TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ


        Thành phố Hồ Chí Minh  có dân số trên 7,2 triệu người, nguồn nhân lực có 4,7 triệu người. Tổng số lao động đang làm việc có 3,3 triệu người, tổng số người đến tuổi lao động hàng năm bao gồm người ở tại thành phố và người ở từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến có nhu cầu đào tạo nghề và tìm việc làm có trên 300.000 người. Tỷ lệ lao động thất nghiệp năm 2009 của thành phố bình quân ở mức 5,4%. Thành phố có trên 50.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm 92%; các cơ sở kinh doanh cá thể có trên 340.000 cơ sở, trong đó các cơ sở hoạt động lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 87%.

        Tổng quan về thị trường lao động thành phố hiện nay và những năm tới có sự chuyển động mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt vượt qua thời kỳ khó khăn về kinh tế và việc làm. Việc chuyển dịch của thị trường lao động dẫn đến nhiều người phải chuyển sang công việc khác hoặc tái thất nghiệp, tạo ra nhiều doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu và thừa nhân lực, việc đào tạo nghề để cung ứng nhân lực tiếp tục còn nhiều hạn chế do chưa đủ thông tin thị trường lao động nên các trường dạy nghề chưa dự báo và hoạch định chiến lược đào tạo gắn kết việc làm và các tổ chức giới thiệu việc làm không cập nhật kịp thời thông tin thị trường lao động để hoạt động có hiệu quả cao.

Xu hướng phát triển thị trường lao động vẫn có đặc điểm cơ bản là:

       • Lao động vừa thiếu vừa thừa: Thiếu những ứng viên thích hợp cho những vị trí quan trọng dù nguồn nhân lực có nhu cầu tìm việc làm lúc nào cũng thừa, còn nhiều người phải thất nghiệp luôn tìm kiếm việc làm hoặc mất việc làm do ngành nghề thu hẹp, doanh nghiệp giải thể, chuyển sang hoạt động sản xuất – kinh doanh khác.
       • Lực lượng lao động khu vực phi chính thức, tự tạo việc làm vẫn chiếm số lượng lớn, cần thiết nhu cầu nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và xã hội.
       • Giá cả nhân công trên thị trường lao động nhìn chung vẫn còn thấp, lực lượng lao động vẫn trong tình trạng dư thừa, yêu cầu cao các giải pháp chuẩn bị cho sự chuyển tiếp như đào tạo trình độ kỹ thuật cao phù hợp công nghệ mới.
       • Các doanh nghiệp tăng cường sử dụng lao động không thường xuyên: nhân lực sẽ luôn được đào tạo và tuyển mới để thay thế các vị trí không còn phù hợp; yêu cầu chính là nguồn nhân lực năng động và đã qua đào tạo.
       • Đối với người lao động sự cạnh tranh chỗ làm việc gay gắt hơn, công bằng hơn và trong môi trường mở rộng toàn xã hội. Yêu cầu người lao động phải tự đào tạo nghề và các kỹ năng nghề để thích nghi công việc.
       • Vấn đề cần quan tâm nhất của người lao động đặc biệt lực lượng sinh viên, học sinh là năng lực về ngoại ngữ, khả năng hợp tác, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hoá và tác phong làm việc công nghiệp.
       • Hạn chế về công tác quản lý nguồn nhân lực và thành phố vẫn chưa tổ chức được hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động một cách đầy đủ và chuẩn xác. Chính từ việc chưa thực hiện được tốt công tác dự báo cụ thể về số lượng ngành nghề, trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động và chưa thực hiện được việc thống kê, phân tích nhu cầu nhân lực của nhà tuyển dụng nên đào tạo chưa định hướng và chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động; người lao động tìm việc làm thiếu thông tin về việc làm, người sử dụng lao động thiếu thông tin về cung – cầu lao động ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất – kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực thành phố.

                                                             Ngày 6/10/2009

 

                                                                                                 TRẦN ANH TUẤN
 
                                                                                Phó Giám Đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực     
                                                                                          và Thông tin thị trường lao động TP.HCM
 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878013

TRUY CẬP HÔM NAY: 251

ĐANG ONLINE: 14