Nhiều ngành thiếu nhân lực chất lượng cao


Nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều nhóm ngành nghề đang có sự dịch chuyển về lao động, nhất là lao động có kỹ năng tay nghề cao. Tuy vậy, ở TP.HCM nhiều ngành đang trong tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

 

nhieu-nganh-thieu-nhan-luc-chat-luong-cao-1.png
Nhân lực chất lượng cao luôn được doanh nghiệp đề cao. (Ảnh: T.D)

Nhu cầu lớn

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), từ nay đến năm 2020, mỗi năm TP.HCM cần khoảng 270.000 việc làm, trong đó lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 28%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%. Nhu cầu việc làm tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực là: Công nghệ thông tin điện tử, cơ khí hóa chất, chế biến thực phẩm và công nghệ dệt may. Việc làm sẽ tuyển dụng theo xu hướng nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động phổ thông sẽ giảm dần.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi cho biết, theo quy hoạch phát triển ngành cơ khí đến năm 2020 được phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt trình độ công nghệ tương đương các nước hàng đầu trong khu vực, có thể xuất khẩu 40-45% giá trị sản lượng hàng năm, đáp ứng trên 80% nhu cầu trang bị sản phẩm cao cấp và dịch vụ cơ khí cho các tỉnh phía Nam. TP.HCM hiện có khoảng 1.500 DN hoạt động trong ngành cơ khí, với tổng số lao động đang làm việc khoảng 57.000 lao động. Dự báo nhu cầu chỗ việc làm trống bình quân hàng năm của ngành cơ khí khoảng 8.100, nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành này chiếm khoảng 90,25%.

Trong giai đoạn hội nhập ASEAN, nhu cầu nhân lực ngành Điện tử - Công nghệ thông tin đang gia tăng, đặc biệt về chuyên ngành và chất lượng nhân lực chuyên môn cao. Bình quân hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của ngành này khoảng 16.200 người, chiếm 6% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành Điện tử - Công nghệ thông tin chiếm khoảng 79,58%.

Ngoài ra, khi tham gia hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, nhiều nhóm ngành nghề có sự dịch chuyển về lao động, nhất là lao động có kỹ năng tay nghề cao như: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, bác sĩ, nha sĩ… Đặc biệt, mỗi năm, TP.HCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hàng năm. Điều này, đem đến nhiều cơ hội nghề nghiệp cho lao động trong ngành du lịch. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, mỗi năm TP.HCM cần khoảng 21.600 lao động khối ngành dịch vụ (khoảng 8% tổng nhu cầu). Trong đó, trình độ đại học, trên đại học chiếm 10%; trình độ cao đẳng- trung cấp chiếm 50%...

Thiếu kỹ năng, ngoại ngữ

Hiện nay tại TP.HCM có 56 trường đại học, 26 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 13 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 27 trường trung cấp nghề và trên 390 trung tâm - cơ sở  dạy nghề;  mỗi năm thành phố đào tạo khoảng 300.000 lao động. Tuy nhiên, thị trường lao động TP.HCM hiện vẫn còn nhiều hạn chế như sự chênh lệch về cung - cầu lao động. Đặc biệt, chất lượng lao động chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Nghịch lý ở đây, TP.HCM đang thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Cử nhân thất nghiệp, có nhu cầu tìm việc chiếm khoảng 65% số người đang tìm việc. Còn doanh nghiệp lại “đỏ mắt” tìm người làm được việc - người có kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực du lịch, theo khảo sát tại các công ty du lịch và lữ hành trên địa bàn TP.HCM có tới 30 - 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 85% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn về ngoại ngữ. Nhất là những ngoại ngữ không phổ biến như Pháp, Nhật, Đức, số hướng dẫn viên thông thạo những ngoại ngữ này chỉ chiếm khoảng 5-12%. Tại nhiều khách sạn trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là các khách sạn cao cấp như Sheraton, Caravelle, New World... đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên giỏi ngoại ngữ.

Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội là điều cần thiết hiện nay để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng và hạn chế sự nghịch lý. Trước hết, thành phố cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Các cơ quan thẩm quyền thực hiện nhanh lộ trình sắp xếp hệ thống trường chuyên về từng cấp đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp. Bên cạnh đó, thành phố cần định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề. Xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào tạo của từng trường đào tạo nghề, gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và cấp trình độ đào tạo. Hạn chế việc đào tạo tự phát không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thừa lao động và gia tăng thất nghiệp.

Mặt khác, người tham gia vào thị trường lao động phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện kỹ năng nghề, kỹ năng về ngoại ngữ và hòa nhập vào thị trường lao động năng động hiện nay cũng như trong những năm tới.

 
Thu Dịu
            Theo Hải Quan Online

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024935874

TRUY CẬP HÔM NAY: 1192

ĐANG ONLINE: 22