Chuyên đề tháng 3.2016: Những lưu ý khi chọn ngành nghề


 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀI PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG

 

Chuyên đề tháng 3.2016: Những lưu ý khi chọn ngành nghề

 

Phỏng vấn: Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

 

Câu hỏi: Xin chào ông, ông có nhận xét gì về nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay?

 

Trả lời:

 

   + Mặt tích cực:

 

- Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực; phát triển các ngành kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại.

 

 - Các doanh nghiệp luôn tích cực phát triển năng động, quan tâm các chính sách thu hút nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, sự đa dạng ngành nghề và phát triển nhanh quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là môi trường phù hợp thu hút lao động là sinh viên, học sinh còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề.

 

- Hệ thống đào tạo của Quốc gia và các Tỉnh, Thành phát triển khá nhanh, quy mô đa ngành nghề, nhân lực luôn được đào tạo bổ sung, đào tạo lại để thay thế các vị trí không còn phù hợp hoặc chỗ làm việc mới theo yêu cầu trình độ, chất lượng lao động, ngành nghề chuyên môn với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

 

-  Sự thay đổi tích cực về nhận thức và các giải pháp đầu tư nâng cao đào tạo gắn với sử dụng lao động, cân đối trình độ đào tạo với nhu cầu nhân lực theo ngành nghề để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy nguồn nhân lực đặc biệt đối với thanh niên về tự học tập, nâng cao trình độ đào tạo và các kỹ năng nghề.

 

   + Mặt hạn chế

 

- Thị trường lao động  đang tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông nhưng không tuyển được lao động. Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, cơ cấu lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện nay là 1:3, tức là cứ một sinh viên tốt nghiệp đại học thì có ba học viên tốt nghiệp trường nghề, trong khi đó, cơ cấu ở các nước tiên tiến trong khu vực lại là 1:10, cho thấy một sinh viên tốt nghiệp đại học thì có mười học viên tốt nghiệp trường nghề. Như vậy, để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, lực lượng thợ kỹ thuật còn thiếu nhiều so với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

 

- Vấn đề nghịch lý là đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Thực trạng chung là phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp. Sự hạn chế lớn của sinh viên khi ra trường, đa số chưa định hướng được cụ thể để chọn một ngành chuyên môn phù hợp với khả năng

 

 Câu hỏi: Trong năm 2016 có những ngành nào mới…?

 

Trả lời:

 

Thời kỳ hội nhập, nhiều cơ hội nghề nghiệp với nhiều nhóm ngành mới, trên cơ sở của những nhóm ngành cũ kết hợp, lồng ghép.

 

v Nhóm ngành Công nghệ thông tin

 

Công nghệ thông tin phát triển và hình thành một số nhóm nghề mới như: Bảo mật mạng, Lập trình ứng dụng di động, Lập trình game, Lập trình thiết kế game 3D, Lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D.

 

v Nhóm ngành Quản trị kinh doanh – Tài chính – Ngân hàng

 

Xu hướng kết hợp giữa các chuyên ngành hình thành ra những nhóm ngành nghề mới như: Quản trị rủi ro, Quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp – Công nghệ kỹ thuật và y tế, Quản lý hệ thống thông tin, Kế hoạch và Dự báo kinh tế – nhân lực – xã hội – kinh doanh, Tư vấn tài chính cá nhân, Quản lý dự án khoa học Môi trường – Hàng không, Logistics, Quản lý Văn phòng cao cấp…Sự kết hợp giữa nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật dẫn đến sự xuất hiện các nhóm ngành: Kỹ thuật thương mại, Quản trị viên của các ngành kỹ thuật.

v Nhóm ngành Khoa học xã hội

 

Bao gồm sự kết hợp của các ngành tâm lý học, khoa học xã hội với pháp luật, giáo dục như Tư vấn học đường, Tâm lý xã hội, Tâm lý điều trị bệnh lý…

v Nhóm ngành Y tế

 

Xu hướng ứng dụng kỹ thuật cao vào điều trị đã giúp hình thành nên các nhóm ngành mới như Quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, Kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, Công nghệ y sinh, Chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về gen… Yêu cầu kiến thức y khoa và  khả năng am hiểu, vận hành công nghệ kỹ thuật.

 

Câu hỏi: Thống kê cho thấy, có khá nhiều bạn trẻ chọn sai ngành nghề, không phù hợp với bản thân... Ông nhận xét gì? Nguyên nhân nào dẫn đến điều này?

 

Trả lời:

 

Tư vấn hướng nghiệp là một công đoạn quan trọng trong công tác hướng nghiệp, là hoạt động giúp cho học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp (định hướng hoặc tìm chọn chuyển nghề) trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân và nắm được định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu nhân lực của địa phương, đất nước trong từng thời kỳ.

 

Theo nhiều cuộc khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, có khá nhiều học sinh thiếu hiểu biết về ngành nghề mình chọn để thi ĐH nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học và việc làm của các em sau này. Cụ thể, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ 5% có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề chọn học.

 

Điều này cho thấy do hoạt động  hướng nghiệp chưa hiệu quả, dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt đại học đã chọn “đại” một ngành, một trường để học. Có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học; có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.

 

Hiện nay, thông tin về thị trường lao động chưa được thực hiện đồng bộ, nguồn thông tin còn ít chưa thể hiện cân đối nhân lực từng tỉnh, thành, vùng, miền. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như chưa hiểu hết nhu cầu lao động các ngành nghề ở các khu công nghiệp gây trở ngại cho công tác hướng nghiệp phân luồng. Hệ thống trường nghề, trường trung cấp hiện nay chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để học sinh lựa chọn. Các trường chưa thực sự liên kết với các trường phổ thông để giới thiệu về chương trình đào tạo, cơ hội tham gia thị trường lao động.

 

 

Câu hỏi: Để chọn ngành học và làm được công việc yêu thích, phù hợp bản thân, nhiều chuyên gia khuyên học sinh phải xác định được sở thích và thế mạnh của bản thân. Vậy làm sao nhận diện sở thích, khả năng…? Lưu ý những gì?

 

Trả lời:

 

Nên chọn ngành phù hợp với nhu cầu xã hội hay phù hợp với bản thân là câu hỏi mà hầu hết HS rất quan tâm. Để chọn ngành học, HS cần tự xác định theo bốn bước: thứ nhất, có thể chọn cho mình một vài ngành nghề theo sở thích; sau đó xem xét năng lực của mình có phù hợp với những ngành nghề đã chọn hay không; tiếp đến là sức học của mình như thế nào; cuối cùng là xem nhu cầu xã hội.

 

 Chọn ngành học rồi chọn trường học. HS cần biết năng lực, kiến thức bản thân, công việc quan tâm, khả năng kinh tế gia đình để xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp. Tìm hiểu thị trường lao động, cơ sở đào tạo để biết nhu cầu việc làm, điều kiện việc làm, ngành nghề đào tạo.

 

Nếu cảm thấy “nghi ngờ” khả năng lựa chọn ngành học, việc làm của bản thân, HS nên tìm đến các nhà tư vấn tại các trường đào tạo nghề, các tổ chức hỗ trợ SV-HS, tổ chức tư vấn đào tạo - giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, việc tư vấn thị trường lao động chỉ nên tham khảo, vấn đề là bản thân phải xác định được tâm huyết học nghề theo sở trường. Hãy xác định nghề nghiệp là yêu cầu học tập suốt đời. Việc làm là quá trình hoàn chỉnh nghề nghiệp và thăng tiến. 

 

Để chọn ngành học và làm được công việc yêu thích, phù hợp với bản thân, theo các chuyên gia hướng nghiệp, HS phải xác định được sở thích và thế mạnh của mình, hãy tự đặt và trả lời hai câu hỏi sau:

 

 1. Trong cuộc sống, những công việc nào mình thích làm nhất?

 

 2. Mình thường làm những công việc nào tốt hơn người khác?

 

 Hãy liệt kê càng nhiều việc càng tốt, dù đó có thể là những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi chọn ra đáp án chung cho cả hai câu hỏi trên, đã xác định được mình thích và làm tốt được việc gì. Sẽ không có ngành, nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới vì khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang giai đoạn hoạt động mới và buộc phải tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc nhân sự, kéo theo tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi cấp độ, vị trí, lĩnh vực.

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024878730

TRUY CẬP HÔM NAY: 968

ĐANG ONLINE: 7