Đìu hiu thị trường lao động đầu năm


(HNM) - Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới sáng 16-2 cho thấy, thị trường lao động sau tết Nguyên đán tại TP Hồ Chí Minh khá trầm lắng. Lượng lao động đến các trung tâm giới thiệu việc làm khá thưa thớt, nhiều công ty chỉ tuyển vài lao động cũng khó tìm được người, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh.
 
Cảnh đìu hiu tại các trung tâm giới thiệu việc làm những ngày sau Tết.

Mỏi mắt tìm lao động

Có mặt tại Chi nhánh Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ doanh nghiệp các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) đặt tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7), đại diện Công ty Nam Việt cho biết, doanh nghiệp phải chịu mất phí để trung tâm tuyển giúp 2 lao động nam, bởi nếu tự tuyển dụng thì không biết bao giờ mới tìm được, trong khi đang cần lao động gấp. Tương tự, Công ty Bestreal (quận Bình Thạnh) đang cần tuyển hàng chục nhân công với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng cộng thu nhập dựa trên doanh số với yêu cầu "nhẹ nhàng" là không đòi hỏi kinh nghiệm, chỉ cần trung thực, chịu khó. Tuy nhiên, hiện cả hai công ty trên vẫn chưa tuyển được đủ số lượng lao động theo yêu cầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ doanh nghiệp các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, sau tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thuộc Hepza có nhu cầu tuyển dụng từ 7.000-8.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nay người lao động từ các địa phương trở lại TP Hồ Chí Minh chưa nhiều nên khó tìm lao động. Dự kiến đến rằm tháng Giêng người lao động mới quay trở lại thành phố đầy đủ, khi đó thị trường lao động mới sôi động trở lại.

Còn tại Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở LĐ-TB&XH), lượng người lao động đến đăng ký tìm việc rất thưa thớt sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Trong buổi sáng 16-2, lượng người ra vào trung tâm rải rác, không có cảnh chờ đợi, chen lấn. Một nhân viên tư vấn việc làm tại đây cho biết, trong buổi sáng chỉ khoảng hơn 100 người đến đăng ký tìm việc, đa phần có trình độ từ trung cấp trở lên, họ đòi hỏi công việc đúng chuyên môn, mức lương tương đối nên tỷ lệ tìm việc thành công cũng không nhiều.

Chỗ làm đang chờ... người lao động

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, khảo sát 1.371 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho biết, các công ty này có nhu cầu tuyển dụng khoảng 19.000 lao động sau tết Nguyên đán, trong đó có 30% việc làm bán thời gian, lao động thời vụ. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung nhiều vào các nhóm ngành nghề như: Bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn, sửa chữa điện, cơ khí, giúp việc gia đình, giao hàng, nhân viên bảo vệ, xây dựng, điện dân dụng - điện lạnh - điện - điện tử, chế biến thủy sản - thực phẩm, dệt may - giày da...

Nhận định về khả năng thiếu hụt lao động sau tết Nguyên đán, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, theo tính toán, lượng thiếu hụt lao động không cao. Tuy nhiên, nhằm ứng phó với nguy cơ này, hiện thành phố đang tích cực đẩy mạnh các chính sách nhằm bình ổn thị trường lao động và nỗ lực chăm lo phúc lợi cho người lao động.

Theo các chuyên gia, quý I hằng năm thường là thời điểm gắn liền với quá trình tiếp tục tái cấu trúc phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp nên đòi hỏi phát triển lực lượng lao động. Do đó, sự dịch chuyển lao động cũng thường xảy ra vào thời điểm này. Dự báo, mức độ dịch chuyển lao động trong các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh bình quân khoảng 6-8% trong quý I-2016.

Hiện Việt Nam đang là "bến đỗ" tiềm năng của nhiều công ty, tập đoàn lớn nước ngoài nên sự sàng lọc lao động cũng như thực trạng "hút" lao động từ công ty này sang công ty khác sẽ trở nên căng thẳng trong thời gian tới. Trong khi đó, Việt Nam đang trong quá trình tham gia vào thị trường chung ASEAN, FTA cũng như chuẩn bị đón làn sóng đầu tư khi TPP được vận hành. Nhiều chuyên gia cảnh báo, Việt Nam không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ nữa mà phải chuẩn bị đội ngũ lao động chất lượng cao mới có thể hội nhập thành công. Chính điều này đặt ra yêu cầu rất khắt khe về nguồn lực lao động trong tương lai.

Có thể thấy, nhu cầu thiếu hụt lao động chất lượng cao đang dần hiện hữu tại TP Hồ Chí Minh - nơi tập trung số lượng doanh nghiệp cũng như lao động lớn nhất cả nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thành phố không có chiến lược phát triển nguồn lao động phù hợp sẽ có nguy cơ xảy ra khủng hoảng lao động, đó là sự đào thải lao động chất lượng thấp và khan hiếm lao động chất lượng cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Lê

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024722631

TRUY CẬP HÔM NAY: 7282

ĐANG ONLINE: 12