SÁU MỤC TIÊU AN SINH XÃ HỘI: TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020


   Cần 732.000 tỉ đồng

 

   SGTT - Một chiến lược tổng thể về an sinh xã hội trong giai đoạn 2011 – 2020 đang được bộ Lao động – thương binh và xã hội xây dựng, lấy ý kiến để trình Chính phủ. Bà Nguyễn Lan Hương, viện trưởng viện Khoa học lao động và xã hội, nơi chủ trì xây dựng đề án trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh đề án này. Bà Hương nói:

 

Bà Nguyễn Lan Hương, viện trưởng viện Khoa học lao động và xã hội

   Chiến lược an sinh xã hội trong mười năm tới đưa ra sáu mục tiêu lớn, đó là tăng cường tính bình đẳng trong thị trường lao động, hỗ trợ lao động yếu thế gia nhập thị trường lao động; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội tiên tiến bao gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện với độ bao phủ rộng; tăng cường hiệu quả chăm sóc y tế công với mục tiêu 100% dân số được bảo hiểm y tế vào năm 2014; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt với mục tiêu hầu hết số người có mức sống dưới mức tối thiểu sẽ được trợ giúp; giảm nghèo bền vững, ngăn chặn bất bình đẳng gia tăng; đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, trợ giúp pháp lý, nước sạch… Dự kiến kinh phí để chi thực hiện các mục tiêu này khoảng 732.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi khoảng gần 50%.

 

   Suy cho cùng, vấn đề mấu chốt nhất đảm bảo an sinh xã hội vẫn là vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động. Có cách nào để phát triển thị trường lao động đang quá sơ khai, manh mún và bị chia cắt như hiện nay không, thưa bà?

 

   Đúng là các chính sách thị trường lao động hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Thị trường lao động ở nước ta hiện tại chưa mang lại lợi ích cho mọi người lao động. Vẫn còn một bộ phận lớn lao động chưa được bảo vệ, đó là những lao động nông thôn đang làm việc trong khu vực không có hợp đồng lao động. Họ chưa được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội tốt như khu vực chính thức có hợp đồng lao động. Xuất phát từ thực tế này, đề án an sinh xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã được xây dựng với quan điểm cơ bản là an sinh xã hội toàn dân, làm thế nào để mọi người dân được thụ hưởng các chính sách an sinh, có mức sống tối thiểu về các nhu cầu cơ bản: ăn mặc, ở, dinh dưỡng, y tế, bảo đảm khi có rủi ro có năng lực phòng ngừa để không bị rơi xuống nghèo đói.

 

   Mục tiêu như vậy, nhưng quan trọng hơn là các chính sách để đạt được mục tiêu, thưa bà?

 

   Hiện tại hầu hết các quy định về an sinh xã hội đều dành cho lao động ở khu vực chính thức (khu vực có hợp đồng lao động). Chỉ có một số ít người ở khu vực phi chính thức đang được hưởng trợ cấp xã hội. Như vậy đang còn một khoảng trống lớn về chính sách an sinh xã hội cho phần đông lao động khu vực phi chính thức. Tôi cho rằng về lâu dài vẫn là làm cách nào đó để ngày càng tăng nhanh số lao động trong khu vực chính thức, giảm lao động khu vực phi chính thức. Khi đó với những quy định bắt buộc, người dân sẽ tự động tham gia vào hệ thống an sinh xã hội đang được xây dựng và vận hành tốt. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi sẽ đề xuất rà soát lại các chính sách và ban hành những chính sách hỗ trợ mang tính ngắn hạn.

 

   Ví dụ như…?

 

   Chúng tôi đang nghiên cứu và có thể đề xuất chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong lúc tiến trình chuyển đổi cơ cấu lao động vẫn đang diễn ra, người dân khu vực nông nghiệp đang được đào tạo để tham gia vào khu vực công nghiệp thì vẫn có một bộ phận không nhỏ lao động nằm ngoài sự chuyển đổi này. Với những đối tượng như vậy, Nhà nước có thể hỗ trợ họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hay như các chính sách tín dụng ưu đãi sẽ tiếp tục được triển khai mạnh để hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức có được thu nhập tốt hơn. Thu nhập của người dân tốt là nền tảng cho các chương trình an sinh xã hội.

 

   Nhưng đôi khi từ chính sách đến thực tế thực hiện là một khoảng cách xa, trong khi các mục tiêu đề án đưa ra lại quá hoàn hảo?

 

   Nhiều khi chính sách tốt nhưng hạ tầng cơ sở thiếu thì cũng cản trở người dân tiếp cận. Cũng có khi chính sách chưa đủ hấp dẫn để người dân tham gia vì chính họ đôi khi cũng chưa nhìn ra lợi ích của việc tham gia các chính sách an sinh xã hội. Ví dụ như bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng cho hôm nay để hai mươi năm sau mới hưởng, không phải ai cũng nhìn thấy lợi ích của hai mươi năm sau. Tôi cho rằng muốn thực hiện tốt chính sách thì phải có hạ tầng cơ sở tốt. Hạ tầng cơ sở chính là các đề án được xây dựng nhằm hiện thực hoá các mục tiêu. Bên cạnh đó, điều quan trọng không kém là phải thay đổi nhận thức của người dân để chính họ thấy cần thiết phải tham gia.

 

Tây Giang

Nguồn: sgtt.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024930555

TRUY CẬP HÔM NAY: 3303

ĐANG ONLINE: 117