QUẢN LÝ VÀ QUY TRÌNH THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG (PHẦN 4)


 

QUẢN LÝ VÀ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
 

 

 

 

1.  Định hướng phát triển
 1.1. Tăng cường quản lý nhà nước của thành phố về thông tin TTLĐ
Tăng cường nhiệm vụ của Sở Lao Động–TBXH về quản lý TTLĐ, cụ thể : 
         - Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phát triển kế hoạch dài hạn và hàng năm về công tác quản lý TTLĐ, công tác thông tin, thống kê, nghiên cứu, dự báo về tình hình lao động của thành phố. Tổ chức thực hiện các chương trình việc làm và quản lý thông tin TTLĐ.
         - Thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp và khai thác các thông tin tư liệu về TTLĐ, các tài liệu thông tin khoa học trong nước và ngoài nước, kinh nghiệm điển hình tiên tiến, các số liệu thống kê về lao động, về giá công lao động, thu nhập, mức sống dân cư, các tư liệu và số liệu thống kê kinh tế khác liên quan phục vụ công tác quản lý nhà nước về TTLĐ.
         - Thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện thông tin TTLĐ và dự báo về TTLĐ. Xây dựng mạng lưới thông tin TTLĐ, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho nhân sự làm công tác thông tin TTLĐ tại các đơn vị giới thiệu việc làm, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các Quận, Huyện, Phường, Xã. Hướng dẫn, kiểm tra giám sát các cơ quan đơn vị thực hiện thông tin TTLĐ trên địa bàn thành phố.

 

SƠ ĐỒ QUẢN LÝ THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
 

 

 

 

 1.2. Tổ chức quản lý nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động bằng công nghệ thông tin
   1.2.1. Áp dụng mạng lưới công nghệ thông tin ở 24 quận huyện, các cơ sở đào tạo, đơn vị giới thiệu việc làm.
   1.2.2. Sử dụng website, cập nhật phần mềm và quản trị cơ sở dữ liệu.
   1.2.3. Cấp thẻ điện tử bằng mã vạch để tổ chức theo dõi, cập nhật quản lý các đối tượng có nhu cầu  thông tin TTLĐ, gồm :
         - Số người đăng ký việc làm tại phường xã, đơn vị giới thiệu việc làm.
         - Số chỗ làm việc mới có nhu cầu tuyển dụng. Danh sách các doanh
nghiệp, tổ chức kinh tế – xã hội có nhu cầu tuyển lao động.
         - Trình độ học vấn và trình độ tay nghề của người lao động.
         - Số người thuộc diện chính sách, diện xóa đói giảm nghèo, diện di dời tái định cư và các đối tượng xã hội.
         - Số người thuộc hộ nông nghiệp có nhu cầu học nghề, việc làm, tự tạo việc làm.
         - Số người được giới thiệu việc làm (theo dõi sự thay đổi chỗ làm việc).
 1.3. Quy định về các tiêu chuẩn nghiệp vụ khai thác xử lý và tổng hợp về thông tin TTLĐ đối với các cơ sở đào tạo, đơn vị giới thiệu việc làm.
   1.3.1. Phương pháp 
         - Thu thập thông tin trực tiếp thông qua công tác chuyên môn.
         - Thu thập qua các báo cáo của các ngành, đơn vị.
         - Thu thập qua các trang web điện tử của nhà nước, cơ quan thông tin.
         - Thu thập qua các hội thảo, hội nghị khoa học.
         - Thu thập qua tham dự ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, qua các kết quả khảo sát về lao động việc làm.
         - Xây dựng chế độ trao đổi thông tin để thực hiện website người tìm việc việc tìm người, tạo sự liên kết thông tin.

   1.3.2. Nguyên tắc tiêu chí nghiệp vụ
         - Nguồn thông tin phải bằng số liệu và chữ viết, có địa chỉ, có tên người cung cấp và thẩm quyền trách nhiệm thông tin.
         - Kiểm tra nguồn thông tin, thực hiện lưu trữ, tổng hợp, xử lý, soạn thảo thông tin đúng quy định pháp luật.

2. Một số giải pháp
  2.1. Hoàn thiện hệ thống thông tin dự báo thị trường lao động của thành phố có khoa học, có hệ thống tổ chức phối hợp giữa cơ quan quản lý đào tạo – việc làm với các đơn vị giới thiệu việc làm, cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp theo hệ thống tiêu chuẩn và định kỳ thường xuyên.

  2.2. Xây dựng hệ thống phân loại ngành nghề
         - Hệ thống phân loại theo nghề
         - Hệ thống phân loại theo ngành
Hệ thống phân loại theo nghề làm cơ sở cho việc phân loại người tìm việc và chỗ làm việc còn trống, tạo điều kiện cho việc sắp xếp chỗ làm việc, tuyển dụng lao động. Hệ thống phân loại theo ngành tạo cơ sở phân loại các hoạt động kinh tế theo nhóm ngành giống nhau nhằm giúp cho việc nghiên cứu thay đổi trong cơ cấu và phân bổ lực lượng lao động.
  2.3. Thiết lập niên giám doanh nghiệp
Danh sách của tất cả doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với đầy đủ chi tiết và việc làm được Ngành Lao Động – TBXH cập nhật để thu thập thông tin TTLĐ.
  2.4. Xây dựng và triển khai chương trình hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả của công tác thông tin TTLĐ để xử lý tổng hợp lưu trữ và khai thác số liệu, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào lĩnh vực thông tin TTLĐ như xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý nguồn nhân lực, phát triển trang web “Người tìm việc – Việc tìm người”.

2.5. Công tác TTLĐ cần được hỗ trợ nguồn kinh phí để trang bị kỹ thuật mới nâng cao hiệu quả của công tác phát triển thông tin TTLĐ. Nội dung sử dụng :
         - Khảo sát định kỳ về lực lượng lao động, khảo sát nhu cầu đào tạo và chỗ làm việc.
         - Hỗ trợ tổ chức định kỳ sàn giao dịch việc làm thành phố và vệ tinh tại các quận huyện.
         - Xây dựng mạng thông tin thị trường lao động, điều tra thu thập xử lý số liệu Cung – Cầu lao động trên địa bàn, trong nước và ngoài nước. Báo cáo tổng họp thực trạng thị trường lao động và nhu cầu nhận lao động vào làm việc trong các cơ sở SXKD.
         - Đào tạo nhân sự.
         - Đầu tư thiết bị kỹ thuật.

 

KẾT LUẬN

 

      Với quá trình phát triển và sự hội nhập của nước ta, tạo sự thay đổi cơ bản chính sách phát triển tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời đại toàn cầu hóa đang tác động đến toàn xã hội trong đó có thị trường lao động, có những quy tắc truyền thống sẽ tồn tại, song cách sử dụng lao động sẽ thay đổi cơ bản kéo theo nhiều thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm của người lao động, người sử dụng lao động và yêu cầu quản lý thị trường lao động.

      Tại thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và thời gian tới có sự chuyển động cả về chất và lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ đẩy nhanh nhu cầu nguồn lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Việc chuyển dịch này sẽ dẫn đến nhiều người lao động phải chuyển sang công việc khác, trong khi đó hàng năm tại thành phố nhu cầu cần bố trí việc làm có trên 250.000 người, nhiều người lao động rất khó khăn trong việc tìm kiếm cho mình một công việc thích hợp với thu nhập ổn định cuộc sống. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân trong quan hệ Cung – Cầu của thị trường lao động và đặc biệt hệ thống thông tin thị trường lao động hoạt động còn nhiều hạn chế.

Các hoạt động thông tin thị trường lao động được biểu hiện : 
         - Tính chất và mục đích thông tin thị trường lao động đóng góp vào sự phát triển thị trường lao động. Các dạng thông tin và nguồn cung cấp thông tin bao gồm : Thông tin dạng thống kê như dân số, lao động, số lượng các doanh nghiệp, việc làm, thất nghiệp và thiếu việc làm. Thông tin dạng tường thuật như luật pháp, các chính sách về lao động, từ điển nghề nghiệp, danh bạ các cơ sở đào tạo.
         - Đối tượng sản xuất ra thông tin thị trường lao động bao gồm : các cơ quan nhà nước, công đoàn, các tổ chức của chủ sử dụng lao động, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức GTVL. Các nguồn cung cấp thông tin thị trường lao động : điều tra dân số, điều tra doanh nghiệp, điều tra về giá cả tiền lương.
         - Đối tượng sử dụng thông tin thị trường lao động phải luôn được xác định nhu cầu nhằm đảm bảo thông tin được sản xuất ra phù hợp và lợi ích.

      Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông tin thị trường lao động phát triển. Vì vậy việc khẳng định và bảo đảm nguyên tắc nhà nước đối với thông tin thị trường lao động là yêu cầu khách quan, sự đòi hỏi cần thiết của thị trường lao động nhằm tăng cường năng lực hoạt động thông tin tạo hiệu quả cao nhất trong việc phục vụ người lao động, người sử dụng và các cơ quan quản lý nhà nước về lao động – việc làm.

 

                                                                                                      Ngày 9/10/2009

                                                                                                      TRẦN ANH TUẤN

 

                                                                              Phó Giám Đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và

                                                                              Thông tin thị trường lao động TP.HCM
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878224

TRUY CẬP HÔM NAY: 462

ĐANG ONLINE: 10