Dấu hiệu của một năm kinh tế đầy khó khăn?


(DĐDN) – Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý I năm nay vẫn cao hơn quý I các năm 2012, 2013 và 2014, nhưng lại thấp hơn quý I năm 2015, cho thấy dấu hiệu chững lại của nền kinh tế.

 

kinh-te-viet-nam

 

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP trong ba tháng đầu năm đạt 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn đáng kể so với mức 6,12% cách đây một năm. Nhìn vào những số liệu trên, có thể thấy rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Quý I/2016 giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chỉ đạt 6,72% trong khi năm ngoái tăng tới 9,27%. Riêng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, khu vực được coi là trụ đỡ cho nền kinh tế trong thời kỳ khó khăn qua đã không thể tăng trưởng được mà theo chiều hướng đi xuống.

 

“Tăng trưởng GDP bị chậm lại là do nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều bất lợi cùng một lúc” – ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra lời giải thích trong cuộc họp báo được tổ chức vào cuối tuần trước.

 

Có thể kể đến một loạt những bất lợi mà nền kinh tế VN đang phai đối mặt, như kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi chậm và chứa đựng nhiều rủi ro. Kinh tế Nhật Bản và EU, những đối tác thương mại lớn của VN, đều tăng trưởng ở mức thấp, còn kinh tế của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi thì vẫn trong đà suy giảm. Kèm théo đó là sự giảm giá của hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu tiếp tục giảm sâu, đã tác động đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của VN.

 

Kết quả là kim ngạch xuất khẩu, dù vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị xuất khẩu ở một loạt ngành hàng đã thấp hơn so với ước tính như giá trị xuất khẩu ngành dệt may thấp hơn 371 triệu USD so với ước tính; giày dép thấp hơn 58 triệu USD và giá trị các mặt hàng máy tính và linh kiện thấp hơn 55 triệu USD.

 

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong Quý I/2016 giảm 4.1% giúp tạo ra 776 triệu USD thặng dư thương mại, nhưng chưa hẳn đây đã là điều đáng mừng. Nhiều chuyên gia cho rằng nhập khẩu giảm có nghĩa là sản xuất trong nước cũng giảm theo, lý giải tại sao tăng trưởng ngành công nghiệp đầu năm nay lại thấp hơn đầu năm ngoái khá nhiều. Điều này cũng dễ hiểu là bởi vì phần lớn các ngành sản xuất công nghiệp ở VN hiện tại đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu. Nhưng, theo ông Lâm, nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng GDP chậm lại nằm ở sự giảm sút của ngành nông nghiệp, trước tác động xấu của điều kiện thời tiết khắc nghiệt suốt 3 tháng qua. Đến thời điểm này, 8 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai do hạn hán và xâm ngập mặn. Chính vì những nguyên nhân đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đã giảm tới 2,5% so với cùng kỳ năm trước, kéo chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.

 

Kết quả tăng trưởng kinh tế quý I đã phần nào báo hiệu một năm đầy khó khăn cho kinh tế VN. Khi được hỏi về khả năng đạt được được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, ông Lâm thừa nhận rằng đây là một mục tiêu khó khả thi. “Nói chung, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong những tháng tới của năm 2016, thay vì những điều kiện thuận lợi,” ông Lâm nói.

 

Ngọc Linh

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877181

TRUY CẬP HÔM NAY: 438

ĐANG ONLINE: 14