Lao động thời hội nhập cần chất lượng tay nghề cao


Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức thành lập vào cuối năm nay, Việt Nam đang có những bước chuẩn bị “nước rút” như thế nào sau khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Đây là cơ hội hay thách thức ?

 

Sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ giúp thị trường lao động trong khối ASEAN sôi động hơn và thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Vấn đề đặt ra là, nguồn nhân lực Việt Nam cần có những yếu tố gì để đón nhận cơ hội mới.

Đề cập đến vấn đề này phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) trao đổi với ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & thông tin thị trường lao động TPHCM.

 

lao-dong-nhat-ban-tay-nghe-cao

Lao động tay nghề cao sẽ vươn lên

 

VOH: Ông có đánh giá như thế nào về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay cũng như người lao động cần chuẩn bị gì khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN?
 

- Ông Trần Anh Tuấn: Trước tiên phải khẳng định thị trường lao động, đặc biệt tại TPHCM – trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục sắp tới được đánh giá thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao.

 

Theo đó người tham gia vào thị trường lao động phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện kỹ năng nghề, kỹ năng về ngoại ngữ và hòa nhập vào thị trường lao động năng động hiện nay cũng như trong những năm tới.

 

Có thể thấy, những ứng viên có bằng cấp và kinh nghiệm cần thiết thì nhiều nhưng để tìm được các ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm và hoàn hảo đặc biệt là các nhân sự cao cấp thì được nhiều doanh nghiệp đánh giá là” khó như mò kim đáy biển”.

 

Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TP cho thấy, những kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng đề cập là những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết, sự trung thực, làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, tính thích ứng, khả năng tư duy sáng tạo.

 

Vì vậy, trong quá trình thích ứng với doanh nghiệp, sinh viên, học sinh, người lao động phải luôn hoàn thiện, cạnh tranh với chính mình, bên cạnh đó các bạn cần làm quen không chỉ cạnh tranh với người cùng ngành mà còn cạnh tranh đối với nguồn nhân lực vào đất nước chúng ta trong thời kỳ hội nhập sắp tới.
 

lao-dong-nhat-ban-san-xuat-banh-keo


VOH: Trong quá trình tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp thường than phiền ứng viên thiếu kiến thức lẫn kỹ năng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
 

- Ông Trần Anh Tuấn: Đúng là như vậy. Hiện nay tại TPHCM và các địa phương lân cận vẫn còn tình trạng vừa thừa vừa thiếu.

 

Người lao động đã qua trình độ đào tạo đại học, cao đẳng vẫn còn thiếu kỹ năng. Đặc biệt là vào cuối năm nay khi chúng ta hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN thì nền kinh tế thị trường lao động sẽ theo hướng CNH – HĐH.

 

Thị trường lao động đang phát triển theo yêu cầu tăng nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao: có kỹ năng, kiến thức về KHCN, quản trị và SX kinh doanh. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Các doanh nghiệp thì luôn luôn khát nhân lực.

 

Vấn đề nghịch lý là chúng ta thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở ngành cần thiết cho sự phát triển.

 

Chúng tôi thấy rằng trong  hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 có 3 vấn đề thách thức, đó là: ngoại ngữ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, cụ thể là kỷ luật của doanh nghiệp.
 

VOH: Thực tế cho thấy nhiều sinh viên khi tốt nghiệp luôn mong muốn được làm việc cho các công ty liên doanh, nước ngoài hơn là công ty trong nước. Nguyên nhân là vì đâu, thưa ông?
 

- Ông Trần Anh Tuấn: Nhu cầu về lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng cao và đây là môi trường hấp dẫn để nhiều sinh viên sau khi ra trường rất muốn tham gia vào. Tuy nhiên, họ lại yêu cầu về kỹ năng ngoại ngữ và đặc biệt trách nhiệm nghề nghiệp khá cao. Vì vậy, đại bộ phận sinh viên không đáp ứng được.

 

Và một nguồn nhân lực thứ hai là đó là vấn đề xuất khẩu lao động cũng đang mở ra và rất nhiều ngành nghề, thu hút lực lượng lao động đã qua đào tạo.

 

Nguồn nhân lực thứ 3 là sắp tới đây sự di chuyển lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN của 10 nước sẽ góp phần tác động thay đổi về điều kiện làm việc cũng như thu nhập. Khu vực đầu tư nước ngoài sẽ có những điều kiện để chúng ta phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn làm sao để nghề nghiệp đi theo từ thấp đến cao, trong quá trình nghề nghiệp có thể hoàn thiện, trải nghiệm thì chắc chắn mọi người thanh niên sẽ thành công trong thị trường lao động phát triển và hội nhập.
 

kinh-te-nhat-ban-dang-hoi-phuc

Người lao động cần mạnh mẽ đi lên


VOH: Kết quả đào tạo so với nhu cầu của doanh nghiệp hiện đang còn một khoảng cách khá xa. Theo ông khó khăn vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay là gì?
 

- Ông Trần Anh Tuấn: Các cơ sở đào tạo của chúng ta, các trường, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học và trung cấp cần đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đào tạo số lượng quá lớn theo thị hiếu của xã hội thì cũng khó đảm bảo chất lượng.

Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta hãy làm sao để cho người lao động theo học nghề với tất cả niềm hứng thú, đam mê và họ tự rèn luyện cho mình. Nhà trường hãy làm một chất xúc tác để tạo điều kiện cho người học sinh rèn luyện kỹ năng, tham gia thị trường lao động.

Các doanh nghiệp thay vì ngồi trách móc các cơ sở đào tạo là không đào tạo được những nhân lực phù hợp thì hãy tạo điều kiện cho các trường trong việc giúp đỡ các em học tập theo những điều kiện mà các doanh nghiệp cần.

Vai trò của thanh niên bên cạnh học nghề thì cũng cần trau dồi kỹ năng, trách nhiệm, phải trải nghiệm thì chúng ta mới phát triển được.
 

VOH: Lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ trong quá trình hội nhập là gì?
 

- Ông Trần Anh Tuấn: Về phía làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động tôi cho rằng, các ứng viên, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp và người lao động trong quá trình tìm việc cần phải chú ý ba vấn đề.

 

Một là nhanh chóng tìm đúng nghề và phát triển công việc. Chúng ta đang ở trong một thời kỳ học một nghề có thể làm được nhiều nghề tương thích. Và ngược lại làm một nghề chúng ta phải bao gồm những kỹ năng cũng như một số nhóm nghề cần thiết để phục vụ cho sự phát triển. Vì vậy vấn đề làm đúng về ngành nghề cũng chỉ là một sự tương đối.
 

Vấn đề thứ hai trong quá trình làm việc cần phải xác định được mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp. Đây chính là yếu tố quan trọng của mỗi người mà chúng ta thường hay quên.
 

Và thứ ba quan trong nhất vào thời kỳ hội nhập, đó là mỗi thanh niên, sinh viên, người lao động phải làm sao xây dựng được giá trị hành nghề. Chúng ta phải thấy rằng không một ai hoàn hảo nếu một người có nhiều cái ưu điểm thì cũng phải có một số cái nhược điểm và chúng ta cần hoàn thiện thì mới có thể phát triển được trong sự nghiệp của mình.

 

Nguồn: .ims-vietnam.com

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024924526

TRUY CẬP HÔM NAY: 4703

ĐANG ONLINE: 68