em dự định đăng ký học nghề để đi làm phụ giúp gia đình. Em rất thích nghề thiết kế thời trang, vậy ở TP.HCM hiện có trường nào đào tạo nghề này không?, nhu cầu nhân lực nghề này như thế nào?

 

Nguyễn Bá Vương (học viên lớp 6A
Trung tâm GDTX Q.7, TP.HCM)

 

- Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trả lời: Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng được nâng cao nên nhu cầu ăn ngon mặc đẹp luôn được nhiều người quan tâm. Thiết kế thời trang nằm trong nhóm ngành may mặc. Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về may mặc trên thế giới. Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP, mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may nên thời gian tới sẽ cần nhiều lao động hơn. Hiện ở TP.HCM có nhiều trường đào tạo nghề này như ĐH Nguyễn Tất Thành, CĐ Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, Trung cấp Nguyễn Hữu Cảnh, Trung cấp Nguyễn Tất Thành… Các trường CĐ nghề và trung cấp nghề chỉ xét học bạ nên ngay sau khi học xong THCS, em có thể nộp học bạ xét tuyển vào những bậc học này để theo đuổi đam mê.

 

Được biết ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và trả lương cho người lao động rất cao. Em muốn học tiếng Nhật để khi ra trường xin vào những công ty này làm việc nhưng hiện tại em chỉ học tốt tiếng Anh, còn tiếng Nhật chưa bao giờ học. Vậy em có thể thi vào ngành tiếng Nhật được không?

 

Linh Chi (học sinh lớp 12A1
Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM)

 

- Bà Lê Quỳnh Hà, Phó ban ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM) trả lời: Nếu chưa biết tiếng Nhật thì em có thể thi THPT quốc gia bằng tiếng Anh để xét tuyển vào ngành ngôn ngữ Nhật ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) hoặc ĐH Sư phạm TP.HCM. Ngoài ra, nhiều trường ĐH trên địa bàn thành phố cũng có đào tạo ngành này. Tuy nhiên, khi đăng ký xét tuyển em nên lập danh sách các trường đào tạo ngôn ngữ Nhật để tham khảo điểm xét tuyển năm vừa qua giữa các trường như thế nào, đồng thời xem đề thi năm nay có khó hơn năm ngoái hay không và so sánh để đưa ra phương án lựa chọn tốt nhất cho mình.

 

D.Bình (ghi)

 

Nguồn: giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723843

TRUY CẬP HÔM NAY: 8536

ĐANG ONLINE: 14