Chọn trường, chọn nghề: Chỉ là bước đầu của hành trình xây dựng giá trị bản thân


Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường TPHCM trước vấn đề gỡ rối cho người Việt trẻ hiện nay trong việc lựa chọn ngành nghề, trường học phù hợp với thị trường, xã hội hiện nay.

Đó là khẳng định của ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường TPHCM trước vấn đề gỡ rối cho người Việt trẻ hiện nay trong việc lựa chọn ngành nghề, trường học phù hợp với thị trường, xã hội hiện nay.

Tham gia nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp, ông nhận thấy tâm lý lựa chọn trường, chọn nghề của các em học sinh hiện nay như thế nào?

- Trước đây, các em học sinh có phần chủ quan trong việc lựa chọn trường, chọn nghề. Điều này xuất phát từ tâm lý các em chỉ hướng vào các trường đại học công lập và đậu vào bất kỳ ngành học nào "cũng được". Ngay cả phụ huynh cũng quan niệm rằng, tấm bằng đại học sẽ giúp các em có việc làm. Tuy nhiên, với thị trường lao động hiện nay thì bước chọn trường, chọn nghề chỉ là khởi đầu cho con đường tìm kiếm thành công tương lai. Điều này khiến cho tâm lý của các em học sinh gần đây có ít nhiều thay đổi khi dần tiếp nhận nhiều thông tin về xã hội, về thị trường lao động, sự thay đổi mỗi năm… Từ đó làm cơ sở cho việc chọn trường chọn ngành học tương lai.

Trước tâm lý của nhiều học sinh hiện nay vẫn là hướng vào các trường ĐH (cả công lập và ngoài công lập), ông đánh giá thế nào về vần đề này?

- Với những con số về dự báo nguồn nhân lực hiện nay thì xã hội đang cần lao động ở 4 bậc học từ ĐH, CĐ đến trung cấp, sơ cấp. Bên cạnh đó, thực tế, có nhiều sinh viên vẫn không hiểu tại sao mình lại theo ngành đang học sau khi đậu vào các trường ĐH. Lý do là vì mong muốn phải học ĐH và với điểm kỳ thi tuyển sinh không cao, trường ngoài công lập ngày càng nhiều… dẫn đến việc các em phải vào học một trường, một ngành học ĐH “miễn là trúng tuyển”, từ đó không hiểu rõ có phù hợp năng lực sở trường bản thân hay không? Và không biết sau khi ra trường sẽ như thế nào?

Cho nên, việc quyết định gắn bó với một ngành học, một bậc học, các em học sinh cần phải tìm hiểu kỹ từ khối thi, điểm chuẩn, chương trình học đến công việc cụ thể mình sẽ làm. Bên cạnh đó là nhu cầu nhân lực ngành này trong những năm sau khi các em ra trường, phải xác định ĐH không phải là con đường duy nhất để thành đạt trong sự nghiệp tương lai.

Với những sinh viên hệ CĐ, trung cấp thì cơ hội cạnh tranh nghề nghiệp ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, nhu cầu về lao động qua đào tạo có trình độ tay nghề giỏi là rất lớn. Theo số liệu khảo sát, cơ cấu lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện nay là 1:0:3, tức là cứ một sinh viên tốt nghiệp ĐH thì có chưa đến 1 sinh viên tốt nghiệp CĐ và có 3 học viên tốt nghiệp trung cấp, trường nghề. Trong khi đó, cơ cấu ở các nước tiên tiến trong khu vực lại là 1:4:10, tức là cứ 1 sinh viên tốt nghiệp ĐH thì phải có 4 sinh viên tốt nghiệp CĐ và 10 học viên tốt nghiệp trung cấp, trường nghề. Như vậy, để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, lực lượng kỹ thuật còn thiếu trầm trọng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TPHCM dự báo mỗi năm có khoảng 270.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, cao đẳng 15%, trình độ đại học 17%, trên đại học 2%.

Vậy học CĐ, TC có cạnh tranh nổi hay không thì tôi cho rằng, đây là hai bậc học có tính linh hoạt và cơ hội nghề nghiệp cao hơn, nhanh hơn bậc ĐH. Không phải chúng ta không cần ĐH mà là do nguồn lực ĐH của các nơi đang tập trung về TPHCM nên độ cạnh tranh rất cao. Nói vậy không có nghĩa là trung cấp không thất nghiệp, học ngành nào, bậc nào cũng có nguy cơ thất nghiệp, bởi chúng ta đang chấp nhận một thị trường lao động cung cầu, giữa cung cầu là giá trị sức lao động. Ai xây dựng được cho mình giá trị hành nghề thì chiến thắng.

Chúng ta đang sống trong một xã hội, một thị trường lao động học liên tục. Các bậc học đang được mở ra việc liên thông, nên không ai có thể tự nói rằng, học cao thì sẽ thành công cao, học thấp thì không thành công, bởi thị trường lao động luôn đón nhận tất cả cấp bậc kỹ thuật từ cao đến thấp. Ai học ở bậc nào thì cần rèn luyện mình hoàn thiện ở đó.

Theo ông, các bạn trẻ cần chuẩn bị những gì để lựa chọn một ngành nghề phù hợp với bản thân?

- Việc chọn nghề học phải dựa trên cơ sở về sự hiểu biết nghề nghiệp và nền kinh tế quốc dân, của địa phương, những đòi hỏi khách quan của hoàn cảnh, biết đối chiếu với sự phát triển, năng lực, sở trường, tình trạng tâm sinh lý sức khỏe của bản thân để điều chỉnh động cơ lựa chọn nghề. Từ đó kết luận về sự phù hợp nghề nghiệp của bản thân. Mỗi học sinh có được tính chủ động trong lựa chọn nghề, có khả năng tự quyết định được con đường nghề nghiệp tương lai của mình.

Doanh nghiệp luôn cần nhân lực hài hòa ba yếu tố: Kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…). Để có cơ hội việc làm sau khi ra trường, trình độ kiến thức là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ngoài kiến thức, sinh viên cần phải nâng cao kỹ năng sống (kỹ năng mềm) của bản thân. Đây là điều kiện cần nhưng lại đang rất thiếu đối với sinh viên hiện nay.

Trong vấn đề hội nhập nhanh với môi trường làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, điều cốt lõi là người sinh viên, người lao động phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính. Đó là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Người lao động cần có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

 

Nguồn: http://laodong.com.vn/

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880623

TRUY CẬP HÔM NAY: 2942

ĐANG ONLINE: 10