MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC KỸ THUẬT ĐỂ TIẾP NHẬN CÔNG NGHỆ TỪ KHU VỰC FDI


Trong những năm qua, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có đóng góp đáng kể đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, không chỉ qua việc tạo ra một khối lượng sản phẩm và dịch vụ lớn mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nâng cao năng lực công nghệ, năng lực quản lý cho đội ngũ lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp chưa nắm bắt được cơ hội do FDI tạo ra, chưa đủ năng lực để nắm bắt công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến từ nước ngoài. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn là lao động phổ thông khá dồi dào nhưng lao động có kỹ năng, tay nghề lại rất thiếu. Theo số liệu khảo sát ở gần 40 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và hơn 20 Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất, xu hướng các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài đang tăng lên, trong đó gần 50% lao động phổ thông và chỉ có gần 45% có trình độ đại học trở lên. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải có giải pháp để để tăng cường năng lực kỹ thuật cho lao động Việt Nam để hấp thụ công nghệ từ các doanh nghiệp FDI.


Hiện trạng năng lực công nghệ của đội ngũ lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam

Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam là chuyển giao công nghệ tiên tiên và các bí quyết quản lý sản xuất từ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ lao động. Qua đó, sẽ dần dần thích ứng với công nghệ mới và tiến hành phát triển công nghiệp của riêng mình. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài hầu như chỉ mới khai thác nguồn lao động chi phí thấp chứ chưa thực hiện nhiều việc chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao và đào tạo nhân lực để phát triển công nghiệp nội địa. Một khảo sát của Diễn đàn phát triển Việt Nam được thực hiện trong 108 doanh nghiệp điện tử vào năm 2006 cho thấy, các công ty trong nước tuyển dụng từ 10 – 64% lao động có trình độ cao đẳng trở lên, trong khi đó con số tuyển dụng cùng trình độ tương ứng ở khu vực FDI chỉ ở mức khiêm tốn từ 4-10%. Sau sự kiện SANYO thành lập nhà máy sản xuất linh kiện điện tử đầu tiên với vốn FDI, các ngành công nghiệp Việt Nam cơ bản vẫn chỉ sản xuất được những mặt hàng đơn giản, những sản phẩm công nghệ cao mới chỉ là lắp ráp. Chính vì các công đoạn cần kỹ thuật cao chưa phải do lao động Việt Nam đảm nhận, nên việc học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua thực tế sản xuất ở các doanh nghiệp FDI của nhân lực trong nước chưa được nhiều.

Hiện nay, phương tiện khá quan trọng để lan tỏa và hấp thụ công nghệ vào doanh nghiệp trong nước có được qua quá trình tích lũy, học hỏi kinh nghiệm của lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài hoặc làm việc trong các liên doanh, doanh nghiệp FDI.

Chỉ tiêu hay được dùng để đo khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp là trình độ học vấn và chuyên môn của người lao động và chỉ tiêu biểu thị cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp thể hiện qua tỷ lệ lao động có kỹ năng. Kết quả điều tra của nhớm nghiên cứu VDFcho thấy, năm 2007 các doanh nghiệp trong nước có tỷ lệ lao động có kỹ năng chỉ bằng khoảng 70% so với doanh nghiệp FDI trong nhóm ngành điện tử và cơ khí, ít hơn trong nhóm ngành dệt may và cao hơn trong nhóm chế biến thực phẩm.

Lao động có kỹ năng chuyển từ khu vực FDI sang doanh nghiệp nội địa cũng được coi là một kênh khá quan trọng để tiếp thu công nghệ mới. Điều này xảy ra khi những lao động này sử dụng kiến thức đã học được trong thời gian làm việc tại các doanh nghiệp FDI khi chuyển sang các công ty trong nước. Tuy nhiên, hơn 30% doanh nghiệp FDI được phỏng vấn cho rằng, người lao động đã chuyển chỗ làm việc chủ yếu lại tới từ các công ty FDI khác, hơn 20% cho rằng số lao động này tự mở công ty riêng và gần 20% cho rằng lao động chuyển đi làm cho các doanh nghiệp trong nước. Như vậy, tuy tính linh hoạt về di chuyển lao động khá cao của khu vực doanh nghiệp FDI trong ba nhóm ngành trên ở Việt Nam, nhưng 1/3 số lao động chỉ di chuyển trong nội bộ khu vực doanh nghiệp FDI và có thể phần lớn trong số họ là lao động có kỹ năng.

Chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề nóng trong tiếp nhận vốn và công nghệ nước ngoài hiện nay. Tình hình nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nước ta đúng như ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nói “Việt Nam có nhiều nguồn lực lớn, nhưng cái thiếu nhất lại là lao động có kỹ năng, được đào tạo bài bản. Vấn đề hiện nay là, phải tạo cơ hội cho những người muốn học hỏi phát triển kỹ năng. kinh nghiệm làm việc, được đào tạo theo những chuẩn mực quốc tế. Có như vậy, chúng tôi mới thực sự yên tâm đầu tư”. Trong số các lý do, dường như sự chênh lệch về trình độ công nghệ và sự thiếu liên kết giữa hai khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI là những cản trở lớn để có được lan tỏa và hấp thụ công nghệ.

Có thể nói, đội ngũ lao động nước ta chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng theo yêu cầu công nghiệp còn rất hạn chế, phần nhiều trình độ chuyên môn còn thấp, tay nghề và kỷ luật lao động không cao. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế (hàng nhái, hàng giả, vi phạm bản quyền, gian lận thương mại rất nhiều), gây ảnh hưởng xấu tới thu hút vốn và công nghệ nước ngoài thông qua FDI. Những yếu kém này nếu không được khẩn trương khắc phục thì không những chúng ta không thể tận dụng những cơ hội tốt về thu hút vốn và công nghệ qua FDI, mà còn có nguy cơ các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam chuyển sang các nước khác hoặc các nhà đầu tư tiềm năng dè dặt hơn khi quyết định làm ăn ở Việt Nam.

Một số kiến nghị

Để tiếp nhận và hấp thụ công nghệ từ FDI, bên cạnh đẩy mạnh thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài kèm theo công nghệ cao, điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh đào tạo lao động kỹ thuật. Điều này đỏi hỏi sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và sự hỗ trợ hiệu quả từ Nhà nước.

* Về phía Nhà nước:

- Cần phải tăng cường nguồn lực và thay đổi quan niệm từ trước đến nay về công tác này là chỉ đào tạo cái mình có chứ không phải cái mà thực tế cần; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong đó, cần mở rộng quy mô đào tạo, dự báo thị trường lao động, xây dựng và qui định các chuẩn kiến thức và tay nghề, đổi mới cơ chế quản lý về tài chính, tăng cường xã hội hóa, trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo để họ hợp tác với doanh nghiệp.

- Đối với cơ sở đào tạo, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ban đầu mạnh mẽ hơn, nhất là đối với các đơn vị có hợp đồng đào tạo nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các hỗ trợ này có thể là cơ chế tuyển sinh linh hoạt, kinh phí bồi dưỡng giảng viên, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Chỉ khi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư tốt, giáo viên có điều kiện nâng cao trình độ, khi đó mới có đủ điều kiện tối thiểu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

- Để cung cấp thông tin cho các trường và cơ sở đào tạo, cần thiết phải xây dựng và củng cố các trung tâm dự báo nguồn nhân lực ở tầm quốc gia và khu vực, như Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động, Trung tâm thông tin nhân lực, Trung hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, Trung tâm cung ứng nhân lực kỹ thuật, Trung tâm giới thiệu việc làm …. Hầu hết các trung tâm hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức thu hút lao động đang tìm kiếm việc làm mà ít chú trọng đến đào tạo nghề cho lao động vì công việc này ít hiệu quả tài chính hơn. Vì vậy, cần phải giao thêm nhiệm vụ cho các đơn vị về dự báo, đánh giá nhu cầu nhân lực của từng địa phương, khu vực để tạo được mạng lưới cung cấp thông tin thị trường lao động quốc gia.

- Đối với bản thân người học, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi cho học sinh, sinh viên vay vốn để trang trải các chi phí tối thiểu, nhất là trong điều kiện học phí có thể tăng trong thời gian tới. Chỉ có như vậy mới giải quyết được các khó khăn của cả nhà trường và người học.

- Đối với doanh nghiệp, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, như giảm thuế cho các đơn vị nếu họ tự đào tạo được nguồn lực kỹ thuật, miễn thuế đối với những hàng hóa, trang thiết bị mà doanh nghiệp nhập khẩu phục vụ mục đích đào tạo nhân lực kỹ thuật.

* Về phía doanh nghiệp: Cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình và cho cả nền kinh tế. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào các chương trình đào tạo lao động kỹ thuật thông qua việc góp ý hoàn thiện chương trình đào tạo, xây dựng các chuẩn đầu ra và đóng góp kinh phí, trang bị cho nhà trường với số tiền khá lớn. Doanh nghiệp cần ủng hộ và có tiếng nói hơn với các cơ sở đào tạo trong nâng cao cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của mình; đồng thời cần chủ động tìm đối tác liên kết đào tạo và tranh thủ đội ngũ giáo viên ở các nhà trường. Bên cạnh đó, thông báo sớm về nhu cầu nhân lực cần đào tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động cho các trường để họ có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật kịp thời và sát với thực tế.

* Đối với các cơ sở đào tạo: Chủ động cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu đặt hàng cụ thể của doanh nghiệp, từng bước đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy theo nhu cầu của thị trường, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.



TS. Nguyễn Quang Hồng

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875875

TRUY CẬP HÔM NAY: 915

ĐANG ONLINE: 12