Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Lợi điểm nào cho thí sinh?


Với quy chế mới, hy vọng năm nay thí sinh sẽ không phải vất vả nộp - rút hồ sơ như năm ngoái. Trong ảnh: Thí sinh nộp hồ sơ xin xét tuyển vào Học viện Bưu chính viễn thông tại kỳ tuyển sinh ĐH năm 2015. Ảnh: N.Huê

Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Năm nay, theo quy chế có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh (TS).

Cụ thể, chỉ riêng nguyện vọng (NV) 1, TS đã có 4 cơ hội trúng tuyển; TS có nhiều cách để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) thay vì cách làm truyền thống như những năm trước là trực tiếp đến trường ĐH hoặc nộp qua bưu điện... Tuy nhiên, quy chế mới cũng có nhiều điểm “bất lợi” mà TS không thể không lưu ý.

“Siết” đối tượng, khu vực ưu tiên

Trong thông tư, đối tượng và khu vực ưu tiên được Bộ GD-ĐT siết lại. Cụ thể, đối tượng 1 là công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại khu vực 1 gồm: Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015 theo quy định hiện hành.

Cũng liên quan đến đối tượng và khu vực ưu tiên, trong thông tư năm nay cũng chỉ rõ HS có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.

Quy định cũ chỉ cần có hộ khẩu thường trú đối với các xã trên là đủ.

Chỉ tiêu khối thi truyền thống thu hẹp

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng quy định những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 50% (quy định cũ là dành ít nhất 75%) chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.

Năm nay, các trường ĐH xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn có ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu do Bộ GD-ĐT quy định. Còn với CĐ thì ngưỡng đảm bảo chỉ là tốt nghiệp THPT.

Trường quyết định hình thức nhận ĐKXT

Năm nay, TS không được quyền thay đổi NV khi đã nộp hồ sơ vào các trường. Ở NV1, TS được nộp 2 NV vào 2 trường ĐH với mỗi trường 2 ngành. Với NV bổ sung, TS có 3 NV vào 3 trường, mỗi trường 2 ngành. TS có thể nộp ĐKXT và phí dự tuyển trực tuyến hoặc qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh. Trường có thể quy định thêm phương thức tiếp nhận ĐKXT và phí dự tuyển của TS phù hợp với điều kiện thực tế của trường nhưng không gây khó khăn, tốn kém cho TS và bức xúc cho xã hội.

Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25. Quy định này năm trước không có.

Mặt khác, trong thông tư sửa đổi, Bộ GD-ĐT cũng quy định đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (tính theo thang điểm 10). So với quy chế cũ, điểm mới năm nay đó là bộ có quy định điểm nhận hồ sơ với CĐ.

Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Trường bớt hồ sơ ảo, TS tăng NV

Theo quy chế mới, TS năm nay không được rút ra nộp vào hồ sơ. Tuy nhiên, riêng NV1 được phép nộp 2 trường với 4 cơ hội xét tuyển. Chính vì vậy, các trường vẫn không tránh khỏi tình trạng TS ảo. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:

Trong quy chế, Bộ GD-ĐT đã lường trước và có những giải pháp cần thiết để giúp cho các trường hạn chế khó khăn do ảo. Cụ thể, bộ khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm. Sau khi TS trúng tuyển NV1, không còn cơ hội xét tuyển đợt tiếp theo sẽ tránh được hiện tượng ảo đối với các trường trong nhóm. Bên cạnh đó, năm nay yêu cầu TS trúng tuyển vào trường phải nộp giấy báo kết quả thi trong thời hạn quy định. Quá thời hạn ấy TS không nộp coi như “mất quyền trúng tuyển”, trường sẽ có quyền xét tuyển TS tiếp theo, không phải đợi đến khi nhập học như những năm trước. Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng không quy định, điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước để các trường chủ động hơn trong việc xác định chỉ tiêu trúng tuyển. Không những thế, trong phiếu ĐKXT, TS phải ghi rõ những trường mình đã ĐKXT để các trường có thể phán đoán được mức điểm trúng tuyển.

TS nộp hồ sơ xét tuyển vào Học viện Bưu chính Viễn thông năm 2015

 

PV: Về các nhóm trường, cho đến giờ, Bộ GD-ĐT đã nhận được đề án của bao nhiêu nhóm, thưa ông?

Hiện nay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang thành lập nhóm trường để xây dựng đề án tuyển sinh. Nếu thành công sẽ thu hút được các trường tham gia và đó là nền tảng kinh nghiệm cần thiết để các trường khu vực khác thành lập nhóm trường tuyển sinh.

Việc tuyển sinh theo nhóm trường có liên quan đến lợi ích nhóm ở đây không, thưa ông?

Tuyển sinh theo nhóm trường trước tiên vì lợi ích của TS cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường. Ví dụ, mỗi TS có 4 cơ hội vào 4 ngành ở NV1. Nếu nộp vào nhóm trường thì có thể nộp vào 4 trường trong nhóm trong cùng một ngành. Trong khi đó, nếu nộp ở các trường không trong nhóm, TS chỉ được nộp 2 trường. Mặt khác, khi tham gia ĐKXT trong nhóm, TS không trúng tuyển trường tốp trên có thể trúng tuyển trường tốp giữa hoặc dưới hơn. Như vậy, việc tạo nhóm trường để khuyến khích TS chọn ngành yêu thích hơn là chọn trường bất kỳ. Đối với các trường khi tuyển sinh theo nhóm sẽ khắc phục được tình trạng ảo. Việc lập các nhóm trường tuyển sinh vừa thuận lợi cho TS vừa thuận lợi cho các trường. Điều này cũng phù hợp với Luật GDĐH quy định tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường.

Thưa ông, đề thi năm nay sẽ như thế nào?

Đề thi căn bản không khác gì so với năm 2015 vẫn khuyến khích TS áp dụng các kỹ năng sử dụng kiến thức học được ở trường THPT vào điều kiện thực tế. Câu hỏi mở không bắt buộc TS phải trả lời máy móc. Sắp tới bộ sẽ ban hành đề thi minh họa để các TS, phụ huynh và thầy, cô giáo tham khảo. Đối với môn ngoại ngữ ở vùng khó khăn có thể sử dụng môn thi thay thế trong các môn thi bắt buộc.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Lam

 

Nguồn:http://www.giaoduc.edu.vn/

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024880196

TRUY CẬP HÔM NAY: 2514

ĐANG ONLINE: 14